Nature rút lại hai bài báo về tế bào gốc

  • Chi tiết bài viết
  • Bài viết liên quan
Rate this post

Ngày 3 tháng Bảy 2014, Nature, một trong những tạp chí khoa học uy tín nhất, đã rút lại 2 bài báo về một công nghệ tế bào gốc mới của các nhà khoa học Nhật Bản và Hoa Kỳ vì họ đã phát hiện ra những chi tiết sai sót lớn. Hai người đứng tên chính trên 2 bài báo là nữ khoa học gia Haruko Obokata và tiến sĩ Charles Vacanti.

Đầu năm nay, các nhà khoa học Nhật Bản và Hoa Kỳ đã công bố một kỹ thuật mới trong việc tạo ra các tế bào gốc từ các tế bào máu. Công nghệ có tên STAP (stimulus triggered acquisition of pluripotency). Các nhà khoa học nhúng các TB máu trong môi trường acid trong vòng 30 phút rồi quay ly tâm trong vòng 5 phút. Bằng cách này họ cho rằng họ đã làm cho các tế bài máu trở thành tế bào gốc; và khi cho các “tế bào gốc STAP” này vào phôi chuột, chúng sẽ phát triển thành các tế bào tim, xương, và não. Điều này nếu thật sự đúng sẽ mở ra một chân trời mới cho các nhà khoa học trong việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc mà không dùng các tế bào phôi.

Tuy nhiên, các nhà khoa học từ các phòng thí nghiệm khác trên thế giới đã không thể lặp lại các kết quả này. Khi một nhà khoa học đứng ra yêu cầu thu hồi bài báo cho tới khi có thí nghiệm kiểm chứng, viện nghiên cứu Nhật Bản RIKEN bắt đầu tiến hành điều tra. Ngày 1 tháng Tư vừa rồi, RIKEN công bố rằng phát hiện ra hai lỗi về đạo đức trong công trình của Obokata. Obokata đã thao túng các hình ảnh để làm cho kết quả trông tốt hơn. Sau đó, ban biên tập của Nature cũng tìm ra thêm 5 lỗi khác nữa. Obokata đã sử dụng lặp lại 2 hình ảnh và ghi các chú thích không phù hợp. Các nhà khoa học đã đồng ý rút lại 2 bài báo.

Ngày 3 tháng Bảy, Obokata đã đi làm trở lại. Tuy nhiên, do chỉ số tín nhiệm của Obokata đã bị giảm đáng kể nên các hoạt động của cô ở phòng lab sẽ bị ghi hình để theo dõi. Ý tưởng về STAP là của tiến sĩ Vacanti, và ông vẫn còn tin tưởng rằng STAP là có thật. Hiện các nhà khoa học vẫn còn đang tranh cãi.

Huy Vũ

Nguồn Hình: Japan Daily Press

Ý Kiến Độc Giả:

Nhóm nghiên cứu: