Phỏng vấn các dịch giả của sách “Tế Bào Gốc – Khám Phá Cùng Nhà Khoa Học” và quà tặng dành cho độc giả IBSG

  • Chi tiết bài viết
  • Bài viết liên quan
Rate this post

Tế bào gốc là những tế bào có khả năng biệt hóa thành các tế bào khác. Ở nhiều nơi trong cơ thể, tế bào gốc đóng vai trò của một hệ thống sửa chữa, thay thế cho các tế bào già yếu. Có hai loại tế bào gốc tự nhiên, bao gồm tế bào gốc phôi (embryonic stem cells) và tế bào gốc sinh dưỡng hay tế bào gốc trưởng thành (somatic/adult stem cells). Năm 2006, các nhà khoa học thành công trong việc tạo ra một loại tế bào gốc nhân tạo được đặt tên là iPSCs (induced pluripotent stem cells) thông qua việc tái lập trình một tế bào sinh dưỡng thành tế bào gốc nhờ các phân tử chuyên biệt. Loại tế bào gốc iPSCs này giúp đẩy nhanh nghiên cứu và ứng dụng vì tránh đụng chạm đến vấn đề đạo đức.

Hiện nay, có rất nhiều sách xuất bản về tế bào gốc. Một trong số đó phải kể đến cuốn “Stem Cells – An Insiders’ Guide” của tác giả Paul Knoepfler, một người sống sót sau ung thư và cũng là giáo sư nghiên cứu tế bào gốc tại University of California, Davis, Hoa Kỳ.

Tháng Tư 2018 vừa qua, bản dịch Việt ngữ của cuốn sách đã được ra mắt độc giả thông qua nhà xuất bản Omega+ tại các tỉnh thành trong cả nước. Các dịch giả bao gồm tiến sĩ Châu Tiểu Lan, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kim Vy, và tiến sĩ Dương Thị Thư. IBSG rất vinh hạnh đã có dịp trò chuyện cùng các dịch giả của cuốn sách.

Sau đây, mời các độc giả cùng theo dõi buổi trò chuyện của Huy Vũ, đại diện IBSG, với các chị dịch giả.

IBSG: Lời đầu tiên, xin cảm ơn các dịch giả đã tham gia buổi phỏng vấn hôm nay. Các chị có thể chia sẻ vài nét về bản thân và công việc hiện tại được không ạ?

Cám ơn Huy Vũ và nhóm IBSG đã [sắp xếp buổi trao đổi].

Vy đang làm postdoc tại Đại Học California, San Diego, nghiên cứu về nguyên nhân của bệnh tiểu đường sử dụng mô hình được xây dựng từ tế bào gốc phôi.

Thư vừa tốt nghiệp tiến sĩ về sinh học phân tử và tế bào tại Đại Học Pennsylvania, tiếp tục làm postdoc [tại lab của giáo sư hướng dẫn] về hướng nghiên cứu và điều trị bệnh mù di truyền bằng liệu pháp gene sử dụng adeno-associaed virus (AAV) trên mô hình được xây dựng từ tế bào gốc vạn năng nhân tạo (iPSC) của bệnh nhân.

Chị Lan già nhất. Sau 3 năm postdoc ở Bỉ, chị cùng chồng con về Thổ Nhĩ Kỳ và hiện đang làm việc tại Đại Học Bilkent, Ankara. Sau hai năm dạy học ở trường này, hiện chị vừa tham gia nghiên cứu vừa hỗ trợ quản lý công việc trong nhóm nghiên cứu của chồng chị.

IBSG: Cả ba chị đều rất bận rộn và lại ở ba vị trí địa lý cách xa nhau, vậy cơ duyên nào đã dẫn các chị đến với nhau và cùng thực hiện dự án chuyển ngữ cuốn sách “Stem Cells – An Insider’s Guide” của giáo sư Paul Knoepfler vậy ạ?

Khi học thạc sĩ ở Hà Lan, Vy có duyên quen với chị Lan, lúc đó đang làm tiến sĩ ở Liege, Bỉ. Gần 10 năm sau đó, dù xa nhau nhưng hai chị em luôn giữ liên lạc, tâm sự, và chia sẻ từ chuyện công việc đến chuyện cá nhân. Mặc dù làm khoa học, nhưng chị Lan rất giỏi văn, viết văn làm thơ rất hay.

Vy quen Thư vì chồng của Vy cũng học và tốt nghiệp ở trường Penn [BTV – tên gọi tắt của University of Pennsylvania, một trong tám trường Ivy League danh giá của Hoa Kỳ] và từ lâu đã biết Thư có đam mê nghiên cứu về tế bào gốc, lại luôn nhiệt tình trong công việc cộng đồng.

Khi đọc cuốn “Stem Cells – An Insider’s Guide” của Paul và thấy quá hay, Vy có ý định dịch ra tiếng Việt để chia sẻ với mọi người. Vy đã hỏi một số bạn bè xung quanh, nhưng ai cũng bận rộn nên từ chối. Trong một lần tâm sự với chị Lan thì mới giới thiệu với chị về cuốn sách. Đâu ngờ chồng chị Lan cũng vừa mua cuốn đó về, và chị cũng đang đọc rất tâm đắc. Lúc đó thật giống như “tư tưởng lớn gặp nhau” và hứa hẹn: để về suy nghĩ tiếp.

Tiếp đó là cùng rủ Thư, trong lúc Thư đang rất bận rộn với các dự án sách của Vietnam Book Drive (VnBookDrive).

Vì cả ba chị em đều thấy cuốn sách hay và có ý nghĩa, nên sau 1 tuần “ngâm cứu” thì quyết định bắt tay vào dịch. Ba chị em ở ba múi giờ khá cách biệt nên chỉ hẹn gặp online được cuối tuần.

IBSG: Vì sao các chị lại chọn dịch cuốn sách “Stem Cells – An Insider’s Guide” ạ?

Trước nhất, đây là cuốn sách khoa học thường thức, viết cho công chúng, bệnh nhân, và người nhà của họ nêncách diễn đạt và cách tiếp cận gần gũi, dễ hiểu. Bạn đọc ở Việt Nam rất cần thể loại sách này nhưng hiện chưa có nhiều đầu sách như vậy.

Thứ hai,cuốn sách trình bày thẳng thắn, chân thực hai mặt của liệu pháp tế bào gốc, bao gồm tiềm năng và nguy cơ. Quan điểm của tác giả là không ủng hộ hay chống đối tế bào gốc một cách thái quá, mà thay vào đó, [tác giả] giúp bạn đọc hiểu được tận gốc của vấn đề. Tác giả đưa ra quan điểm của mình, nhưng không áp đặt, mà để cho độc giả có sự chọn lựa cách suy nghĩ và hành động riêng cho mình.

Cuối cùng, cuốn sách còn đưa ra các vấn đề không dễ đề cập tới và thường ít được thảo luận một cách công khai như vai trò của cơ quan y tế trong việc quản lý và giám sát các liệu pháp tế bào gốc, quyền lợi của bệnh nhânvà vai trò của bác sĩ ở Mỹ và tình hình chung ở các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Tụi chị thấy những vấn đề này cũng rất đáng lưu tâm ở nước mình.

IBSG: Cũng như nhiều sách khoa học bằng tiếng Anh khác, cuốn  “Tế Bào Gốc – Khám Phá Cùng Nhà Khoa Học” cũng có rất nhiều thuật ngữ và khái niệm khoa học rất mới mà tiếng Việt chúng ta chưa kịp cập nhật ngay. Điều này có gây trở ngại gì cho quá trình dịch thuật của các chị không ạ? Và các chị đã vượt qua những trở ngại đó như thế nào?

Đúng vậy, có rất nhiều thuật ngữ còn mới mẻ. Thật ra nhiều từ cũng đã được dịch sang tiếng Việt và sử dụng khá rộng rãi nhưng lại chưa chuẩn xác. Nhóm chị muốn nhân cơ hội này đề nghị lại những thuật ngữ cho sát nghĩa hơn.Ba người đã suy nghĩ, thảo luận, và bàn bạc [nội bộ] rất nhiều [cũng như] hỏi thăm ý kiến từ mọi người xung quanh rồi mới cùng nhau đưa ra quyết định.Một ví dụ điển hình nhất là từ iPSC, induced pluripotent stem cell,vẫn thường được dịch là “tế bào gốc vạn năng cảm ứng” thì tụi chị thấy không đúng nghĩa. “Induced” trong sinh học có nghĩa là được gây kích thích đáp ứng, khác với “induced/induction” trong Vật lý là “cảm ứng” như cảm ứng điện từ.iPSC thực chất là các tế bào sinh dưỡngtrong cơ thể được biến đổi thành các tế bào gốc bằng cách chuyển vào chúngcác nhân tố kích thích. Do đó, nhóm đề nghị thay bằng “tế bào gốc vạn năng nhân tạo”. Từ “nhân tạo” ở đây vừa bao hàm ý “được kích ứng” vừa để phân biệt với những loại tế bào gốc tự nhiên khác như tế bào gốc phôi và tế bào gốc trưởng thành.

Có rất nhiều từ mới mà nhóm chị đề nghị như vậy. Để tiện theo dõi và thảo luận, sách có danh mục từ vựng ở phần phụ lục. Hy vọng sẽ nhận được nhiều trao đổivà phản hồi rộng rãi từ những người trong ngành, thông qua trang giới thiệu sách của nhóm: https://www.facebook.com/TeBaoGocKhamPhaCungNhaKhoaHoc/

IBSG: Cuốn sách chứa đựng một khối lượng đáng kể các kiến thức chuyên ngành về tế bào gốc và nghiên cứu lâm sàng. Vậy phần nào trong sách khiến các chị cảm thấy tâm đắc nhất và vì sao?

Vy thấy chương 3 phân tích các thách thức trong việc áp dụng liệu pháp tế bào gốc là hữu ích nhất, vì nó sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những rủi ro mà họ phải gánh chịu khi chấp nhận trị liệu.

Chị Lan thì tâm đắc cả cuốn sách, thấy chương nào cũng hay và cần thiết. Lúc dịch những chương giới thiệu ban đầu, chị có cảm giác như đang giảng bài bằng tiếng Việt những nội dung khi chị đứng lớp giảng bằng tiếng Anh. Nhưng có lẽ chị tâm đắc nhất là các chương 7,8, và 9, dù ba chương này cũng khó dịch nhất vì liên quan đến các quy định và luật lệ. Những thông tin trong các chương này không thể tìm trong sách giáo khoa hay giáo trình nào cả, dù chị cũng đang dùng sách Mỹ dạy cho sinh viên ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi đó các thông tin này rất thiết thực.

Qùa Tặng Dành Cho Độc Giả

Các độc giả IBSG thân mến! Để góp phần giới thiệu cuốn sách “Tế Bào Gốc – Khám Phá Cùng Nhà Khoa Học” đến cộng đồng, IBSG xin phép tặng cho ba độc giả thỏa mãn các điều kiện sau:

  1. Đã chia sẻ bài phỏng vấn này trên Facebook cá nhân,
  2. Tag ba người bạn dưới bài viết của Fanpage Khoa Học và Công Nghệ Sinh Học, và
  3. Email đến hòm thư của IBSG.

IBSG sẽ chọn ngẫu nhiên 3 (ba) bạn may mắn để gởi phần quà là một cuốn sách của nhóm dịch giả đến mỗi bạn. Tiêu đề email ghi rõ “Tham gia nhận sách may mắn cùng IBSG.” Email cung cấp các thông tin sau: Họ tên đầy đủ, công việc hiện tại, sở thích khoa học, và địa chỉ bưu điện. IBSG cam kết không sử dụng thông tin cá nhân của các độc giả một cái trái phép khi tham gia chương trình này. Hạn chót nhận email ngày 1 tháng Sáu 2018.

Email tham gia xin gởi về: [email protected]

IBSG: Trong cuốn sách có đề cập đến một số thử nghiệm lâm sàng dùng tế bào gốc để điều trị bệnh thoái hóa điểm vàng (macular degeneration) cũng như một số quan điểm của tác giả về việc gia tốc quy trình xem xét của FDA để rút ngắn thời gian từ phòng lab cho tới người bệnh. Theo nhận định của các chị, đâu sẽ là những khó khăn cho việc đưa các liệu pháp tế bào gốc vào thử nghiệm và điều trị cho bệnh nhân tại Việt Nam trong hoàn cảnh hiện tại?

Cả ba thành viên của nhóm đều đang học tập và làm việc ở nước ngoài nhiều năm. Trong khi đó, gần đây công nghệ tế bào gốc ở Việt Nam được đầu tư và phát triển rất mạnh mẽ, nên quả thực nhóm chưa có điều kiện tìm hiểu sâu hơn và nắm bắt rõ tình hình trong nước. Hơn nữa, cả ba thành viên đều là tiến sĩ [BTV – khác với bác sĩ lâm sàng], tập trung vào nghiên cứu, hơn là điều trị.Vì vậy, những gì nhóm trình bày ở đây chỉ là ý kiến cá nhânthông qua một vài quan sát mà thôi.

Có lẽ nước mình còn thiếu nhiều về nguồn lực và kinh phí.

Về nguồn nhân lực, lựclượng những người có chuyên môn sâu về điều trị và nghiên cứu tế bào gốc còn mỏng nên điều đó có thể ảnh hưởng đến chất lượng của tất cả các khâu, từ nghiên cứu, thử nghiệm, và điều trị cho đến quản lý và giám sát. Hi vọng cuốn sách của tụi mình có thể khơi gợi thêm niềm cảm hứng cho nhiều bạn trẻ học và đi vào lĩnh vực này.

Về kinh phí, những mảng nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc phôi hay tế bào gốc vạn năng nhân tạo đòi hỏi nguồn đầu tư lớn và dài hạn. Tại Mỹ, tụi mình nhận thấy có rất nhiều các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động vì bệnh nhân và cấp kinh phí cho nghiên cứu. Hầu như bất kì một loại bệnh nan y hoặc mãn tính nào cũng có ít nhất một tổ chức như vậy. Nguồn quỹ của các tổ chức này đến từ các “mạnh thường quân” hoặc từ cáchoạt động gây quỹ trong cộng đồng. Họ sử dụng nguồn quỹ này để hỗ trợ và thúc đẩy các nghiên cứu và thử nghiệm đi nhanh hơn. Điều này đặc biệt cần thiết trong lĩnh vực tế bào gốc. Bên cạnh đó, những tổ chức này cũng có nhiều hoạt động tích cực bảo vệ cho quyền lợi của bệnh nhân. Hình thức này hình như chưa phổ biến ở Việt Nam, vì vậy phần nào cũng hạn chế sự phát triển của công nghệ tế bào gốc.

IBSG: Tác giả cuốn sách là Paul Knoepfler, giáo sư tại University of California, Davis, là người sống sót sau ung thư, và cũng là một cây bút tích cực chuyên viết các bài diễn giải khoa học trên website cá nhân của ông (https://ipscell.com/). Thật tình cờ là các chị cũng thường hay viết những bài giới thiệu về các công trình khoa học mới xuất bản trên các tập san để chia sẻ tới cộng đồng thông qua Facebook.Động lực nào đã giúp các chị làm điều ấy?

Bản thân Vy cũng được khơi gợi từ nhiệt huyết của Paul thông qua cuốn sách và blog của ông. Những bài viết của mình vẫn còn ít và chưa lôi cuốn lắm (viết về khoa học, vốn khô khan, một cách lôi cuốn thì thật khó), nhưng qua đó mình hi vọng giúp mọi người xung quanh mình (gia đình, bạn bè) thấy Y-Sinh học cũng gần gũi, dễ hiểu, chứ không xa lạ, kì bí gì cả. Mình cũng hi vọng là ngày càng có nhiều người viết và chia sẻ thông tin khoa học thực-sự đến cho mọi người.

Thư thì chưa viết gì cả và cũng dở nhất khoản viết. Tuy nhiên, gần đây Thư nhận được câu hỏi từ một số trường hợp của người thân của bạn bè ở Việt Nam hỏi về các bệnh mù di truyền, cách điều trị hay các thử nghiệm lâm sàng để họ có thể tham gia.Nhận thấy những thông tin này trong tiếng Việt là còn rất ít hoặc chưa có, nên thời gian tới Thư sẽ cố gắng thử sức viết để chia sẻ và trao đổi với mọi người.

Như Vy nói, khoa học Y Sinh thật ra rất gần gũi và mục đích của khoa học là để hỗ trợ đời sống con người. Vậy nên chị Lan muốn chuyển những thông tin có ích cho sức khỏe đến mọi người xung quanh bằng những bài trình bày có lý giải. Việc này làm chị cảm giác như mình đang luyện tập để diễn giải bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.

IBSG: Là những nữ khoa học gia làm việc tại nước ngoài, các chị có thể chia sẻ với độc giả những buồn vui của mình về con đường nghiên cứu khoa học được không ạ?

Kim Vy: Có lẽ con đường nghiên cứu của mình, tới giờ, tương đối bằng phẳng, nên vui nhiều hơn buồn. Mình may mắn được làm việc với nhiều giáo sư giỏi, có tâm và tận tình cùng những người đồng nghiệp giỏi giang và tốt bụng. Họ tạo điều kiện và giúp đỡ để mình tự phát triển bản thân, tìm được hướng đi phù hợp và nuôi dưỡng sự ham thích với khoa học. Với mình, điều quan trọng là làm được công việc mình muốn làm, mỗi ngày học được gì đó mới, mỗi sáng có động lực để nhảy bật ra khỏi giường, vui vẻ đi lên lab làm việc.

Dương Thư: Thư nghiên cứu ở Việt Nam ba năm trong Phòng Thí Nghiệm Tế Bào Gốc (PTNTBG) ở Đại Học Khoa Học Tự Nhiên TP HCM. Hồi đấy PTNTBG mới thành lập, làm cái gì cũng thiếu thốn, hoá chất dụng cụ thiếu thốn, tiền lương quá thấp, không có người hướng dẫn (mentor) nên tất cả phải tự mò mẫm. Năm 2011, lúc sang đến Mỹ, mình cũng bị shock bởi kiến thức chuyên sâu hổng quá trời, lại thêm khó khăn về mặt ngôn ngữ. Mọi thứ đều đầy đủ nhưng nghiên cứu khoa học không dễ dàng, thất bại của Thư cũng kha khá. Nhưng may mắn là mình được ở trong một môi trường học tập và làm việc tuyệt vời tại Penn, nên đã được giúp đỡ và khích lệ rất nhiều. Thế mới lại tiếp tục làm postdoc tại Penn để học hỏi nhiều hơn.

Tiểu Lan: chị cũng nghĩ như Vy, một khi mình đã có sự lựa chọn đường hướng thì làm việc hết mình. Buồn hay vui, nếu hiểu được cả hai đều tạm thời thì đó là điều tốt nhất cho cả công việc lẫn cuộc sống.

IBSG: Sau “Tế Bào Gốc – Khám Phá Cùng Nhà Khoa Học,” các chị có dự định sẽ tiếp tục chuyển ngữ tác phẩm khoa học nào nữa không?

Sách hay thì nhiều lắm; nhưng hiện tại thời gian hạn hẹp quá. Công việc chính của mỗi người trong nhóm là nghiên cứu, vốn không phải chỉ đi làm từ 9h sáng đến 5h chiều, và ngoài ra còn phải chăm lo gia đình.

Trước mắt nhóm muốn tập trung phát triển fanpage của sách trở thành một cộng đồng nhỏ, trao đổi và giao lưu với nhau về chủ đề tế bào gốc cũng như những chủ đề thú vị khác của sinh và y học.

Hơn nữa, một trong những hạn chế của cuốn sách là thiếu những kiến thức cập nhật trong 5 năm trở lại đây, vì cuốn “Stem Cells: An Insider’s Guide” ra đời năm 2013. Dù trong quá trình dịch, nhóm cũng cố gắng đưa thêm một số thông tin cập nhật dưới dạng chú thích, nhưng hẳn nhiên là không đủ. Vì vậy, trong thời gian đến, nhóm sẽ cố gắng viết bài để cập nhật những thông tin mới nhất về các liệu pháp tế bào gốc đến cho độc giả.

Mọi người có thể tìm thấy trang tương tác với bạn đọc của nhóm ở đây: https://www.facebook.com/TeBaoGocKhamPhaCungNhaKhoaHoc/

Biết đâu khi mọi người hứng thú tìm hiểu thì tụi mình lại có thêm động lực để viết lách và dịch thuật.

Huy Vũ và IBSG chân thành cảm ơn các chị đã dành thời gian tham buổi phỏng vấn này.Chúc các chị và gia đình luôn hạnh phúc và đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong sự nghiệp.

Huy Vũ (phỏng vấn)

Nguồn hình: Fanpage Sách “Tế bào gốc- khám phá cùng nhà khoa học”

Ý Kiến Độc Giả:

Nhóm nghiên cứu: