Miễn Dịch Học
Hướng Đi Mới Trong Điều Trị Dị Ứng Chó Mèo
- Chi tiết bài viết
- Bài viết liên quan
Các nhà nghiên cứu từ Luxembourg Institute of Health (LIH) vừa công bố tiềm năng của CpG oligonucleotide, là một chất khi sử dụng ở liều lượng cao có thể tăng khả năng dung nạp và đảo ngược các triệu chứng dị ứng mèo bằng cách điều chỉnh phản ứng của hệ miễn dịch đối với tác nhân gây dị ứng mèo là Fel d 1. Kết quả đầy đủ của nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Allergy, là một tờ báo chính thức của Học Viện Châu Âu về Dị Ứng và Miễn Dịch Lâm Sàng (European Academy of Allergy and Clinical Immunology).
Dị ứng mèo là hiện tượng đặc trưng bởi sự gia tăng quá trình mẫn cảm và là phản ứng miễn dịch quá mức đối với tác nhân gây dị ứng có liên quan đến họ nhà mèo, đặc biệt là Fel d 1. Fel d 1 là một protein thường được tìm thấy trong nước bọt, các vùng da, và lông của mèo. Biểu hiện của dị ứng mèo thể hiện từ triệu chứng nhẹ đến nghiêm trọng như viêm mũi, hay hen suyễn, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Các dạng dị ứng nhẹ có thể được điều trị khỏi bằng liệu pháp dược, song các trường hợp nặng hơn cần sử dụng liệu pháp miễn dịch đặc hiệu với chất gây dị ứng (allergen-specific immunotherapy, AIT) nhằm đảm bảo tính hiệu quả và tác dụng lâu dài của trị liệu. Phương pháp AIT thường được tiến hành bằng cách tiêm dưới da với nồng độ tăng dần của tác nhân dị ứng, cho đến liều cần thiết đủ để gây ra dung nạp miễn dịch. Tuy nhiên, AIT vẫn cần được cải thiện về mặt hiệu quả và tính an toàn. Các nhà nghiên cứu giả định rằng có thể tối ưu hóa phản ứng miễn dịch của tế bào T và B bằng các chất bổ trợ miễn dịch (immune adjuvants) nhằm sản xuất kháng thể chống lại Fel d 1 và giảm thiểu phản ứng viêm, từ đó tăng dung nạp miễn dịch với loại tác nhân dị ứng.
“Chúng tôi tìm kiếm các phương pháp mới để tăng hoạt động chống viêm của AIT với chất bổ trợ điều hoà miễn dịch đã biết là CpG với nồng độ cao hơn so với trước đây,” giải thích bởi Tiến sĩ Cathy Léonard, đồng tác giả chính của nghiên cứu này.
Để nghiên cứu tác động tế bào, và lâm sàng của AIT dựa vào tiêm Fel d 1 cùng liều cao chất bổ trợ CpG, nhóm nghiên cứu tiến hành thử nghiệm trên chuột dị ứng với Fel d 1 bằng tác nhân dị ứng này trong trường hợp có và không có AIT. Các nhà nghiên cứu quan sát thấy chuột dị ứng được điều trị bằng AIT có sự cải thiện đáng kể ở phổi, tương tự như nhóm đối chứng; giảm tương đối triệu chứng viêm đường hô hấp và quá mẫn khi so sánh với chuột dị ứng nhưng không được điều trị. Chuột dị ứng được điều trị với AIT có nồng độ thấp IgE, là một loại kháng thể liên quan đến phản ứng dị ứng, đồng thời các cytokine kích thích viêm sản xuất bởi tế bào T hỗ trợ loại 2 (Th2) cũng giảm, trong khi nồng độ IgA và IgG là kháng thể có tính kháng viêm được ghi nhận là tăng lên.
Đồng thời, các nhà nghiên cứu nhận thấy rất nhanh chóng sau khi tiêm AIT có sự gia tăng của các loại tế bào miễn dịch liên quan đến điều hoà dị ứng và dung nạp, tiêu biểu là tế bào đuôi gai plasmacytoid (pDC), tế bào tiêu diệt tự nhiên (NK), tế bào T điều hòa (T-reg) và tế bào B điều hòa (B-reg). Ở các tế bào này, có sự biểu hiện cao của yếu tố hoại tử khối u alpha (tumour necrosis factor alpha, TNF-α) thụ thể 2 (TNFR-2), và tế bào NK cũng sản xuất TNF-α cytokine là chất được coi có vai trò ức chế phản ứng dị ứng đặc hiệu, từ đó cho phép các tế bào điều hòa này hoạt động như ‘phanh’ của hệ miễn dịch. “Ở giai đoạn sau, chúng tôi quan sát thấy sự gia tăng rõ rệt của TNF-α ở phổi. AIT cũng kích thích sự có mặt của một loại tế bào T-reg mới, được biết đến với tên biTreg, hỗ trợ cân bằng giữa phản ứng viêm và phản ứng dị ứng trong phản ứng kháng nguyên,” Tiến sĩ Léonard bổ sung.
Tổng hợp lại, kết quả nghiên cứu cho thấy việc sử dụng liều cao CpG là an toàn, và có tác dụng giúp tăng tính kháng viêm mạnh, đồng thời nghiên cứu khẳng định tác dụng chống dị ứng của AIT. “Dựa trên dữ liệu nghiên cứu, chúng tôi tin rằng CpG xứng đáng được cân nhắc như một chất bổ trợ AIT hiệu quả ở người và nghiên cứu này là cơ sở cho sự phát triển của các liệu pháp miễn dịch mới chữa dị ứng,” Giáo sư Markus Ollert, tác giả chính của nghiên cứu kết luận.
Bài báo:
Theo ScienceDaily
Chuyển ngữ: Trần Hoàng Khánh Linh
Hiệu đính: Trần Quốc Duy
Văn phong: Nguyễn Bích Nụ