Con Đường Khoa Học
Làm thế nào để tự tin?
- Chi tiết bài viết
- Bài viết liên quan
Đây là bài viết Tiến sĩ Ngô Anh Văn (AIHS & CIHR Postdoctoral Fellow, Khoa Sinh, Đại Học Calgary, Canada) dành tặng cho các bạn sinh viên ở Việt Nam. Nhóm xin phép chia sẻ cùng các độc giả tại đây.
Làm thế nào để tự tin?
Nhớ hồi làm PhD năm thứ 3 (năm 2009-2010), tôi có tham gia một khoá học về biology ở Caltech trong một tuần (gọi là Bootcamp). Khoá này được tổ chức bởi một trong những nhà Vật Lý Sinh Học khá tên tuổi, Rob Philip, tác giả cuốn sách rất nổi tiếng với nhiều bạn theo học Biophysics và Biochemistry, “Physical Biology of Cells.” Khoá này được tổ chức nhằm dạy thí nghiệm cho các bạn sinh viên, nghiên cứu sinh, và sau tiến sĩ mà chưa có kinh nghiệm làm thí nghiệm. Họ dạy từ sáng (7-8 giờ sáng) tới 2giờ sáng ngày hôm sau, nên gọi Bootcamp là có lý do như vậy. Khoá học chia thành các nhóm nghiên cứu các vấn đề khác nhau, rồi tập hợp nhau lại làm một buổi thuyết trình. Tôi thì đến từ USC (University of Southern California), nên nghĩ USC cũng chẳng bằng Caltech (thực tế thì USC cùng đáng gờm lắm). Trong buổi trò chuyện thì thấy các bạn sinh viên Caltech quả thật là vô cùng thông minh và chăm chỉ. Các bạn đó dường như không biết sợ ai hết. Hỏi không ngán một ai, mà giáo sư ở Caltech cũng toàn dạng Nobel cả. Tiếp xúc nhiều thì tôi mới biết các bạn này không phải là vì thông minh hơn bất cứ người nào khác, mà vì đơn giản các bạn có lòng ham học hỏi ghê gớm. Các bạn ấy cũng có lòng tự trọng rất cao khi được cho bài thi về nhà làm mà không bao giờ dở sách đi tìm lời giải. Tự giải hết! Các bạn ấy cũng làm việc chăm chỉ đến nỗi phải giải được bài toán cực kỳ khó khăn mà không cần lo cho sức khoẻ. Tới mức mọi người ở Caltech cứ đùa nhau vì sinh viên Caltech làm việc “trâu quá” mà phải vô bệnh viện nhiều, nên bệnh viện phải dành hẳn một khu để chăm sóc sinh viên Caltech.
Có lẽ vì cái lòng ham học hỏi, nỗ lực hết mình giải bài toán, và tìm mọi cách để giải đáp thắc mắc mà các bạn ấy không “sợ” ai hết, mà trở nên vô cùng tự tin chăng? Cái điều này tôi học được từ chính sinh viên Caltech: lòng ham học hỏi không có điểm dừng!
Các bạn sinh viên trong nước Việt Nam dường như sống trong một môi trường thiếu sự kích thích tìm tòi học hỏi; thiếu sự kích thích đặt câu hỏi, truy vấn tới cùng; và thiếu cái “oxygen” nào đó để trở nên tự tin như các bạn ở Caltech chăng?
Các bạn phải phân biệt giữa “lo lắng” và “thiếu tự tin.” Bất kỳ người nào cũng có chút “lo lắng” (nervous) khi nói chuyện với một nhóm người lạ, một khán giả lớn, hay một giáo sư mà mình muốn làm cùng. Điều lo lắng đó rất bình thường. Phần lớn mọi người sẽ vượt qua được cảm giác lo lắng nêú chuẩn bị tốt chỉ sau vài ba phút, thậm chí là chỉ 30 giây thôi. Sự lo lắng đó không phải là thiếu tự tin, mà vì sự lạ lẫm mà trở nên lo lắng.
Các bạn phải phân biệt giữa “tự tin” và “sự ngạo mạn, coi thường.” Nhiều vị giáo sư tôi được nghe kể nói thao thao bất tuyệt, không sợ ai hết, không quan tâm gì tới người tổ chức, hay khán giả, là vì họ có “sự ngạo mạn và coi thường” chứ không phải “tự tin” mà nói được như vậy.
Các bạn cũng phải phân biệt giữa “xấu hổ” và “thiếu tự tin.” Các bạn có thể xấu hổ nhưng vẫn có thể tự tin. Xấu hổ vì bạn không thích đám đông, nhưng tự tin vì bạn là người đến để học hỏi từ việc trao đổi với người nghe, và bạn là người hiểu rõ nhất điều mà bạn định nói.
Vì thế, theo tôi, để tự tin các bạn phải nhắm tới mục đích học hỏi, chứ không phải khoe mẽ, khoe kiến thức, khoe mình thông minh, uyên bác. Nếu các bạn đứng lên đặt câu hỏi vì lòng ham học hỏi cháy bỏng của mình, thì nên biết, chỉ có kẻ dốt nát mới dám coi thường các bạn. Nếu các bạn đứng trước cử toạ vì tấm lòng muốn chia sẻ, giúp đỡ sinh viên, và mong muốn tìm câu hỏi hóc búa cho mình, cho nghiên cứu của mình, thì nên biết, chỉ có kẻ dốt nát mới dám coi thường các bạn.
Tóm lại, để tự tin hơn các bạn phải ham học hỏi hơn. Đơn giản có vậy!
Ngô Anh Văn, PhD
AIHS & CIHR Postdoctoral Fellow, Khoa Sinh, Đại Học Calgary, Canada
Nguồn hình cover: Royal Museums Greenwich