Mừng ngày Thầy Thuốc Việt Nam: Những người thầy trong y sinh

  • Chi tiết bài viết
  • Bài viết liên quan
Rate this post

Nhân Ngày Thầy Thuốc Việt Nam, IBSG xin gửi lòng tri ân tới các y bác sĩ, những người đang làm việc trực tiếp hay gián tiếp trong ngành y hướng tới sức khỏe con người. 

Ban cố vấn học thuật của IBSG có rất nhiều Thầy Cô Anh Chị cố vấn là bác sĩ nghiên cứu, các tiến sĩ, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ hướng tiền lâm sàng. IBSG xin gửi lời cảm ơn tới quý Thầy Cô Anh Chị  cố vấn của nhóm và là mentor của riêng các thành viên thuộc nhóm. 

Bên cạnh công việc khám chữa bệnh, thì việc nghiên cứu, giảng dạy và cập nhật kiến thức mới trong Y Sinh của các Thầy Cô Anh Chị rất hữu ích và ý nghĩa đối với sự phát triển của Y khoa. 

Và trong quá trình làm việc, chúng tôi cũng đã được nhận sự hỗ trợ nhiệt tình từ các y bác sĩ giúp cho việc học tập, nghiên cứu trong lĩnh vực liên quan y sinh và cả việc giúp đỡ những trường hợp sức khỏe cá nhân. 

Như gần đây, người thân của một cố vấn học thuật IBSG đã được nhận sự giúp đỡ, chia sẻ tận tâm từ Bác sĩ Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh và Bác sĩ Hoàng Thanh Tùng thuộc Bệnh viện Mắt Trung Ương, đồng thời, Bác sĩ Hoàng Thanh Tùng cũng là admin của website bacsinoitru.vn

Bác sĩ Quốc Anh đã rất hết lòng với bệnh nhân, trực tiếp phẫu thuật, thành công và vết mổ đẹp, thẩm mỹ cao, và sau đó đã thăm khám tận tình với người bệnh. Thậm chí, bác sĩ còn từ chối không nhận phong bì quà biếu từ gia đình bệnh nhân. 

Cư xử của các bác sĩ như bác sĩ Quốc Anh, bác sĩ Hoàng Thanh Tùng,… khiến chúng tôi rất cảm động và biết ơn, cũng có cách nhìn rất tích cực, khác hẳn việc được nghe biết đến những trường hợp tiêu cực trong giới y khoa ở Hà Nội và các tỉnh phía bắc như những báo chí phản ánh một chiều.  

Trong giới nào, hay ở bất cứ nơi nào, cũng sẽ có nhiều thành phần, có những trường hợp tốt và xấu.

Chúng tôi mong sao Y khoa ở Việt Nam sẽ có nhiều hơn những tấm lòng cao thượng như bác sĩ Quốc Anh, bác sĩ Hoàng Thanh Tùng,… 

Nhân dịp này, IBSG xin chia sẻ lại một bài viết về Giáo sư, Bác sĩ Trịnh Văn Minh – Người Thầy lớn của ngành Giải phẫu Việt Nam.  

Bài viết sau được lấy từ trang VUSTA,  Giáo sư, Bác sĩ Trịnh Văn Minh là người chủ biên bộ sách “Giải phẫu người”, đã là sách giáo trình cho các đối tượng sau đại học, các bác sỹ chuyên khoa khác nhau, các nghiên cứu sinh và các giảng viên giảng dạy giải phẫu. 

Người thầy lớn của ngành giải phẫu Việt Nam

Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Văn Minh là một trong những nhà giải phẫu hàng đầu của nền y học hiện đại Việt Nam.

