Con Đường Khoa Học
Predatory Publishers – Who Are You?
- Chi tiết bài viết
- Bài viết liên quan
Nói về nghiên cứu sinh tiến sỹ (PhD candidate) thì chuyện công trình xuất bản (publication) là rất quan trọng. Nó có ý nghĩa không chỉ là tấm vé để các bạn được tốt nghiệp, mà nó còn là những gạch đầu dòng quan trọng trong sơ yếu lý lịch (curriculum vitae – CV).
Trong phạm vi bài viết này, mình sẽ không nói đến “làm thế nào để công bố,” vì topic này đã có rất nhiều anh, chị, thầy cô nhiều kinh nghiệm hơn chia sẻ. Mình sẽ nói về một vấn đề nhỏ khác, đó là “Gửi bài cho tạp chí nào?”
Mình nghĩ điều này cũng quan trọng không kém chuyện chuẩn bị bản thảo (manuscript), vì nó thể hiện sự tôn trọng thành quả nghiên cứu của mình và các đồng tác giả khác. Mình nói như vậy, vì trong giới nhà xuất bản (publisher) tồn tại một thành phần không nhỏ các nhà xuất bản cá mập (“predatory publisher” hay “hijacked journal”) thực sự là mảng tối của việc công bố khoa học. Họ là những nhà xuất bản sẽ sẵn sàng chấp nhận (accept) “tất cả mọi thứ” vì tiền mà không hề thực hiện việc bình duyệt ngang hàng (peer review) .
Khoan nói đến viêc nghiên cứu nào cũng cần phải “bị chém,” việc công bố với các nhà xuất bản dạng này cực kì có hại cho bản thân nghiên cứu sinh, vì vừa mất tiền, vừa phí cả công trình nghiên cứu.
Lấy ví dụ các bạn làm thí nghiệm nhiều khi cả mấy tháng trời mới có được số liêu tốt, phù hợp với giả thuyết (hypothesis) mà đem công bố với tạp chí dạng này thì thì nó chỉ được xếp ngang hàng với những loai khoa học dỏm (bogus science).
Hậu quả còn lớn hơn khi hội đồng khoa học của trường phát hiện ra publications của bạn thuộc loại này thì không những việc tốt nghiệp của bạn, mà cả các đồng tác giả khác, trong đó có giáo sư hướng dẫn sẽ bị ảnh hưởng.
Tệ hơn nữa là bạn sẽ không còn cơ hội gửi lại cho tạp chí khác, uy tín hơn vì bài báo (paper) của bạn đã mất đi tính nguyên bản (original) cần thiết cho công bố mới.
Do đó, những bạn nghiên cứu sinh còn trẻ, thiếu kinh nghiệm, và đặc biệt là những bạn PhD cần báo để tốt nghiệp chính là những khách hàng tiềm năng cho những predatory publishers này.
Vậy làm sao để nhận biết publisher nào uy tín để gửi kết quả ?
Cách tốt nhất đương nhiên là tham vấn giáo sư, các anh chị đi trước khi gởi bài (submit). Mình làm về Khoa Học Môi Trường (Environmental Science) thì có thể kể vài nhà xuất bản uy tín như sau: Elsevier, Springer, Taylor and Francis, Wiley, và Emerald. Mình đã công bố được 2 bài với Elsevier và đang thử sức với Springer và Taylor. Ngoài ra sẽ còn những tạp chí riêng của trường đại học hay hội đồng khoa học chuyên ngành như PNAS hay IWA cũng đều có quá trình peer-review nghiêm túc và quan trọng (critical), điều các bạn sẽ không cảm thấy được ở các bạn publishers dễ chịu kể trên.
Một tham khảo giá trị khác cho vấn đề này có thể tìm thấy ở link dưới đây.
Beall’s List: https://scholarlyoa.com/publishers/
Danh sách do 1 thầy cất công điểm mặt các bạn publishers “tốt bụng” này.
Cách thứ 2 là search tên tạp chí muốn nộp ở trang này.
Scimago Journal: http://www.scimagojr.com/
Nếu không có thông tin thì khả năng cao là không đáng tin cậy.
Trên đây là một it kinh nghiêm của mình, khả năng còn nhiều điều chủ quan, hi vọng giúp gì được cho mọi người.
Hồ Hữu Lộc
Nghiên cứu sinh tiến sỹ, ngành Environmental Science
Đại Học Kyoto, Nhật Bản
(Bài được tác giả đồng ý cho đăng lại trên IBSGacademic.com)