Tìm hiểu về các loại vitamin

  • Chi tiết bài viết
  • Bài viết liên quan
Rate this post

Tổng Quan Về Vitamin

Khái quát:

Vitamin là những hợp chất hữu cơ rất cần thiết cho sự sống. Cơ thể người và động vật hầu như không tự tổng hợp được vitamin, nên hầu hết lấy từ nguồn thức ăn.

Vitamin có 2 loại:

Bảng 1: Phân loại vitamin

I/ Loại vitamin tan trong chất béo : A, D, E, K

Các vitamin này sẽ qua dạ dày ( bao tử), ruột, sau đó được mật phân giải để dễ hấp thu qua thành ruột ruột cùng với các chất dầu mỡ trong thức ăn, nên khi chức năng hấp thu của ruột bị rối loạn (ví dụ tiêu chảy kéo dài, bệnh xơ hóa nang, bệnh  Celiac,…) hoặc thiếu tác dụng của muối mật (trường hợp tắc mật kéo dài) sẽ dẫn đến thiếu hụt các loại vitamin trên.

Các vitamin này không tan trong nước nên  cần liên kết với protein để vận chuyển đưa vào máu. Chúng được lưu trữ ở gan và các tế bào mỡ.

II/ Các Vitamin tan trong nước:

B1 (thiamine: TPP)
B2 (riboflvin: FAD, FMN)
B3 (niacin: NAD+)
B5 (pantothenic acid: CoA)
B6 (pyridoxine: PLP)
B7 (biotin)
B9 (folate)
B12 (cobalamin)
C (ascorbic acid)

Các vitamin tan trong nước nên dễ được hấp thu trực tiếp vào máu, có thể di chuyển tự do trong cơ thể. Vì thế chúng cũng dễ bị “trôi” qua thận và ra ngoài cơ thể “ easy come, easy go”. Do đó, chúng cần được bổ sung thường xuyên trong các thực phẩm hằng ngày.

Hầu hết các vitamin này dễ bị đào thải ra ngoài cơ thể, ngoại trừ vitamin B12 và B9 ( folate) vì được lưu trữ ở gan.

VITAMIN A: (Retinol/Caroten)

Nguồn cung cấp:

Thực vật: tiền chất của vitamin A: β-caroten

Rau xanh, cà rốt, ớt chuông đỏ, khoai lang, trái cây có màu vàng, đào

Động vật:

Gan cá, mỡ cá, trứng, sữa

Chức năng:

Chống oxi hóa, hình thành nên sắc tố võng mạc của mắt, giúp điều trị bệnh quáng gà (nyctalopia), bệnh khô mắt (xerophthalmia) và nhiều bệnh về mắt khác.

Có vai trò hỗ trợ tăng trưởng cho xương, da, tóc, răng và lợi (nướu), giúp chống lại các nhiễm trùng đường hô hấp.

Hỗ trợ điều trị bệnh sởi, bệnh AML (Acute Myelogenous Leukemia ) bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính.

RDA – recommended daily allowance (khuyến cáo lượng dùng hằng ngày):

Đối với người lớn RDA= 5000 I.U( đơn vị quốc tế)

Ở người có thai, cho con bú, trẻ em, tùy theo độ tuổi nhu cầu khác nhau.

Nếu thiếu hụt:

Sẽ gây các bệnh quáng gà (nyctalopia), da khô và đóng vẩy (xerosis cutis), thoái hóa giác mạc ((keratomalacia), chấm Bitot ở kết mạc mắt, ức chế miễn dịch.

Nếu dư thừa quá mức:

Ngộ độc cấp: buồn nôn, nôn ói, chóng mặt, nhìn mờ

Ngộ độc lâu dài: rụng tóc (alopecia), da khô ( da đóng vẩy), gan bị ngộ độc và to lên, đau khớp, u giả não bộ (pseudotumor cerebri).

Khi phụ nữ mang thai sử dụng quá liều vitamin A (đặc biệt là các thuốc điều trị mụn, hóa mỹ phẩm) sẽ gây dị tật thai nhi (ví dụ như dị tật sứt môi, các bất thường tim mạch,…). Vì vậy cần yêu cầu có các xét nghiệm chắc chắn không mang thai và sử dụng các biện pháp tránh thai đáng tin cậy trước khi kê toa thuốc điều trị mụn trứng cá có chứa các dẫn xuất của vitamin A.

VITAMIN D

Gồm: 2 loại quan trọng

Vitamin D2 = Ergocalciferol—( từ tiền chất ergosterol) hấp thụ từ các thực vật.

Vitamin D3 = Cholecalciferol—( từ tiền chất 7-dehydrocholesterol) hấp thụ từ sữa, gan, dầu cá, chuyển hóa ở da (lớp màng đáy) tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Vitamin D3 không phải dạng hoạt động trong các mô, nó chuyển thành:

25-OH D3 = dạng dự trữ, ở gan

1,25-(OH)2 D3 (calcitriol) = dạng hoạt động, ở thận

Nguồn cung cấp:

Cá mòi, cá trích, sữa và các sản phẩm từ sữa. Được tạo ra bởi sự tương tác với ánh sáng mặt trời và chất dầu ở dưới da.

Chức năng:

1,25-(OH)2 D3 (calcitriol): Tăng sự hấp thu Calci và Phosphate ở ruột, tăng sự khoáng hóa ở xương.

RDA: 10 µg

Nếu thiếu hụt:

Sẽ gây ra bệnh Còi xương (Rickets) ở trẻ em (xương bị đau và biến dạng), bệnh nhuyễn  xương (Osteomalacia) ở người lớn (xương đau và cơ yếu), tình trạng co cứng do giảm calci máu. Những trẻ em trong thời kì bú sữa cần được cung cấp thêm vitamin D dạng uống, sự thiếu hụt vitamin D sẽ tăng lên khi hạn chế tiếp xúc ánh sáng mặt trời, da sẫm màu, sinh non.

Nếu dư thừa:

Gây ngộ độc, tăng calci máu, tăng calci trong nước tiểu, ứ đọng canxi trong các mô và thận.

VITAMIN E (TOCOPHEROL/TOCOTRIENOL)

Gồm 3 loại: α,β,γ- tocopherol, trong đó loại  α-tocopherol có hoạt tính mạnh nhất.

Nguồn cung cấp:

Mầm lúa mạch, ngũ cốc nguyên cám, dầu thực vật, đậu nành, các loại hạt, táo, đào và các loại rau củ xanh.

Chức năng:

Là chất chống oxi hóa, bảo vệ hồng cầu và màng tế bào khỏi các gốc tự do.  Vitamin E giúp phòng chống các bệnh tim mạch, ung thư.

Hỗ trợ chức năng của vitamin A, mau lành vết thương, ngừa thiếu máu.

Tác dụng đối với hệ thống sinh dục, điều hòa quá trình sinh sản.

Có thể làm tăng chức năng kháng đông máu của warfarin.

Ở trẻ sinh non và bệnh nhân mắc chứng kém hấp thu cần sử dụng nhiều vitamin E.

Khi sử dụng nhiều thức uống có cồn sẽ làm tăng phá hủy (do oxi hóa) vitamin E.

RDA = 1 mg Eq(đương lượng)  α-tocopherol

Nếu thiếu hụt sẽ gây:

Thiếu máu tán huyết, yếu cơ , mất myelin ở cột sau và đoạn tủy sống tiểu não.

Vấn đề của thần kinh sẽ xuất hiện tương tự khi thiếu vitamin B12, nhưng không có thiếu máu hồng cầu to, tăng nồng độ “methylmalonic acid” trong huyết thanh.

VITAMIN K (PHYTOMENADIONE, PHYLLOQUINONE, PHYTONADIONE)

Nguồn cung cấp:

 Rau củ có màu xanh, bông cải trắng, dầu đậu nành, tảo bẹ, các sản phẩm từ ngũ cốc, trái cây, sữa chua, lòng đỏ trứng, gan.

Vitamin K1 (phylloquinone): có nguồn gốc thực vật, có nhiều trong thức ăn, nhất là rau dền, bắp cải.

Vitamin K2 (menaquinone): được các vi khuẩn đường ruột tổng hợp trong cơ thể.

Vitamin K3 (menadione): vitamin tổng hợp.

Nhu cầu cần thiết ở người nam trưởng thành là 120 µg/ ngày, còn ở nữ là 90 μg/ngày

Chức năng: đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu, đặc biệt là các yếu tố II, VII, IX, X và protein C, protein S.

Wafarin- là chất đối nghịch với vitamin K vì warfarin là chất kháng đông.

Nếu thiếu vitamin K : sẽ dễ gây chảy máu ở trẻ sơ sinh. Bởi vì trẻ sơ sinh có hệ thống đường ruột vô khuẩn nên thiếu vi khuẩn để tổng hợp vitamin K, và sữa mẹ chỉ đáp ứng 1/5 nhu cầu vitamin K cần thiết. Do đó, trẻ khi mới sinh được tiêm vitamin K để ngừa các bệnh xuất huyết.

Ngoài ra, việc thiếu vitamin K cũng có thể xảy ra khi sau một thời gian dài dùng kháng sinh phổ rộng (do kháng sinh tiêu diệt vừa các vi khuẩn có lợi và có hại).

Nếu quá liều Vitamin K: thường là vitamin K tổng hợp (Menadione) có thể gây ra thiếu máu tán huyết hoặc vàng da ở trẻ sơ sinh, bởi vì độc tính lên màng tế bào hồng cầu.

VITAMIN C (ASCORBIC ACID)

Nguồn cung cấp:

Từ các trái cây họ cam quýt, ớt đỏ cay, bông cải xanh, cà chua, các rau củ có màu xanh, khoai lang.

Chức năng:

Giúp các tế bào phát triển, xương, lợi, răng, tăng sức đề kháng vi khuẩn, là chất chống oxi hóa.

Giúp hấp thụ sắt (giữ sắt ở dạng Fe 2+).

Cần thiết trong quá trình tổng hợp collagen.

Giúp chuyển hóa Dopamine thành Norepinephrine.

Thiếu hụt vitamin C:

  • Gây ra bệnh Scorbut (SCURVY). Triệu chứng bệnh bao gồm sưng, chảy máu nướu răng, bầm tím, đốm xuất huyết dưới da, thiếu máu, vết thương lâu lành, xuất huyết quanh nang và dưới màng xương. Bệnh Scurvy đã ảnh hưởng đến rất nhiều bệnh nhân Ai Cập, La Mã và Thành Rome cổ đại. Bệnh này gắn liền với lịch sử thế giới vì tỷ lệ cung cấp vitamin C không đầy đủ trong những chiến dịch quân sự và trong các cuộc hành trình trên biển dài ngày của các thủy thủ.
  • Giảm khả năng đáp ứng miễn dịch.

VITAMIN B1  (THIAMINE)

Nguồn gốc: men khô (dùng làm bánh), vi sinh vật, ngũ cốc nguyên cám, yến mạch, đậu phộng, đậu nành, rau củ màu xanh, sữa.

 Chức năng:

Ngừa bệnh BERIBERI– một căn bệnh về hệ thống thần kinh, giúp tế bào phát triển, giúp chuyển hóa carbonhydrate, hỗ trợ hệ thần kinh, chống lại tình trạng stress, lo âu, chấn thương.

RDA= 1,5 mg

Khi thiếu Thiamine ( vit B1)

BERIBERI: đây là một hội chứng do thiếu thiamine nghiêm trọng được phát hiện ở những vùng có chế độ ăn sử dụng “gạo đánh bóng”- hay còn gọi là “ gạo trắng”, tức loại gạo đã được xay bỏ phần cám và mầm, làm mất đi lớp vỏ giàu thiamine, được đánh bóng nên sáng và bóng hơn, dễ bảo quản nên được ưa chuộng.

Có 2 dạng:

“ Beriberi khô” : triệu chứng là viêm đa dây thần kinh(polyneuritis), làm hao mòn các cơ một cách đối xứng.

 “Beriberi ướt”: suy tim (bệnh giãn cơ tim), triệu chứng là phù, nên còn gọi là Bệnh Tê Phù.

Hội chứng Wernicke-Korsakoff:

Những trường hợp thiếu vitamin B1 thường liên quan đến những người nghiện rượu mạn tính, do chế độ ăn nghèo dưỡng chất và kém hấp thu vitamin. Vì thế những người nghiện rượu sẽ mắc hội chứng này với các biểu hiện như: lãnh đạm, thờ ơ, mất trí nhớ (lâu dài), mất phối hợp cơ ( mất điều hòa vận động), rung giật nhãn cầu (nystagmus). Tổn thương não ở các vùng nhân lưng trong của đồi thị (medial dorsal nucleus of thalamus), thể vú.

VITAMIN B2 (RIBOFLAVIN)

Nguồn cung cấp: sữa, nấm men, pho-mát, rau xanh, nấm, cá và trứng.

Chức năng:

Giúp tế bào phát triển, các chuyển hóa cơ bản, tốt cho mắt, da, móng, tóc, mau lành các vết loét ở miệng.

RDA= 1,7 mg

Khi thiếu hụt riboflavin sẽ xảy ra các bệnh:

Cheilosis (viêm môi): sưng viêm môi, khô đóng vẩy, tạo ra các vết nứt ở khóe miệng.

Corneal vascularization (bệnh mạch máu giác mạc): sợ ánh sáng, giảm thị lực, cảm giác bỏng rát ở mắt, chảy nước mắt nhiều.

VITAMIN B3 (NIACIN, NICOTINIC ACID, vitamin PP)

Nguồn gốc: thịt nạc, lúa mì nguyên cám, cá ngừ, cá anchovy (thuộc họ cá trổng, hay còn gọi là họ cá cơm), nấm men, trứng, đậu phộng (lạc), trái bơ.

Chuyển hóa từ tryptophan. Quá trình tổng hợp cần vit B2 và vit B6

RDA=19mg

Chức năng: giảm huyết áp, giảm nồng độ Cholesterol, hỗ trợ điều trị rối loạn lipid máu, giúp giảm Cholesterol xấu (VLDL) và tăng Cholesterol tốt (HDL), ngừa bệnh Pellagra.

Khi thiếu hụt: Vitamin B3 sẽ gây bệnh Pellagra đến các cơ quan như hệ tiêu hóa (tiêu chảy),hệ thần kinh trung ương( mất trí nhớ ,ảo giác), hệ da (viêm da).

Tóm tắt cho dễ nhớ bằng 4 chữ D

Diarrhea (tiêu chảy)

Dementia (mất trí nhớ)

Dermatitis (viêm da)

Và nếu không được điều trị sẽ Death (chết)

Khi sử dụng quá mức vitamin B3 : đỏ bừng mặt (do tăng Prostaglandin, không có histamine), tăng đường huyết, tăng acid uric máu.

VITAMIN B5 (PANTOTHENIC ACID)

Nguồn gốc: cá, ngũ cốc nguyên cám, mầm lúa mạch, rau quả xanh và nấm men Brewer (dùng để làm bia), gan.

Chức năng: giúp phát triển hệ thần kinh, giúp chuyển hóa các chất béo và đường.

RDA= 7mg

Khi thiếu hụt : sẽ gây ra viêm da, viêm ruột, rụng tóc, suy giảm chức năng thượng thận.

VITAMIN B6 (PYRIDOXINE)

Nguồn gốc tự nhiên: chuối, nấm men làm bia, mầm lúa mạch, ớt chuông xanh và đỏ, các loại hạt, mật mía, trứng.

Chức năng: chuyển hóa amino acid, giúp hấp thu vitamin B12, sản xuất các kháng thể và tế bào hồng cầu. Giúp tổng hợp các chất như hemoglobin, niacin, histamine, và các chất dẫn truyền thần kinh như: serotonin, epinephrine, norepinephrine,dopamine, và GABA.

Khi thiếu hụt vit B6 sẽ gây co giật, tăng kích thích, mắc các bệnh lý về thần kinh ngoại biên, ( các thuốc như isoniazid và thuốc ngừa thai dạng uống cũng gây tác dụng phụ là làm giảm vit B6), thiếu máu nguyên hồng cầu (sideroblastic anemias).

DRA: 2mg/ ngày

Nếu quá dư thừa trên 200mg/ ngày sẽ gây các rối loạn về thần kinh.

VITAMIN B7 (BIOTIN, VITAMIN H)

Nguồn tự nhiên: đậu nành, gạo nâu, các loại hạt, trái cây, nấm men làm bia, sữa. Ngoài ra biotin còn được tổng hợp từ các vi khuẩn có trong ruột.

Chức năng: chuyển hóa chất béo, tổng hợp ascorbic acid, giúp làn da khỏe mạnh, hỗ trợ điều trị rụng tóc và tóc bạc.

