Nhật Bản đã sẵn sàng cho phép trị liệu bằng ‘tế bào gốc tái lập trình’ trong điều trị tổn thương giác mạc

  • Chi tiết bài viết
  • Bài viết liên quan
4/5 - (1 bình chọn)
ghép mô giác mác
                                                      Hình minh họa việc ghép mô giác mạc phát triển từ các tế bào gốc.

Hội đồng chuyên môn ở Nhật Bản đang xem xét việc sử dụng tế bào gốc tái lập trình để điều trị bệnh hoặc các tổn thương ở giác mạc. Hiện nay, các nhà nghiên cứu đang chờ  bộ y tế chấp thuận để thử nghiệm việc điều trị cho những người bị mù giác mạc (corneal blindness).

Giác mạc là một màng trong suốt có chức năng bảo vệ mắt. Đặc biệt, giác mạc có khả năng phục hồi lại sau khi bị tổn thương nhờ sự hiện diện của các tế bào gốc. Trong trường hợp bệnh lý, tiếp xúc với hóa chất hoặc bị bỏng, giác mạc thường dễ bị tổn thương dẫn đến việc mất thị lực. Hiện nay, việc cấy ghép giác mạc từ người hiến tặng vẫn đang được áp dụng để điều trị tổn thương hoặc những bệnh lí liên quan đến bộ phận này, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người bệnh. 

Bác sĩ Kohji Nishida cùng với nhóm nghiên cứu ở đại học Osaka dự định điều trị tổn thương giác mạc bằng mô giác mạc được hình thành từ tế bào gốc vạn năng cảm ứng. Chúng được tạo ra từ các tế bào tái lập trình ở giác mạc của người hiến tặng dưới dạng phôi, có thể biệt hóa thành các tế bào khác. Nhóm nghiên cứu của bác sĩ Nishida dự định cấy một màng giác mạc nhân tạo có độ dày 0,05 mm vào mắt của bệnh nhân. Các nghiên cứu bước đầu đã chứng minh tính hiệu quả của phương pháp này trong việc điều trị và khôi phục thị lực ở động vật.

Bộ Y Tế đang cân nhắc để đưa ra quyết định sớm. Nếu dự án được phê duyệt, nhóm nghiên cứu của Nishida sẽ tiến hành cấy ghép trên 4 bệnh nhân. Các đối tượng được điều trị sẽ trải qua quá trình theo dõi khoảng 1 năm để kiểm tra tính an toàn và hiệu quả của phương pháp sau khi cấy ghép. Cấy ghép mô giác mạc nhân tạo có thể được được tiến hành lần đầu tiên vào cuối tháng 7 năm nay.  

Ngoài ra, việc sử dụng tế bào gốc vạn năng để điều trị các tổn thương tủy sống, bệnh Parkinson hay các bệnh về mắt khác vẫn đang được thử nghiệm lâm sàng bởi các nhà khoa học Nhật Bản.

Nguyễn Thái Anh Thư (chuyển ngữ)

Lê Anh Dũng (hiệu đính)

Nguồn tham khảo:

David Cyranoski. Japan poised to allow ‘reprogrammed’ stem-cell therapy for damaged corneas. Nature. March 15, 2019.

 

Ý Kiến Độc Giả:

Nhóm nghiên cứu: