Con Đường Khoa Học
Cách đọc một bài báo khoa học
- Chi tiết bài viết
- Bài viết liên quan
Lời của dịch giả: Mến chào các bạn đọc, nhận thấy bài báo đăng ngày 20.1.2016 trên tạp chí Science có nhiều điều hữu ích và thú vị, nhóm IBSG quyết định dịch sang tiếng Việt để giúp các bạn có thêm một nguồn tham khảo cách đọc bài báo khoa học tiếng Anh.
Bài dịch:
Đây là nội dung mà Adam Ruben đã chia sẻ về cách học đọc và hiểu thực sự bài báo khoa học của anh:
Chẳng có điều gì khiến bạn cảm thấy mình ngu ngốc bằng việc đọc một bài báo trên một tập san khoa học cả!
Tôi nhớ trải nghiệm đầu đời của mình với những bản thảo siêu nhàm chán, dày đặc và đần độn quá mức đến nỗi thỉnh thoảng những nhà khoa học bị bắt gặp đang gặm chúng cốt để giữ họ ổn định. Lúc đó tôi đang học đại học, đang lấy một lớp hội nghị chuyên đề (seminar course) bắt buộc chúng tôi phải đọc và thảo luận một bài báo mới mỗi tuần. Và quả thực là có một số thứ được tạo ra không dành cho tôi!
Mỗi tuần tôi sẽ ngồi với một bài báo, đọc từng câu một, và rồi khám phá ra rằng tôi chẳng học được lấy một thứ gì sất. Tôi lên lớp tham gia phần thảo luận với một điều tôi biết chắc chắn là: Tôi biết tôi đã đọc bài báo ấy rồi. Giảng viên sẽ hỏi một câu hỏi, tôi chẳng nghĩ ra được điều gì để trả lời. Cô đưa ra một câu hỏi đơn giản hơn – tôi vẫn không thể nghĩ ra được điều gì cả! Nhưng rõ ràng là tôi đã đọc bài báo chết tiệt ấy rồi!
Điều này nhắc tôi nhớ về thời mẫu giáo, khi tôi cảm thấy tự hào mỗi khi đọc xong một cuốn sách của anh chị lớp trên. Nhưng nếu ai hỏi tôi một câu đơn giản về nội dung của cuốn sách kiểu như “Wilbur là loài động vật gì?” hay “Làm thế nào mà Bách Khoa Thư Brown biết rằng Bugs Meany thực sự đang không ngắm những chú chim?” Thì tôi không thể trả lời được!
Một vài tuần làm seminar như thế, tôi quyết định vậy là quá đủ rồi. Tôi không muốn tiếp tục việc đọc một bài báo khác mà không hiểu gì nó. Thế là tôi đem bài báo của tuần ấy lên thư viện. Đó không chỉ là một thư viện như thường thấy, mà là một thư viện đặc biệt có góc sách nhỏ chuyên ngành sinh học ít ai biết, là một trong những chỗ giấu học thuật đầy bụi bặm chỉ được biết đến bởi những dạng sống khốn khổ nhất, dĩ nhiên, đó là những con côn trùng và những anh chị nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ.
Tôi đặt bài báo trên một bàn trống lớn. Tôi dẹp hết tất cả những thứ làm phân tâm. Để tránh sự quấy rầy từ đám bạn hay rủ rê nhậu nhẹt, tôi chọn một chỗ ngồi ở chỗ chẳng ai qua lại. Để tránh sự quấy rầy từ những cuộc điện thoại, tôi chắc chắn nó phải là đời 1999.
Điều quan trọng nhất, nếu tôi không hiểu một từ nào trong câu, tôi cấm mình lướt qua câu khác cho đến khi tôi tìm thấy từ đó trong sách giáo khoa rồi đọc lại câu ấy tới khi rõ nghĩa.
Tôi đặc biệt nhớ điều này đã diễn ra với từ “exogenous”. Không hiểu tại sao mà tôi luôn lướt qua chữ này, cứ như nó chẳng có gì quan trọng trong câu. Thực là sai lầm!
Lần này, tôi mất tới hơn 2 tiếng để đọc một bài báo ba trang. Nhưng tôi thực sự hiểu nó.
Tôi reo thầm trong đầu: “Tuyệt cú mèo! Mình hiểu nó rồi! Mình thực sự hiểu nó rồi!”
Và tôi nghĩ ngay sau đó: “Khỉ gió! Mình sẽ phải làm tương tự thế này mãi sao?”
“Tôi đã từng mỗi tuần ngồi với một bài báo, đọc từng câu một, và rồi khám phá ra rằng tôi chẳng học được lấy một thứ gì sất.”
Và tôi tìm cách để đọc được bài báo khoa học.
Nếu bạn đang ở điểm khởi đầu trong sự nghiệp khoa học của bạn, có lẽ bạn đang chật vật với vấn đề tương tự. Có thể những chia sẻ sau đây sẽ giúp bạn quen dần với 10 giai đoạn của việc đọc một bài báo Khoa học:
1. Lạc quan
Hãy mỉm cười và tự nhủ rằng “Điều này không thể nào quá khó đâu”, cũng kiểu như bạn tự nhủ rằng, “Chẳng có gì hư hại khi uống tới 8 ly cà phê một ngày” hay “Có cả khối những công việc biên chế”. Sau tất cả, bạn sẽ đọc những từ ngữ trong hàng thập kỷ. Và đó là tất cả những gì mà một bài báo khoa học có, đúng không nào? Là các từ mà thôi, nhỉ?
2. Sợ hãi
Đây là giai đoạn khi bạn nhận ra rằng: “Ôi! Mình không nghĩ tất cả những thứ này là từ ngữ”. Nên bạn đọc chậm đi một chút. Bạn đọc to từng âm tiết, phân tích từng thuật ngữ, tra các chữ viết tắt, và xem lại bài vài lần. Chúc mừng bạn! Giờ bạn đã đọc được tiêu đề bài báo rồi đấy.
3. Tiếc nuối
Bạn bắt đầu nhận ra rằng bạn nên đầu tư thật nhiều thời gian cho việc này. Tại sao, ôi tại sao bạn đã có thể nghĩ rằng mình có thể “luộc” xong bài báo ấy chỉ trong khoảng thời gian một chuyến xe bus? Giá như bạn có nhiều thời gian hơn. Giá như bạn có một trong những cái nút báo ở chỗ làm như những năm 1960s và bạn có thể nhấn nó mà nói: “Phoebe, hủy lịch trình tháng Một giùm tôi”. Giá như bạn có một bản rút gọn của bài báo ấy, khoảng chừng 250 từ hay ít hơn, in đậm ở đầu bài báo…
4. Đốt cháy giai đoạn
Đó là cái gì và tại sao? Tóm lược bài báo (Abstract), đó là tất cả dành cho tôi? Thật mừng vì những biên tập viên các tập san khoa học biết rằng không có bài báo nào là hàm súc, nên họ yêu cầu các tác giả cung cấp, kiểu phong cách như Spaceballs, họ đòi hỏi “một bản tóm lược ngắn gọn, hết sức ngắn gọn”. Được rồi. Làm điều này thôi!
5. Không ổn định tâm trí
Khỉ gió! Chẳng phải Abstract sẽ thường giải thích cái gì đó sao? Tại sao một câu trung bình dài 40 chữ? Tại sao có quá nhiều cụm từ viết tắt thế nào? Tại sao những tác giả sử dụng từ “đặc trưng” lên tới 5 lần?
6. Phân tâm
Điều gì sẽ xảy ra nếu như có một cái điện thoại thông minh dành cho những chú vịt? Việc đó sẽ như thế nào? Chúng sử dụng nó để làm gì? Và lời hát Paul Simon, một câu từ bài hát “You Can Call Me Al”, chạy luẩn quẩn trong đầu bạn cả ngày là câu gì? Cuộc sống của bạn sẽ thay đổi như thế nào nếu như bạn có một cái máy làm bánh mì? Bạn sẽ cần mua men. Thế men có mắc không? Bạn có thể làm bánh mì vài ngày một lần, nhưng thế thì nó trở nên cũ rích mất. Nó không giống với bánh mì mua ở tiệm, nó đơn giản là không giống. Ô đúng rồi! Câu hát đó là “Don’t want to end up a cartoon in a cartoon graveyard”. Paul Simon còn sống hay không? Bạn nên coi thử trên Wikipedia. Thỉnh thoảng, bạn nhầm ông ấy với Paul McCartney hay Paul Shaffer. Thật xấu hổ với David Bowie. Bạn có thể đặt cà phê trong một cái máy làm ẩm không?
Đó là hàng tá thứ có thể khiến bạn phân tâm!
7. Bạn nhận ra rằng 15 phút đã trôi qua mà mình chẳng đọc được câu quái quỉ nào tiếp theo cả!
8. Quyết tâm
Ổn thôi. Chuyến này mình sẽ thực sự đọc. Thực sự sẽ làm. Vâng, vâng, và vâng, việc đọc những từ ngữ là việc mà bạn làm ngay bây giờ. Hãy chỉ ra những tiêu điểm như cách học trò thường để lại những vết mực khô trên trang sách bằng cách gạch chân, khoanh vòng, bôi màu, và…
9. Sự giận dữ
LÀM THẾ QUÁI NÀO MÀ BỘ NÃO CON NGƯỜI LẠI SẢN SINH RA MẤY CÂU QUÁI QUỈ THẾ NÀY?
10. Thực sự suy niệm về một ngành nghề nào đó thuộc lĩnh vực khoa học xã hội. Mấy bài báo học thuật viết về các chủ đề phi khoa học có phải là dễ hiểu hơn phải không? Phải không nào?
…
Bài báo khoa học là một thứ tài liệu kỳ lạ. Chúng ta dành hàng tháng hay thậm chí đến hàng năm để miệt mài làm chúng. Chúng ta viết chúng bằng thứ tiếng mẹ đẻ cực kỳ chuyên biệt đến nỗi hầu hết các nhà khoa học khác đều không chia sẻ được. Chúng ta để chúng trên những trang thương mại và bán với giá nực cười, chẳng hạn 34.95 USD, mà người muốn đọc phải trả. Thế là chúng ta sẵn sàng chấp nhận cả việc không thể truy cập của chúng đến nỗi phải bắt đầu “những câu lạc bộ đọc báo” với hy vọng rằng bạn bè của ta có thể hiểu chúng và tóm tắt chúng giúp ta.
Bạn có thể tưởng tượng nếu các bài báo đăng trên tạp chí chính thống giống như những bài báo khoa học không? Hình dung thông tin trên trang bìa của tạp chí Time với tên của 48 tác giả. Hay một mẫu tin trong The Economist yêu cầu, sau đối tượng được nói đến phải kèm theo một danh sách các công ty đã sản xuất ra đối tượng đó và cả thành phố mà công ty đặt trụ sở. Hay một bài xã luận trên People về Jimmy Kimmel chỉ có thể được xuất bản sau một tiến trình bình duyệt gay gắt bởi các chuyên gia về Jimmy Kimmel.
Bạn có biết cái mà bạn gọi là bài báo tạp chí đòi hỏi sự xem xét học thuật kỹ lưỡng và có sự cam kết tập trung cao độ để hiểu ra điều mà bài báo muốn nói không? Bạn sẽ gọi nó là một bài báo được viết thật là tệ đấy.
Nên những người mới bắt đầu với việc đọc báo khoa học ơi, xin chào bạn. Chúc bạn may mắn! Và chúng tôi thực lòng rất tiếc. Chúng tôi cố gắng viết thật súc tích, nhưng thỉnh thoảng trong chuyên ngành hẹp có nhiều điều quá chuyên biệt đến nỗi chúng tôi cần tới cả triệu từ viết tắt. Thỉnh thoảng, chúng tôi cố làm ra vẻ như những nhà khoa học giỏi bằng cách sao chép văn phong từng bài báo mà chúng tôi đã đọc. Thỉnh thoảng, đơn giản là chúng tôi viết văn quá dở.
Và Quackberry – Đó là từ mà bạn dùng để gọi cái điện thoại thông minh dành cho những chú vịt đấy!
Adam Ruben, PhD, là một nhà khoa học và là tác giả cuốn sách Surviving Your Stupid, Stupid Decision to Go to Grad School.
Chú thích:
(*) à la Spaceballs = in the style of Spaceballs : kiểu phong cách như Spaceballs.
Spaceballs là một bộ phim nổi tiếng ở Mỹ vào năm 1987 đến mức tạo thành một trào lưu, phong cách kiểu Spaceballs.
(**) Blackberry: Tên một dòng điện thoại thông minh thịnh hành ở Mỹ trước đây. Tác giả đố theo kiểu chơi chữ để nhằm bài viết vui nhộn hơn, vì con vịt kêu quack quack nên điện thoại thông minh dành cho những chú vịt là Quackberry.
Huy Vũ (chuyển ngữ)
Bài báo:
- Adam Ruben. How to read a scientific paper. Science Magazine. January 20, 2016.
Xin mời Quý Độc Giả bỏ ra 2-5 phút để làm một khảo sát mức độ hài lòng về bài viết của IBSG tại đây. IBSG chân thành cảm ơn Quý Độc Giả!