RDA =100 µg

Thiếu hụt biotin có thể do:

  • Ăn lâu dài “lòng trắng trứng sống”, do lòng trắng trứng sống có chứa glycoprotein tên là “avidin”, liên kết mạnh với biotin, làm giảm hấp thu biotin ở ruột. Ngoài ra, ăn trứng sống cũng gây nhiễm vi khuẩn Salmonella.
  • Sử dụng kháng sinh dài ngày sẽ diệt các vi khuẩn có lợi sản xuất biotin.

Triệu chứng thiếu hụt biotin là: viêm da, tình trạng hói, rụng tóc, viêm ruột, viêm lưỡi, chán ăn, buồn nôn.

VITAMIN B9 ( FOLATE, FOLIC ACID)

Nguồn tự nhiên: rau quả xanh, trái cây, cà rốt, trái bơ, các loại đậu và ngũ cốc nguyên cám.

Được hấp thu ở ruột non (hỗng tràng), tích trữ chủ yếu tại gan.

RDA = 200μg

Chức năng: giúp các tế bào phát triển, tổng hợp protein và các nucleic acid, giúp sản xuất tế bào hồng cầu, bảo vệ ruột chống các kí sinh trùng, ngừa bệnh thiếu máu hồng cầu to.

Hình bên trái: viêm lưỡi, đường nứt ở giữa hình thoi. Phân biệt với bên phải: viêm lưỡi trong bệnh giang mai.

Khi thiếu hụt sẽ gây ra: thiếu máu hồng cầu to, viêm lưỡi, và không có triệu chứng về thần kinh như thiếu vitamin B12, xét nghiệm cho thấy tăng homocysteine, nồng độ methylmalonic acid giới hạn bình thường. Phần lớn thiếu vitamin B9 gặp ở phụ nữ mang thai và người nghiện rượu.

Sự thiếu hụt folic acid còn có thể do sử dụng các thuốc như: Phenytoin, Sulfonamides, Methotrexate.

Cung cấp đầy đủ folic acid cho phụ nữ trước và trong khi mang thai giúp giảm dị tật về khiếm khuyết ống thần kinh (khuyến cáo nên dùng 0,4 mg/ ngày ).

Nếu dư thừa? có sự liên quan giữa việc sử dụng quá nhiều acid folic và tăng nguy cơ ung thư. Do đó không cần thiết sử dụng quá nhiều ở người trung niên và lớn tuổi.

VITAMIN B12(COBALAMIN)

Nguồn cung cấp: chủ yếu từ các sản phẩm có nguồn gốc động vật: con trai biển, hàu, thịt bò, thịt heo, thịt gà, trứng và các sản phẩm từ sữa. Không tìm thấy ở các sản phẩm thực vật, vì thế những người ăn chay trường cần được bổ sung vitamin B12. Vitamin B12 được tích trữ chủ yếu ở gan (dùng được trong vài năm). Được tổng hợp chủ yếu bởi các vi sinh vật.

Chức năng: chuyển hóa protein và các acid béo, cấu tạo nên hồng cầu, tốt cho hệ thần kinh, sự tập trung và trí nhớ.

RDA=2mg

Nguyên nhân gây thiếu vitamin B12: do giảm nhập ở những người ăn chay hoặc do kém hấp thu do các bệnh Spure, viêm ruột, nhiễm sán dải cá (Diphyllobothrium latum) , thiếu yếu tố nội tại ở ruột ( liên quan đến bệnh thiếu máu ác tính), phẫu thuật dạ dày, mất đoạn cuối hồi tràng (trong bệnh Crohn).

Video về các loại vitamin:

Hoàng Minh Thư ( tổng hợp)

Nguồn tài liệu:

  1. Richard A. Harvey, PhD,Denise RFerriePhD,2011. “Biochemistry.Lippincott’s.Illustrated.Reviews.Series.5th.Ed-ublog.tk“, page 373-392
  2. Dr Mitchell Fry , 2010.” Essential.Biochemistry.for.Medicine-ublog.tk”, Wiley- Blackwell.p9-11
  3. ” First Aid for the USMLE Step 1 2015 ” page 88-94
  4.  https://www.youtube.com/watch?v=8YcDLiI-QK4&t=181s 
Ý Kiến Độc Giả:

Nhóm nghiên cứu: