Con Đường Khoa Học
IBSG Convergence Review: Viễn kiến 2017 qua góc nhìn của thế hệ lãnh đạo trẻ
- Chi tiết bài viết
- Bài viết liên quan
IBSG Insiders
Năm 2017 đánh dấu một mốc thời gian hơn hai năm tồn tại và tăng trưởng của nhóm tiền thân tổ chức Innovative BioScience Group (IBSG). Vào năm 2014, khi Facebook Khoa Học và Công Nghệ Sinh Học ra đời, mục đích hoạt động của nhóm là cập nhật những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực khoa học sự sống (life sciences) và kỹ nghệ sinh học (bioengineering) tới cộng đồng sinh viên và nhà khoa học Việt Nam. Đến nay, tôn chỉ ấy vẫn tiếp tục được kế thừa và phát triển.
Như Robert Robbin, Viện Fred Hutchinson Cancer Research Center, Hoa Kỳ, phát biểu, “Biotechnology and information technology will be the “magic” technologies of the 21st Century” (1). Thế kỷ 21 này, chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa, mà theo các nhà khoa học tại Học Viện MIT Hoa Kỳ, của một cuộc cách mạng tiếp theo trong khoa học: Cách Mạng Hội Tụ (Convergence Revolution). Theo đó, kỹ nghệ (engineering), các ngành khoa học vật lý (physical sciences), tính toán (computation), và các ngành khoa học sự sống (life sciences) sẽ đan quyện vào nhau để tạo ra lợi ích cho y học, năng lượng, và môi trường (2).
Đứng trước những biến chuyển này, IBSG đặt tên cho nhánh viết bài cập nhật kiến thức khoa học là IBSG Convergence Review (IBSG-CR) với khẩu hiệu: Innovation – Knowledge – Motivation. Năm 2017 này, nhóm sẽ hứa hẹn đem đến những bài viết bổ ích và cập nhật cao về các chuyên ngành hẹp trong Life Sciences và Bioengineering, cũng như những bài viết về con đường nghiên cứu khoa học.
IBSG Convergence Review xin giới thiệu tới cộng đồng những lãnh đạo trẻ của các nhóm viết. Các bạn được chọn làm Project Manager thông qua kỳ bầu cử phổ thông trong nội bộ nhóm IBSG. Để mở đầu cho năm 2017, chúng ta hãy cùng lắng nghe những chia sẻ từ các bạn trẻ tài năng nhé.
Lê Thị Kim Hòa – Cancer Biology
Tham gia IBSG từ những ngày đầu thành lập và từng lãnh đạo nhóm IBSG Developmental Biology and Stem Cells, cảm nhận của Bạn về Nhóm là gì và Bạn học được những điều gì?
Chỉ gói gọn trong 2 từ “Thay Đổi và Phát Triển”
Từ cái gì đối với tôi cũng mới lạ kể cả con người và công việc, và đặc biệt mang trong mình trọng trách làm nhóm trưởng của một nhóm học thuật Online trong những ngày đầu bước vào nhóm, đến bây giờ thì IBSG như một gia đình của tôi, không chỉ là thảo luận công việc, mà còn là nơi truyền nhiệt huyết cho từng thành viên, tạo môi trường học tập và phát triển kỹ năng. Đặc biệt, đây là nơi mà tôi có thể chia sẻ những điều trong cuộc sống đời thường của tôi, những vấn đề gặp phải để nhận được lời sẻ chia và lời khuyên chân thành. Thành viên của gia đình IBSG rất tận tình và chân thành. IBSG luôn tạo cơ hội cho thành viên học tập, phát triển kỹ năng, và rèn luyện nhiều hơn.
Sự thay đổi và tiến bộ trong những bài viết của IBSG là từ các bài viết của cá nhân thì nay các bài viết là thành quả của cả nhóm chuyên ngành dưới sự hướng dẫn và duyệt qua của các anh chị cố vấn. Do đó, các bài viết của IBSG chất lượng hơn và đáng tin cậy.
Về một điều mà tôi nhìn thấy rõ nhất ở IBSG, đó là sự lớn mạnh về số lượng thành viên của nhóm, số người biết đến IBSG và tin tưởng muốn hợp tác với IBSG. IBSG đã lan tỏa ra cộng đồng khoa học không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.
Riêng nhóm nhỏ IBSG Developmental Biology and Stem Cells của tôi, tôi đã nhận thấy được những bước chuyển của nhóm trong quá trình làm việc, từ việc chuyển ngữ đơn giản từ những tin tức khoa này thì bây giờ đã bắt tay vào giai đoạn thách thức hơn là từ viết tin được tóm tắt từ các bài nghiên cứu. Mỗi thành viên trong nhóm tuy kiến thức còn giới hạn, nhưng sự quyết tâm học tập và tinh thần nhiệt huyết với IBSG rất lớn, mọi người đều yêu thương san sẻ giúp đỡ nhau trong công việc. Chính vì vậy mà nhóm đã đi nhanh, chắc chắn và đạt được nhiều kết quả hơn những nhóm khác.
Những gì tôi đã học tập và đạt được khi là thành viên của IBSG
Điều lớn nhất mà tôi có được là sự kết nối giữa tôi và những người bạn cùng yêu khoa học với các anh chị cố vấn và các giáo sư tiến sĩ có trình độ chuyên môn cao. Tôi cũng đã tìm được những người bạn đồng hành trong nghiên cứu và những người thầy đáng kính mở ra hướng đi rõ hơn cho chúng tôi.
Vào nhóm, tôi đã được trau đồi kỹ năng quản lý và lãnh đạo vô điều kiện, tha hồ bày tỏ ý kiến cá nhân và thảo luận cùng mọi người; là môi trường mà tôi có thể gặp rất nhiều vấn đề, khó khăn mà tôi chưa từng trải nhưng cũng là nơi cho tôi thử sức mình, rèn luyện bản thân, học cách xử lý giải quyết vấn đề không chỉ trong nhóm IBSG mà còn áp dụng nó vào cuộc sống của bản thân tôi. Tất cả đều mang lại hiệu quả rất cao! Vào nhóm, tôi còn dần tìm ra thế mạnh của mình là gì và đặc biệt là khắc phục nhược điểm của bản thân mà trước đây tôi không thể.
Lợi ích mà IBSG mang đến cho tôi cũng như tôi tự tạo ra khi đến với IBSG sau 1 năm là quá nhiều và rất đáng quý! Cho nên tôi đã quyết định tiếp tục phát huy, tạo cho mình điều kiện bằng cách tiếp tục gắn bó với IBSG để cho tôi rèn luyện và cùng nhóm mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho cộng đồng.
Võ Lê Hoàng Triều – Stem Cells
Cùng với Kim Hòa, Hoàng Triều đã lãnh đạo nhóm IBSG Developmental Biology and Stem Cells xuyên suốt một năm qua. Trong lần bầu cử cho nhiệm kỳ 2017 này, Hoàng Triều là thành viên được bầu chọn với số phiếu tuyệt đối 100%. Dựa trên những trải nghiệm với cương vị lãnh đạo của mình, Bạn nhận thấy những cơ hội và thách thức nào đặt ra cho nhóm, và năm 2017 này Bạn và nhóm sẽ có hướng đi như thế nào dưới dự hướng dẫn trực tiếp của Tiến sỹ Nguyễn Tấn Trung?
Xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến IBSGers đã tạo dựng môi trường tuyệt vời cho những bạn trẻ dấn thân vào con đường khoa học. IBSG là cầu nối giữa Thầy Cô Anh Chị đi trước đến với các em nhỏ, là cầu nối gắn kết các bạn trẻ lại với nhau. Rút ngắn khoản cách về tri thức, khoảng cách về không gian thời gian, mang mọi người lai gần nhau. Thật sự em không thể hình dung các Anh Chị cố vấn nói đúng hơn là các Giáo Sư, Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ, Bác Sĩ, và các bạn sinh viên lại gần gũi như vậy. Đến với IBSG là một điều đặc biệt may mắn đối với em.
Em là thành viên của phân nhóm Stem Cell, nói thật em không biết nhiều về Stem Cell, kiến thức của em cũng rất ít ỏi nhưng vì lý do em và Hòa là lớn tuổi nhất trong nhóm nên đã thay phiên nhau có mặt thường trực trong hoạt động của nhóm. Em nghĩ nếu mình không chủ động các bạn và các em sẽ có cảm giác mình bị bỏ rơi và dần dần sẽ rời xa nhóm. Nhưng thực tế, việc hoạt động trơn tru của nhóm Stem Cell không phải là do khả năng lãnh đạo của em mà là do các thành viên trong nhóm là Kim Hòa,Thanh Nga, Hằng, Trà My, Ngọc Anh, Thế Phong, và Anh Quốc Duy cực kỳ năng nổ, hoạt động rất tích cực và luôn chủ động đưa ra ý kiến đóng góp.
Đứng trên quan điểm là thành viên có mặt thường trực trong hoạt động của nhóm em xin chia sẻ
1. Em nhận thấy năm 2017 nhóm có rất nhiều cơ hội:
Cơ hội nội tại:
IBSG được xem như là một môi trường mở để các thành viên tự rèn luyện, cơ hội cho các bạn thể hiện bản thân thông qua việc đưa ra ý kiến, lên kế hoạch và thực hiện kế hoạch.
Các bạn sẽ có được những lời khuyên và những tư vấn bổ ích từ những Anh Chị đi trước, có môi trường để tranh luận, thảo luận về những vấn đề của bản thân cũng như những vấn đề khoa học xã hội. Các bạn sẽ tìm được những người bạn có cùng chí hướng với mình.
Đối với các bạn làm khoa học các bạn sẽ nhận được rất nhiều kiến thức thông qua hoạt động dịch thuật, và tham gia seminar, các bạn sẽ được Anh Chị giải đáp những vướng mắc trong quá trình nghiên cứu của mình, bổ sung những thiếu sót khi làm đề tài. Ngoài ra còn học được kinh nghiệm nghiên cứu từ những chia sẻ của Anh Chị.
Việc biên soạn và đăng bài có thể xem như một mô hình tạp chí thu nhỏ để giúp các bạn hình dung phần nào quy trình chọn bài, biên soạn bài và đăng bài tạo được sự tự tin nhất định khi làm việc ở môi trường tương tự.
Bên cạnh đó, các Anh Chị cũng hay tổ chức các chương trình training giúp các thành viên tiếp cận được những công cụ làm việc hữu ích, nâng cao kỹ năng mềm…những điều mà không có ở nhà trường.
Cơ hội bên ngoài:
Do IBSGers đã hoạt động rất tích cực năm 2016 nên 2017 sẽ có nhiều người biết đến IBSG nói chung và biết đến nhóm Stem Cell nói riêng, điều đó giúp cho thành viên nhóm được tiếp xúc với rất nhiều nhà khoa học và đọc giả. Các thành viên sẽ mở rộng và có được những mối quan hệ quý giá. Điều này sẽ mang lại ý nghĩa to lớn, có khả năng sẽ giúp các bạn tiếp thu kiến thức, có cơ hội có việc làm, cơ hội nhận được học bổng du học….
2. Bên cạnh những cơ hội hết sức quyến rũ thì phải đối mặt với nhiều thách thức:
Thách thức đầu tiên là mặt nhân sự, một tổ chức (nhóm) hoạt động thì các thành viên phải hoạt động ổn định. Mặc dù thời gian qua nhóm cũng đã có những hoạt động tích cực nhưng vẫn chưa mang lại một môi trường thật sự lôi cuốn các bạn. Khó khăn về thời gian, địa lý, internet… làm cho việc hoạt động cũng gặp nhiều khó khăn. Hơn thế nữa các thành viên ở nhiều lĩnh vực khác nhau, có bạn còn đi học, có bạn đã đi làm….. Như vậy thách thức là làm sao tạo được môi trường giúp các thành viên gắn bó lâu dài, những thành viên rời nhóm sẽ luôn hướng về nhóm và tham gia ngay khi có thể, những thành viên mới có thể dễ dàng hòa nhịp vào nhóm. Một điều rất quan trọng nữa là phải hoạt động hiệu quả để các Anh Chị Cố Vấn không rời xa nhóm.
Thách thức thứ 2 là khi IBSG có nhiều người biết đến cũng là lúc mà trách nhiệm và chất lượng hoạt động của nhóm phải tăng lên điều đó có nghĩa là phải tạo ra được nhiều bài có chất lượng cao hơn. Các bạn phải trang bị thêm nhiều kiến thức để có thể giải đáp những thắc mắc của độc giả. Cùng với hoạt động biên soạn báo và đăng bài viết, hoạt động tổ chức seminar phải chuyên nghiệp hơn đề thu hút được nhiều diễn giả tài năng.
Thách thức thứ 3 là sẽ có thêm rất nhiều sự cạnh tranh khi nhóm phát triển. Có thể là cạnh tranh lành mạnh và cũng có thể là cạnh tranh không lành mạnh.
3. Em nhận thấy sự tham gia của Tiến sỹ Nguyễn Tấn Trung là một món quà vô cùng lớn đối với nhóm. Trước đây, các hoạt động của nhóm là hơi mơ hồ và không có đường đi rõ ràng. Nhưng từ khi Anh ấy làm việc với nhóm, mọi thứ dường như dần rõ hơn và tụi em vẫn làm việc xoay theo những định hướng đó.
Định hướng về biên soạn bài: nhóm hướng đến đọc giả cả đọc giả phổ thông và đọc giả thiên về nghiên cứu. Do phân nhóm là stem cell nhóm sẽ chọn những bài có nội dung liên quan đến hướng này. Việc biên soạn bài, cùng một bài báo gốc nhóm sẽ đăng lên cả 2 hình thức, hình thức 1 là đăng theo đăng tin tức để đọc giả phổ thông có được những tin tức mới hấp dẫn, từ bài báo đó nhóm cũng sẽ biên soạn theo hình thức 2 với nội dung chi tiết nghiên cứu cụ thể hơn nhằm hộ trợ cho đọc giả muốn nghiên cứu sâu hơn.
Định hướng hoạt động nội bộ: giữ mối liên kết bền chặt giữa các thành viên. Tạo những hoạt động để nâng cao kỹ năng, thông qua việc soạn bài các bạn được học nhiều kỹ thuật nghiên cứu, cách lý luận của tác giả nhờ sự giảng dạy và chia sẻ của Anh Trung. Bên cạnh đó nhóm sẽ chủ động mở rộng hoạt động với nhiều Anh Chị cố vấn để bổ sung những thiếu sót khó tránh khỏi.
Định hướng hoạt động ngoại giao: thông qua hoạt động seminar nhóm sẽ chủ động liên lạc với thầy cô, anh chị, bạn bè có quan tâm đến vấn đề mà nhóm đang hoạt động. Sẽ mời diễn giả tham gia chia sẻ về Stem Cell trong các Seminar tạo mối liên hệ đến các phòng lab đang nghiên cứu về Stem Cell. Tạo kênh để đọc giả có thể thảo luận với nhóm.
Hoàng Minh Thư – Biomedicine
Minh Thư hiện đang là sinh viên năm 4 khoa Y Học Dự Phòng tại Đại Học Y Dược TP HCM. Thư đã hỗ trợ nhóm trong việc tìm địa điểm tổ chức các buổi hội thảo hàng tháng dưới sự dẫn dắt của Cố Vấn Ngôn Ngữ và cũng là đồng sáng lập tổ chức IBSG, Võ Thị Hoàng Anh (bút danh Tuệ An). Hầu hết các thành viên trong nhóm IBSG Biomedicine (tên cũ IBSG Y Học Thường Thức) đều là các sinh viên y tại Đại Học Y Hà Nội, ĐH Y Dược TP HCM, và Khoa Y Đại Học Quốc Gia TP HCM. Minh Thư còn là người sáng lập cộng đồng Cùng Học Giải Phẫu với hơn 10 ngàn thành viên trên Facebook. Minh Thư có thể chia sẻ về việc làm thế nào để Bạn có thể cân bằng giữa việc học Y rất nặng nề với các hoạt động ngoại khóa hay không?
Dạ trước tiên em xin cảm ơn vì anh đã tin tưởng giao cho em nhiệm vụ trưởng nhóm, vừa qua em cũng được bầu chọn 50%. Em thấy mình còn nhiều thiếu sót, thiếu tài lãnh đạo, em ngưỡng mộ anh Hoàng Triều được 100 % phiếu cơ. Chắc bữa nào em phải hỏi kinh nghiệm. Cũng có thể là nhóm em chưa có cơ hội gặp nhau thật ngoài đời nên chưa thật sự thân thiết, cần có chất keo dính lại. Cũng có thể vì quá bận nên những lần họp seminar thì chỉ có vài thành viên trong nhóm là em gặp được. Với lại làm lãnh đạo thì trước hết phải có kinh nghiệm và kiến thức vững hoặc một bằng cấp để các thành viên có sức thuyết phục hơn. Mà lúc viết curriculum vitae thì em chưa có bằng cấp nào cả. Vì thế em đang cố gắng thi xong một bằng ngoại ngữ nào đó căn bản trước.
Còn group “Cùng Học Giải Phẫu” lúc đầu chỉ là một nhóm nhỏ em tính cho các bạn trong tổ, bạn thân thân xem hình cùng thảo luận để học tập, sau đó “tiếng lành đồn xa,” phản ứng dây chuyền, cả lớp, cả khối, và các trường khác. Có link sách hay em cũng share vào group Em nghĩ kiến thức là vô tận, giúp được nhiều người, thì sẽ nhân rộng ra, nhiều người biết thì sẽ giúp được nhiều người hơn, nhất là học ngành y nữa, sai sót sẽ nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Em nghĩ là: Nếu có nhiều bác sĩ giỏi, cái nền chung sức khỏe người dân được cải thiện nhiều hơn, mặt bằng chung sẽ tốt hơn. Có bạn bảo em ngu, có kiến thức hay tài liệu giấu học một mình cho giỏi đi, khoe chi cho họ ghét. Thật có chút chạnh lòng. Nhưng tính em bao đồng thích giúp người này, người kia. Nhiều lúc cũng áp lực, có lúc sợ thấy tin nhắn mới, vì nhiều người hỏi quá, xin cái này, xin cái kia. Nhưng cũng nhờ vậy, quen được nhiều bạn. Như một cái quả tốt, nhiều khi gặp khó khăn các bạn giúp đỡ đỡ, đôi khi có những cái “lộc.” Nhiều khi sắp thi, bạn inbox vô, ê mi cần *** không, ta cho nè. Mi có tài liệu này chưa? v.v. Cũng rất cảm động và hạnh phúc. Dạ mà dạo này group “Cùng Học Giải Phẫu” cũng đóng băng rồi ạ, với nhiều người spam quảng cáo quá, nên em không add thêm vào. Bấm chuột nhiều quá, có thời gian em bị “Hội chứng ống cổ tay” đau quá nên nghỉ luôn.
Còn các hoạt động ngoại khóa, em tham gia vì đam mê ạ. Ví dụ: âm nhạc, chơi 1 nhạc cụ sẽ giúp não phát triển toàn diện, tâm hồn thanh thản (em chọn organ). Thể thao, em thích bơi lội, là kĩ năng cần thiết để cứu sống bản thân. Ngoài ra cũng giúp giảm cân, nâng cao sức khỏe. Dạ em thấy còn nhiều người giỏi hơn em, đạt chuẩn vừa đẹp vừa giỏi, đa tài, mẫu hình em hướng tới là vậy.
Phạm Trường Duy – Bioengineering
Phạm Trường Duy, Nguyễn Đức Hiếu, và Bùi Thị Hải Yến là ba thành viên trụ cột của những bài viết về Bioinformatics của nhóm trong năm 2016. Năm 2017 này, Trường Duy sẽ lãnh đạo nhóm IBSG Bioengineering, một nhánh rất rộng và lớn dưới sự hướng dẫn của rất nhiều các Cố Vấn Học Thuật là các nhà khoa học đang làm việc trong ngành trong và ngoài nước. Trường Duy có thể chia sẻ vài suy nghĩ của Bạn về hướng đi và những bài viết sắp tới của nhóm không?
Là một trong ba thành viên chính của nhóm IBSG Bioinformatics trong năm 2016 vừa qua cùng với anh Nguyễn Đức Hiếu và bạn Bùi Thị Hải Yến, em rất vinh dự khi được trở thành Project Manager của IBSG Bioengineering trong nhiệm kỳ 2017.
Về hướng đi của nhóm, trong thời gian sắp tới, nhóm sẽ vẫn tiếp tục đẩy mạnh các bài viết khoa học kỹ thuật đi sâu về Bioengineering. Sẽ không chỉ một hay hai người mà từng thành viên sẽ trở thành trụ cột quan trọng trong nhóm. Mọi công việc thảo luận nhóm sẽ được tiến hành trong không gian mở, mọi người đóng góp ý kiến một cách thoải mái những vẫn giữ vững được tinh thần chuyên nghiệp dưới sự cố vấn của các anh chị Advisor.
Về những bài viết sắp tới, chủ trương của em trong hoạt động nhóm là dựa vào sự đóng góp của từng thành viên. Vậy nên các bài viết sẽ xoay quanh thế mạnh về chuyên ngành, sự yêu thích về lĩnh vực của từng bạn. Về quan điểm của em, em rất đề cao về chất lượng bài viết. Để đánh giá một bài viết thì lượng khoa học là một thước đo khá quan trọng cùng với đó là các chi tiết như bố cục, văn phong tùy theo hướng triển khai ý của bài viết, đó là cái khác biệt mà IBSG cần có để có thể vươn xa hơn. Em mong nhóm trong thời gian sắp tới sẽ làm tốt điều này. Việc đó không chỉ có ích cho từng thành viên trong nhóm nói riêng, mà còn gia tăng chất lượng cũng như tạo nên cái nhìn tích cực của người đọc đối với những bài viết chia sẻ kiến thức khoa học kỹ thuật của IBSG nói chung.
Thái Mỹ Ngân – Microbiology
Năm 2016, Mỹ Ngân và Y Sa đã lãnh đạo nhóm IBSG Vi Sinh (hiện nay là IBSG Microbiology) với những bài viết đáng chú ý gởi đến độc giả, nhất là về Zika virus. Nhóm Vi Sinh là một trong những nhóm có tính tương tác cao nhất và các thành viên có cơ hội gặp mặt ngoài đời nhiều nhất. Thông qua IBSG, Mỹ Ngân đã làm quen và trở thành học trò của Tiến sỹ Nguyễn Hữu Thanh. Hiện Mỹ Ngân đang làm luận án thạc sỹ cùng với Tiến sỹ Thanh tại Đại Học An Giang. Năm 2017 này, IBSG Microbiology sẽ nhận được sự hướng dẫn của hai Cố Vấn Học Thuật nữa là Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Ẩn và Tiến sỹ Hồng Phước Toàn. Mỹ Ngân có thể chia sẻ cảm nhận của Bạn về mối lương duyên thầy-trò này cũng như con đường mà Bạn mong muốn thực hiện không chỉ trong IBSG mà trong cuộc hành trình của chính Bạn không?
Mến chào anh Vũ và các bạn,
Em đến với IBSG với một sự nhiệt tình về khoa học, ước mơ được khoác trên mình chiếc áo trắng của nhà khoa học. Với em IBSG không chỉ đơn giản là một nhóm học thuật mà còn là một gia đình đúng nghĩa, nơi mà những trái tim cùng chung một nhịp đập.
Nói về mối lương duyên của 2 thầy trò em thì cũng đơn giản à, em thấy thông tin Thầy đang tìm một học viên cao học thực hiện đề tài, em có lưu ý đến đề tài đó vì cùng hướng của em. Sau đó khi tham gia khóa học về Bioreactor tại Đại Học Tôn Đức Thắng thì em được trực tiếp tiếp xúc với Thầy. Em rất thích phong thái của Thầy, em chỉ hỏi Thầy một số câu liên quan đến đề tài đó, và ngay khi về nhà em đã mail cho Thầy xin được thực hiện dưới sự hướng dẫn của Thầy. Với em Thầy vừa là Thầy vừa là người anh của em.
Trong cuộc hành trình của em, điều em mong muốn thực hiện là có thể thông qua khoa học mà đem đến những lợi ích cho xã hội. IBSG là nơi mà cho em sự rèn luyện, kiến thức và niềm vui trong cuộc sống của mình. Hiện tại, điều em muốn thực hiện gần nhất là sẽ làm cho nhóm nhỏ IBSG vi sinh có thể trở nên tốt hơn qua đó góp phần làm tốt hơn IBSG, để IBSG ngày càng vững mạnh và vươn xa dưới sự dẫn dắt của các anh chị cố vấn học thuật.
Em xin cảm ơn ạ.
Nguyễn Thúy Quỳnh – Animal and Plant Physiology
Thúy Quỳnh là một trong các thành viên nòng cốt của IBSG từ những năm 2014-2015. Quỳnh từng là đồng quản trị viên (Admin) của Câu Lạc Bộ Đọc Báo CNSH – Y Sinh (hiện nay là IBSG Academic Journal Club). Bạn có thể chia sẻ vài cảm nhận về chặng đường tăng trưởng và phát triển của IBSG được không?
Em cảm ơn câu hỏi của anh/chị. Câu hỏi này có khá nhiều ý nghĩa với cá nhân em/Quỳnh. Sự ra đời và phát triển của IBSG, Quỳnh cho rằng IBSG không chỉ mang lại những bổ ích cho chính những thành viên của IBSG mà còn cho cả những bạn sinh viên, những nhà nghiên cứu khác nữa.
IBSG đang tạo ra sự kết nối và chia sẻ thông tin khoa học, với những con người đam mê, yêu thích khoa học muốn xây dựng một tiềm lực mạnh mẽ cho nền khoa học Việt Nam. IBSG bắt đầu bằng việc kết nối các thành viên, hoạt động qua mạng xã hội, cùng chung chí hướng, rồi vươn ra đời sống thực. Trong bối cảnh những diễn đàn dành cho khoa học tại Việt Nam còn chưa phổ biến, nhóm đã tổ chức nhiều buổi seminar, giao lưu khoa học thành công giữa các thành viên trong và ngoài nhóm bên cạnh những bài viết học thuật được đăng tải trên ibsgacdemic.com. Có thể nói, nhóm đã bước đầu thành công khi bước chân từ thế giới ảo ra thế giới thực.
IBSG chính thức ra đời vào ngày 15 tháng 3 năm 2016, cho đến bây giờ, đã gần một năm. Duy trì được ngọn lửa hoạt động của IBSG là sự chung sức của rất nhiều người, đặc biệt là sự tư vấn giúp đỡ của các anh chị đỡ đầu nhóm. Các thành viên trong nhóm, người hiện đang ở trong nước, người ở nước ngoài, đều bận rộn với cuộc sống cá nhân, nhưng mọi người luôn cố gắng dành cho IBSG qua những bài viết học thuật của mình.
Năm 2017, em/Quỳnh mong muốn IBSG sẽ có những hoạt động chất lượng và quy mô hơn nữa. Chúc cho các anh, chị cố vấn; anh sáng lập viên và các thành viên nhiều sức khỏe, đạt nhiều thành công trong cuộc sống và đồng hành cùng những thành công của IBSG.
Lê Minh Tiến Đoàn – Molecular Cell Biology
Tiến Đoàn và các thành viên và Cố Vấn Học Thuật của IBSG tại TP HCM đã có rất nhiều trải nghiệm với nhau thông qua các hoạt động offline và các buổi hội thảo 2016. Năm 2017 này, Tiến Đoàn sẽ lãnh đạo nhóm Molecular Cell Biology, là một trong những nhóm lớn nhất trong IBSG cùng sự hỗ trợ của nhiều Anh Chị Cố Vấn. IBSG là một tổ chức hoạt động cả online và offline, nhưng IBSG đang tạo dựng và duy trì một văn hóa trong nội bộ nhóm thông qua các loạt bài Mảnh Ghép Cuộc Sống do chính mỗi thành viên đóng góp. Tiến Đoàn có thể chia sẻ cho cộng đồng độc giả về suy nghĩ của Bạn về văn hóa nội bộ này cũng như cách Bạn sẽ đem văn hóa IBSG lớn vào trong các hoạt động của nhóm IBSG Molecular Cell Biology không?
Trước tiên em rất cám ơn anh Vũ và các anh chị đã mang đến và cho chúng em được tham gia vào một cộng đồng khoa học này. Tuy rất mới mẻ nhưng mức độ ảnh hưởng cộng đồng và kết quả đạt được trong năm 2016 vừa qua cũng rất đáng ngưỡng mộ. Cùng với sự đóng góp rất lớn của các anh chị Cố vấn trên toàn thế giới cũng như hoạt động không biết mệt mỏi của các anh chị Sáng lập viên; giờ đây có thể nói IBSG đã dần tạo dựng được một chỗ đứng, một thương hiệu và mang một “văn hóa khoa học” vào cộng đồng các sinh viên Y Sinh học tại các trường đại học.
Khi tham gia vào IBSG, điều thú vị nhất của em là học được cách phát triển bản thân và xây dựng chính thương hiệu bản thân của mình thông qua Mảnh Ghép Cuộc Sống (MGCS). MGCS là gì? Là một hoạt động mà mỗi ngày một thành viên của IBSG sẽ chia sẻ một điều về bản thân, về một triết lí sống, những ước mơ, tâm tư, điểm mạnh của mình; hay cũng có thể chia sẻ về những kĩ năng sống, những điều hay ho, mới mẻ học được ở những nơi khác mà mình đang áp dụng trong chính cuộc sống và học tập của bản thân. Chính những câu chuyện, những chia sẻ chân thật này đang hình thành nên một “Văn hóa IBSG” đang ngày càng bén rễ sâu và đem lại kết quả tốt trong các hoạt động của nhóm, mặc dù các thành viên hoạt động online là chính.
Trong vài tháng qua, đã có rât nhiều số MGCS đã được thực hiện với nhiều câu chuyện khác nhau từ các thành viên trong nhóm. Qua mỗi câu chuyện giúp em hiểu rõ hơn về các thành viên trong nhóm. Hơn nữa, có rất nhiều phương châm sống và giá trị bản thân rât hay mà ai cũng có thể áp dụng được trong cuộc sống. Đến nay, sắp sang một năm mới, nhìn lại năm cũ, chính bản thân em xem như đã tiếp thu và áp dụng được 2 chữ “authenticity – chân thực” và “commitment – cam kết thực hiện“. Khi thực hiện và sống đúng với 2 châm ngôn này, bản thân em dần tự tin hơn, và can đảm dám đi theo con đường khoa học sắp tới.
Với 2 phương châm này, chắc chắn em sẽ luôn muốn thúc đẩy các thành viên trong nhóm áp dụng những điều này vào chính các hoạt động trong nhóm để chất lượng các bài viết được nâng cao hơn, dồng thời cũng nâng cao giá trị bản thân của mỗi thành viên, giúp các bạn thêm tự tin và có những chuẩn bị thật tốt khi theo đuổi bất cứ ngành nghề trong tương lai.
Nguyễn Thị Kim Trang – Immunology
Là thành viên mới tham gia nhóm nhưng Kim Trang nhận được sự ủng hộ của các thành viên với cương vị lãnh đạo nhóm IBSG Immunology, Kim Trang có thể chia sẻ về lý do mà Bạn tham gia Nhóm cũng như những hoài bão của bản thân trong năm 2017 không?
Chào tất cả mọi người! Các bạn có tin rằng chúng ta gặp được nhau là do chữ “nhân duyên” hay không? Trên cùng một chuyến đi ta có thể bắt gặp rất nhiều người; tuy nhiên, có người có thể trở thành bạn của nhau, thành đồng nghiệp sau này nhưng cũng có người sau khi chúng ta gửi nụ cười chào nhau thì không bao giờ gặp lại. Và Trang cũng vô tình biết được nhóm IBSG qua một lần lướt Facebook và bắt gặp. Theo Trang đó cũng là cái chữ “duyên” của Trang với IBSG và với IBSGers hiện tại cũng như tương lai.
Với sự tò mò học hỏi của tuổi trẻ, Trang đã tìm hiểu thông tin về IBSG và được biết IBSG là một nhóm học thuật y sinh – nơi mà các bạn trẻ được tương tác, cọ xát trực tiếp với các anh/ chị, các chuyên gia/giáo sư Việt Nam đang sống và làm việc trong và ngoài nước, là những người già dặn kinh nghiệm, giàu tâm huyết với khoa học, muốn truyền đạt, chia sẻ kiến thức cũng như dẫn dắt, định hướng cho thế hệ trẻ yêu khoa học có một cái nhìn đúng đắn hướng đến khoa học. IBSG chính là cây cầu nối, là mắt xích để gắn kết các thế hệ yêu khoa học lại với nhau, để mắc nối nền khoa học của thế giới với khoa học Việt Nam.
Đồng thời cái “duyên” được sự chia sẻ nhiệt tình của Mỹ Ngân – bạn cùng lớp cao học của Trang, một thành viên trong nhóm nhỏ Microbiology của IBSG. Cũng chính vì lẽ đó mà Trang đã mạnh dạn đăng kí tham vào nhóm IBSG này với mong muốn trước tiên được học hỏi, trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng mềm từ các bạn/anh/chị/các vị giáo sư. Sau đó với sự hiểu biết mà Trang đã tích lũy được sẽ truyền đạt, chia sẻ lại cho thế hệ đàn em đi sau và góp phần xây dựng một IBSG vững mạnh.
Trong năm 2017, được sự bổ nhiệm của các thành viên trong nhóm, Trang có vai trò là một trưởng nhóm IBSG Immunology. Trang sẽ phấn đấu để hoàn thành xuất sắc bổn phận của một người trưởng nhóm. Trong cuộc sống, trong năm nay, Trang sẽ hoàn thành luận văn cao học và có mục tiêu được vào làm cho một công ty nước ngoài (Trang đang nhắm đến Đơn vị OUCRU ở Bệnh viện Nhiệt Đới) – là bước đầu để Trang xây dựng ước mơ được tiếp tục theo đuổi khoa học. Trang đã từng có suy nghĩ: Giá như mình biết đến IBSG sớm hơn nhỉ và cảm thấy có chút gì đó tiết nuối. Và lại nghĩ đến chữ “duyên”, đã là “duyên” thì không sớm cũng không muộn mà là đúng thời điểm của nó và lại ngồi “hehe” một mình.
Lời Kết
Từ những chia sẻ này, IBSG mong rằng cộng đồng độc giả sẽ hiểu hơn về tâm tư và hoài bão của những thanh niên, những người ở lứa tuổi sẽ kế thừa và góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học Việt Nam nói chung cũng như ở những địa phương nhỏ nói riêng. Như Cụ Phan Bội Châu từng viết trong “Bài Ca Chúc Tết Thanh Niên”:
“…Trời đã mới, người càng nên đổi mới
Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội
Ghé tay vào xốc vác cựu giang san…”
Trong Cách Mạng Hội Tụ của thế kỷ 21 này, thế hệ thanh niên chính là rường cột cho sự phát triển của dân tộc, và IBSG Convergence Review luôn cam kết hỗ trợ và đồng hành cùng sinh viên và cộng đồng tri thức Việt trên cuộc hành trình vươn ra thế giới.
Bài viết và phỏng vấn: Huy Vũ
Tài liệu tham khảo:
- Robert J Robbins. Information Technology: The Foundation for 21st Century Research. URL: http://www.esp.org/rjr/self.pdf
- 2016 Report – Convergence: The Future of Health. June 2016, Cambridge, Massachusetts. URL: http://www.convergencerevolution.net/2016-report/