Người thầy đầu tiên của chúng tôi khi bước vào ngành y

Vào đầu những năm 1970, khi mới trở thành sinh viên của Trường Đại học Y Hà Nội, môn học khai mở cho chúng tôi bước vào thế giới y khoa là môn giải phẫu người và một trong những người thầy giới thiệu những kiến thức vỡ lòng của môn học này cho chúng tôi là thầy Trịnh Văn Minh. Khi ấy, thầy đang ở độ tuổi 40, thì sung mãn nhất của đời người và đã có hơn 15 năm trong nghề kể từ khi còn là trợ lý giải phẫu năm 1956. Tâm trí chúng tôi còn in đậm hình ảnh người thầy nghiêm nghị nhưng trẻ trung, bình dị; với giọng nói nhỏ nhẹ và chậm rãi, thầy giới thiệu cho chúng tôi những nét mô tả giải phẫu y học về xương chi trên trong bài học đầu tiên. Cho đến cuối những năm 1970, khi tốt nghiệp ra trường, chúng tôi đã chọn chuyên ngành giải phẫu và vinh dự được trở thành đồng nghiệp của thầy.  Hơn 40 năm đã qua kể từ bài học và người thầy đầu tiên ấy, lứa chúng tôi đầu đã điểm bạc, thầy cũng đã yếu đi nhiều vì tuổi tác và bệnh trạng, nhưng thầy hàng ngày vẫn miệt mài nơi bàn viết, lần sửa hoàn tất tập sách giáo khoa về giải phẫu thần kinh. Ở bộ sách cuối đời này của thầy, chúng tôi hoặc đóng vai trò phản biện trong Hội đồng Thẩm định sách của Bộ Y tế, hoặc là người cộng tác, lại có cơ hội học tập ở thầy tinh thần làm việc và kiến thức sâu rộng mà thầy dày công tích lũy suốt cả cuộc đời khoa học của mình.

Dạy cả các bác sĩ Tây và tham dự nhiều Hội nghị khoa học quốc tế

Khi mới biết thầy, với tầm nhìn của những sinh viên, trong mắt chúng tôi thầy Minh chỉ như một nhà giáo tâm huyết và nghiêm túc mà chưa hiểu được rằng phần đời sôi động nhất với những thành tựu nổi bật nhất của ông đã ở lại sau lưng. Khi đội ngũ giảng viên trẻ đầu tiên của Bộ môn Giải phẫu Trường Đại học Y khoa Hà Nội mới thành lập từ năm 1959, giáo sư Đỗ Xuân Hợp đã động viên mọi người tích cực làm nghiên cứu khoa học. Ngoài những đề tài tham gia cùng tập thể hoặc theo nhóm tùy chọn, thầy đã được giáo sư Tôn Thất Tùng giao cho nhiệm vụ nghiên cứu giải phẫu phân thùy gan phục vụ cho phẫu thuật cắt gan và làm việc thường xuyên mỗi buổi sáng tại Bệnh viện Việt Đức, trợ thủ cho ông trong phẫu thuật cắt gan. Qua nhiều năm nghiên cứu hàng trăm tiêu bản phẫu tích và ăn mòn đúc khuôn các hệ thống động mạch-tĩnh mạch-đường mật trong gan, với những nhận xét sâu sắc, phân loại hệ thống, tỉ mỉ những biến đổi giải phẫu của từng phần, thầy đã đưa ra cách phân chia gan của riêng mình, mới mẻ và độc đáo, khác hẳn với các tác giả nước ngoài đi trước (Healy và Schroy, Couinaud…).  Kết quả của công trình nghiên cứu không những đã phục vụ kịp thời cho kỹ thuật cắt gan độc đáo của giáo sư Tôn Thất Tùng lúc đó mà còn đáp ứng được cả những yêu cầu của phẫu thuật ghép gan sau này. Với thành tựu này, không những thầy Trịnh Văn Minh đã giành được sự nể trọng của các đồng nghiệp giải phẫu và các phẫu thuật viên tiêu hóa trong nước mà còn được các đồng nghiệp Phương Tây biết đến. Năm 1982, được sự khuyến khích của hai giáo sư Đỗ Xuân Hợp và Tôn Thất Tùng, thầy đã đúc kết một phần công trình của mình thành luận án phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ). Luận án được bảo vệ xuất sắc và được các giáo sư, bác sĩ Italia hết sức ca ngợi, đề nghị ông viết lại bằng tiếng Pháp để in thành sách chuyên khảo tại Italia. Vào năm 1985, Nhà xuất bản Edizioni Minerva Medica ở Torino (Italia) đã xuất bản cuốn sách mà thầy viết chung cùng giáo sư Tôn Thất Tùng: Cắt gan khô qua  nhu mô (Tôn Thất Tùng) và Các biến đổi của hệ thống tĩnh mạch cửa trong gan (Trịnh Văn Minh). Trong Lời đề tựa cuốn sách, giáo sư A.E.Paletto, nhà ngoại khoa Italia đã viết: “…Về công trình của Trịnh Văn Minh, xin nhớ rằng phần được công bố trong sách này chỉ là phần rất nhỏ của một công trình thực sự phi thường về tầm rộng lớn và tính chính xác. Chắc chắn công trình này thuộc loại đầy đủ nhất thế giới, dựa trên sự nghiên cứu kiên trì và tỉ mỉ với 200 tiêu bản gan bằng phương pháp ăn mòn.Theo chỉ dẫn của tác giả, chúng tôi chỉ công bố trong sách một phần của cuốn atlas, phần dễ hiểu nhất và có ích nhất cho các nhà phẫu thuật…”. Với một nghiên cứu về khía cạnh giải phẫu không phải là đặc thù trên người Việt Nam mà mang tính phổ quát về giải phẫu người, thành tựu mà giáo sư Trịnh Văn Minh đạt được qua đánh giá của giới học thuật thế giới thật đáng tự hào, và nhận xét của vị giáo sư ngoại quốc này đã phản ánh đúng tầm mức mà thầy đã làm được.  Suốt hơn 10 năm tiếp sau đó, thầy đã nhiều lần được mời tham dự các Hội nghị quốc tế ở Italia, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản,…để báo cáo, trao đổi khoa học về giải phẫu gan và những ứng dụng trong phẫu thuật gan. Đồng thời, nhiều bác sĩ từ Italia, Pháp, Cu Ba, Indonesia… đã tới Hà Nội để được ông trực tiếp giảng dạy về giải phẫu gan ở phòng thực nghiệm. Nhận xét về thầy Minh, giáo sư Vũ Văn Đính, người bạn cùng khóa, thường nói: “Mình đi học Tây thì nhiều nhưng người được Tây đến học như ông Minh thì ít lắm”, còn giáo sư Nguyễn Ngọc Lanh đã viết cả một bài báo về công trình của thầy “Giải phẫu gan: công trình cả đời người” (Báo Khoa học và Tổ quốc, số 10-1992). Tiếng vang của những báo cáo về giải phẫu gan của thầy Minh tại các Hội nghị ngoại khoa quốc tế ở thời kỳ này đã khiến cho các giáo sư hàng đầu thế giới về ghép tạng mời ông viết một loạt bài về ứng dụng giải phẫu gan trong ghép gan để đăng trong các sách chuyên khảo của Hội nghị xuất bản tại Anh (Organ shortage: The solutions. Kluwer Academic Publishers, 1995), tại Mỹ (Transplantation Proceedings, Appleton Lange, 1996) và tại Hà Lan  (Retransplantation. Kluwer Academic Publishers, 1998). Đây là ba tập sách quý “gối đầu giường” đối với các nhà phẫu thuật ghép tạng trên thế giới. Ngoài công trình về giải phẫu gan, công trình nghiên cứu về phân bố thần kinh lang thang ở dạ dày của ông cũng đã được đăng trên các tạp chí ở Châu Âu và đã được trích dẫn trong cuốn Bách khoa thư Y học Pháp “Encyclopedie Medico-Chirurgicale” (EMC, Paris, 1990) với lời giới thiệu: “Một công trình giải phẫu mà người ta phải chào đón vì chất lượng và tính chất mới mẻ”, được nhiều nhà ngoại khoa ứng dụng trong phẫu thuật cắt dây thần kinh lang thang để điều trị bệnh loét dạ dày-tá tràng.  Giáo sư Michel Latarjet, một trong những nhà giải phẫu hàng đầu ở Pháp hiện thời, người bạn đồng nghiệp quốc tế thân thiết rất ấn tượng với những công trình nghiên cứu về giải phẫu dây thần kinh lang thang của ông. Trong thư gửi giáo sư Minh, ngày 5 tháng 11 năm 1983, giáo sư M. Latarjet ca ngợi: “…Tôi được mời báo cáo mở đầu trong Hội nghị khoa học chuyên đề Cắt dây thần kinh lang thang siêu chọn lọc tại Strasbourg vào tháng 6 năm 1982 do giáo sư Hollender tổ chức, công trình nghiên cứu tuyệt vời của ông vừa đăng ở Journal de Chirurgie (Tạp chí Ngoại khoa) đã giúp đỡ tôi rất nhiều…Tôi xin chân thành cám ơn và xin bày tỏ những tình cảm tốt đẹp của tôi đối với giáo sư, tin rằng công trình nghiên cứu này sẽ giúp ích rất lớn cho tất cả những ai muốn làm tốt hơn trong lĩnh vực này”. Kèm theo thư, ông đã gửi tặng tấm ảnh kỷ niệm của cố giáo sư André Latarjet-người cha đáng kính của mình, nhà giải phẫu nổi tiếng, người đầu tiên nghiên cứu về phẫu thuật cắt dây thần kinh lang thang trên thế giới, đồng thời là đồng tác giả với L.Testut trong bộ sách giáo khoa giải phẫu người 5 tập, hoàn chỉnh nhất của Pháp. Năm 1994, nhân dịp chuyến thăm quan và trao đổi khoa học ở Pháp, giáo sư Trịnh Văn Minh đã tới thăm Viện Bảo tàng Giải phẫu của cố giáo sư André Latarjet ở Lyon với sự ngưỡng mộ một trong những nhà giải phẫu hàng đầu thế giới. Năm 1998, giáo sư Bernard Descottes, Chủ nhiệm khoa Giải phẫu và Phẫu thuật tiêu hóa ở Trung tâm Viện-Trường Duypuytren, Limoges (Pháp) rất quan tâm đến cả hai công trình giải phẫu gan và gi
ải phẫu dây thần kinh lang thang, đã cử bác sĩ Sodji Maxime đến Viện Giải phẫu Hà Nội học hỏi về phương pháp nghiên cứu và tìm hiểu về một số công trình của giáo sư Minh đã làm tại Viện.

Những cuốn sách mang tính cơ bản của ngành y

Từ đầu những năm 1990, Hội Hình thái học Việt Nam đặt ra một nhiệm vụ: Tiến tới thống nhất danh từ giải phẫu trên toàn quốc và trọng trách này đã được trao cho giáo sư Trịnh Văn Minh khi thầy đảm nhận cương vị Trưởng Tiểu ban Danh pháp của Hội. Hồi đó, danh từ giải phẫu được dịch từ nhiều nguồn với những cách dịch khác nhau tùy theo từng trường đại học, gây nên khó khăn đáng kể trong giao tiếp và giảng dạy. Song song với nhiệm vụ này, cũng cần biên soạn bộ sách giáo khoa mới phù hợp với chương trình giảng dạy và cập nhật được các kiến thức mới, nhất là về giải phẫu thần kinh. Bộ sách sẽ là phương tiện đưa các danh từ được chuyển đổi vào hoạt động giảng dạy và giao tiếp khoa học. Vai trò chủ biên cho bộ sách đã được giao cho giáo sư Minh. Là chủ biên, nhưng do số đồng nghiệp tham gia ngày càng giảm, ông gần như dần trở nên người duy nhất theo đuổi tiến trình biên soạn tới hơn mười năm với biết bao trở ngại phải vượt qua cùng với rất nhiều yêu cầu cần giải quyết: đảm bảo tính kế thừa, tính chính xác trong mô tả, nâng cao chất lượng hình minh hoạ, cải tổ danh từ và chú giải chúng, đưa số liệu nghiên cứu của Việt Nam (mà chủ yếu của cá nhân thầy) vào các bài viết, cập nhật các hiểu biết mới về giải phẫu thần kinh, đưa ra cách mô tả thoả đáng nhất sao cho dung hoà được các dị biệt…Bằng sự kiên nhẫn phi thường kết hợp với một nhãn quan khoa học sáng suốt, giáo sư Trịnh Văn Minh đã lần lượt cho ra mắt các cuốn Giải phẫu người tập I (1998), tập II (2007) và tập III (2011); kèm theo các cuốn này là Từ điển Danh từ Giải phẫu Quốc tế Việt hoá (1999). Đầu năm 2011, Hội đồng Thẩm định sách của Bộ Y tế đã nhất trí đánh giá cao tính học thuật của bộ sách và thừa nhận bộ sách là tài liệu dạy học chính thức của ngành y tế. Ở nhiều phần của cuốn sách, người ta nhận ra dáng dấp rõ nét của một cuốn sách chuyên khảo khi các số liệu nghiên cứu của cá nhân vị chủ biên được sử dụng để đối chiếu, so sánh với số liệu của các tác giả khác và tất cả các danh từ được thầy sửa đổi đều được chú giải hết sức cặn kẽ. Có thể nói rằng, sau bộ sách giáo khoa Giải phẫu người của giáo sư Đỗ Xuân Hợp (Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học-Kỹ thuật năm 1996) ít có những cuốn sách giáo khoa giải phẫu của người Việt Nam đầy đủ, hoàn chỉnh và mang đậm dấu ấn đóng góp cá nhân đến như vậy.

Người công dân – nhà khoa học khảng khái

Qua suốt cuộc đời làm việc của mình giáo sư Trịnh Văn Minh không đảm nhiệm các chức vụ quản lý để có thể ảnh hưởng đến người khác qua chức vụ, cũng không có nhiều bằng khen, huân chương, giải thưởng to tát, nhưng uy tín khoa học và cốt cách trung thực, khảng khái của ông luôn được mọi người nể trọng. Hầu như tất cả các đức tính mà thầy có trong nghiên cứu khoa học và lao động học thuật như sự tận tâm theo đuổi đến cùng các trách nhiệm cá nhân, tính tỉ mỉ trong quan sát các hiện tượng, nguyên tắc trung thực và kiên định tuyết đối trong đánh giá kết quả….được thầy thể hiện trong đời sống thường ngày. Chính  lối sống ấy của nhà khoa học chân chính đã khiến thầy chịu không ít thua thiệt, nhận được không ít sự hiểu lầm trong một xã hội mà các diễn biến phát triển của nó không tuân theo cách mà thầy nhìn nhận. Nhưng chính cái con người có vẻ “ngang bướng” ấy, bằng các ý kiến phản biện đúng đắn, tâm huyết được theo đuổi đến cùng một cách không khoan nhượng đã từng làm cho lãnh đạo nhà trường một thời thay đổi một quyết định quan trọng: chuyển khu Viện Giải phẫu (cũ) về Khương Thượng (trụ sở chính của Trường Đại học Y Hà Nội). Đây là sự kiện gây tiếng vang lớn cho đến tận hôm nay, qua đó thể hiện rõ nét nhất vai trò xã hội của thầy, một vai trò xã hội có được nhờ vào tầm nhìn, uy tín khoa học và nhất là vào nhân cách trung thực, khảng khái đến cùng.  Một người chưa biết đến những thành tựu khoa học hay ảnh hưởng xã hội của giáo sư Trịnh Văn Minh có thể cho rằng đó là một cá tính kiêu mạn, nhưng những người có cơ hội biết về con người ông sẽ hiểu rằng đó là một người rất sòng phẳng trong đánh giá, nhìn nhận người khác đồng thời cũng tự ý thức rõ vị trí của mình. Trong bất cứ dịp nhận định nào về những người làm giải phẫu Việt Nam, giáo sư Đỗ Xuân Hợp, giáo sư Nguyễn Hữu đều được thầy hết sức kính trọng và những công trình hay bài viết của họ đều được ông dẫn giải rất chu tất; giáo sư Nguyễn Quang Quyền luôn là người bạn đồng nghiệp thân thiết mà ông quý trọng một cách đúng mức; người trợ thủ Nguyễn Đình Vị, một kỹ thuật viên bình thường, luôn có tên trong các bài báo khoa học của ông mà anh được tham gia; chúng tôi luôn là những học trò gần gũi mà ông hằng yêu quý và tận tình hướng dẫn, chỉ bảo… Một bài viết ngắn khó có thể diễn tả được một chân dung, một nhân cách khoa học lớn với 24 đầu sách, 128 bài báo khoa học cùng hàng trăm tài liệu tổng quan – dịch thuật đã đóng góp cho nền y học nước nhà và nền giải phẫu học thế giới. Lời ít, lòng nhiều, bài viết chỉ mong phần nào nói lên được sự kính trọng, yêu mến của lớp học trò và đồng nghiệp dành cho ông như một món quà đầu xuân. Mùa Xuân năm nay, giáo sư tiến sĩ Trịnh Văn Minh đã bước sang tuổi 80, sống thanh thản, thuận hòa với một gia đình tràn đầy hạnh phúc, viên mãn. Cuộc đời khoa học của thầy như một sự minh chứng sáng tỏ lời tự sự tâm huyết của Khổng Minh Gia Cát Lượng thời Tam Quốc: “Đạm bạc dĩ minh chí. Ninh tĩnh nhi chí viễn” (Thanh tịnh để sáng chí, Yên lặng mà tiến xa). 

* PGS.TS. Chủ nhiệm Bộ môn Giải phẫu-Trường Đại học Y Hà Nội

** GS.TS. Chủ tịch Hội Hình thái học Việt Nam. 

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Huy * Lê Gia Vinh **

Link nguồn tham khảo:

  1. Người thầy lớn của ngành giải phẫu Việt Nam
    http://www.vusta.vn/vi/news/Guong-hoat-dong-KHCN/Nguoi-thay-lon-cua-nganh-giai-phau-Viet-Nam-43614.html
  2. Giới thiệu sách “Giải phẫu người”
    https://www.vinabook.com/giai-phau-nguoi-tap-2-giai-phau-nguc-bung-p26090.html
  3. Website “Bác sĩ nội trú”
    http://bacsinoitru.vn/
Ý Kiến Độc Giả:

Nhóm nghiên cứu: