Con Đường Khoa Học
GS Trương Nguyện Thành: “Học trò đánh giá chất lượng Giáo Sư”
- Chi tiết bài viết
- Bài viết liên quan
Trong thời gian về nước vào kỳ nghỉ hè, GS. Trương Nguyện Thành đã dành cho sinh viên và các nghiên cứu sinh trong nước những workshop hữu ích đối với người nghiên cứu khoa học.
Tại Tp.HCM, workshop “Công bố khoa học trên Tạp chí Quốc tế” được tổ chức tại Thành Đoàn Tp.HCM vào ngày 28/05 và “Lộ trình sáng tạo” được tổ chức tại Đại học Bách Khoa Tp.HCM vào ngày 04/06. Cả hai hội trường đều kín chỗ, ban tổ chức cho biết mỗi chương trình có số người đăng ký tham dự vượt quá 300 người trong khi sức chứa của hội trường chỉ vừa đủ 150 người.
Và ngày 25/06, Giáo sư cũng tiếp tục chia sẻ với sinh viên và nghiên cứu sinh tại Viện nghiên cứu cao cấp về Toán ở Hà Nội với nội dung “Làm thế nào để công bố khoa học trên tạp chí Quốc tế?”
Bên lề các workshop, Giáo sư Trương Nguyện Thành dành các buổi nói chuyện, trả lời trực tiếp các sinh viên, nghiên cứu sinh các vấn đề liên quan. Trong nội dung bài này, chúng tôi xin trích đăng một phần nội dung hỏi đáp giữa sinh viên nhóm học thuật Y Sinh khu vực miền Nam với Giáo sư Trương Nguyện Thành.
Nhìn nhận về SVVN so với SV Quốc tế
Sinh viên (SV): Thưa Giáo sư, Giáo sư đã hướng dẫn nhiều sinh viên VN và Quốc tế, GS. có thể cho biết nhìn nhận của GS. về SVVN so với SV các nước khác?
GS. Trương Nguyện Thành (GS.TNT): Về mặt trí tuệ, các em không có gì thua kém sinh viên các nước phát triển cả. Nhưng cái dở của SVVN khi làm việc trong môi trường Quốc tế, đó là kỹ năng mềm còn yếu. Nguyên nhân do các em được bảo bọc quá kỹ và thiếu cơ hội phát triển những kỹ năng này.
Học trò đánh giá chất lượng Giáo sư
SV: Em có nên học lên Tiến sĩ hay không?
GS.TNT: Nếu em xác định đi theo hướng nghiên cứu khoa học thì nên làm.
SV: Ai là người đánh giá chất lượng của Giáo sư?
GS.TNT: Học trò là người đánh giá chất lượng Giáo sư.
Tầm nhìn là điều rất quan trọng
SV: Thưa Giáo sư, may mắn trong nghiên cứu của Giáo sư từ đâu ra?
GS.TNT: May mắn đầu tiên của tôi, đó là sau khi học trung học, được các thầy cô trường trung học viết thư yêu cầu trường Đại học cho cơ hội tuy khả năng tiếng Anh lúc ấy còn khá kém. Điều này nhờ vào một lần tham gia thiết kế một mô hình cây cầu bằng tăm xỉa răng ở bậc học trung học, tôi đã nghiên cứu kỹ càng về tính chịu lực của cầu trước khi bắt tay vào xây dựng, chứ không chỉ đơn thuần là về hình thức của một cây cầu. Nhờ điều này, các thầy cô trong trường Trung học nhận thấy tôi có tư duy nghiên cứu, nên tôi được vào trường Đại học dự bị với điều kiện phải chứng minh khả năng trong năm đầu qua việc duy trì điểm trung bình trên 2.5/4.0.
May mắn thứ hai, đó là tôi xin được vào làm trong phòng thí nghiệm vào cuối năm nhất Đại học. Điều này quả thực là may mắn và cũng là một trò láu cá trẻ con của tôi. Vì bạn biết đấy, sinh viên năm nhất làm sao để xin được vào phòng thí nghiệm trợ giúp công việc cho giáo sư? Tôi đã xin vào nhiều phòng thí nghiệm nhưng không được, và ở nơi tôi được nhận, tôi đã phải chơi trò… tìm đến nói chuyện với Giáo sư nhưng không hỏi gì về việc xin việc vào một ngày cuối tuần. Tôi hỏi ông rằng sinh viên năm nhất thì có thể làm nghiên cứu khoa học hay không? Nhìn gương mặt quá háo hức của tôi lúc ấy, Giáo sư không nỡ làm tôi thất vọng, ông bảo: “Một số vấn đề, sinh viên năm nhất cũng có thể làm được.” Chụp ngay lấy câu nói ấy, tôi nói ‘Thế thứ Hai tuần sau em vào làm cho Thầy nhé. Em có thể vào lúc 8 AM ạ!” Đến bây giờ ông Giáo sư ấy vẫn còn nhớ đến chiêu trò này của tôi để kể cho học trò tôi nghe.
Khoảng thời gian làm trong phòng thí nghiệm này trong suốt quá trình học Đại học, tôi đã học được rất nhiều điều từ Thầy và các nghiên cứu sinh (học trò của Thầy) và khi ra trường, ở bậc cử nhân, tôi đã có 4 bài báo công bố trên tạp chí Quốc tế.
Sau khi cố gắng học hết những gì cần học ở một người thầy, thì tôi tìm đến một người thầy khác ở một chuyên môn khác. Những may mắn của tôi đến từ những người thầy. May mắn phần lớn là do nhận định. Việc tầm sư học đạo rất cần thiết, vì cái lớn nhất mà tôi được học hỏi từ những người thầy đó là tầm nhìn xa. Họ giúp chúng ta có được nhận định đúng đắn.
Ứng dụng của Tin học trong Y Sinh và cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực Y Sinh
SV: Thưa Giáo sư, Giáo sư là người chuyên về Hóa nhưng lại có đến 2 bằng sáng chế trong lĩnh vực Công Nghệ Thông Tin, Giáo sư cũng là người hướng dẫn cho Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Lê Thị Lý hiện đang giảng dạy bộ môn Tin Sinh Học tại Đại Học Quốc Tế Tp.HCM trong quá trình PGS.TS Lê Thị Lý làm nghiên cứu Tiến Sĩ tại trường Đại Học Utah, Mỹ. Giáo sư có thể chia sẻ về ứng dụng Tin học trong Y Sinh không ạ? Và cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực Y Sinh ở tương lai là gì ạ?
GS.TNT: Tôi khởi đầu vào trường Đại học từ môn Lý, rồi đi theo Hóa và dùng Tin học để giải quyết các vấn đề về Hóa học. Tôi cho rằng không nên giới hạn bản thân trong duy nhất một chuyên ngành nào. Các em cần mở tư duy ra thì cơ hội sẽ tới với các em. Và các em phải dùng lợi điểm của mình để phát triển và đem về thắng lợi.
Tôi cũng đã từng làm về Tin học ứng dụng cho Y học. Đó là vào năm 2004, hướng nghiên cứu lúc đó là làm hồ sơ bệnh án điện tử để kết nối giữa bác sĩ và bệnh nhân.
Tôi thấy ứng dụng trong Y học rất nhiều.
Còn về cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực Y Sinh mà các em quan tâm. Các em có các cơ hội lớn. Ứng dụng Công nghệ sinh học cho Kinh tế biển, Nông và Lâm nghiệp. Như phân tích genome các loài ở Việt Nam. Bộ gene của Gạo thì các nước đã làm và chúng ta có thể sử dụng. Nhưng có rất nhiều loài ở môi trường sinh học đa dạng của Việt Nam chưa được phân tích genome. Nên dùng công nghệ sinh học để tạo ra những sản phẩm quốc gia.
Về Y Sinh trong tương lai, tôi cho rằng tất cả đều đi qua phân tích gene.
Nhóm học thuật Y Sinh chân thành cảm ơn GS.Trương Nguyện Thành đã chia sẻ với sinh viên từ những kinh nghiệm thực tế bản thân. Chúng tôi luôn hi vọng sinh viên Việt Nam sẽ có những bước tiến xa và sâu hơn, có tầm hơn trong lĩnh vực của mình.
Tuệ An (Ghi chép)
Xin mời Quý Độc Giả bỏ ra 2-5 phút để làm một khảo sát mức độ hài lòng về bài viết của IBSG tại đây. IBSG chân thành cảm ơn Quý Độc Giả.