Phỏng vấn nhà văn Tố Linh với tiểu thuyết đầu tay “Nghiên Cứu Sinh” và quà tặng dành cho độc giả IBSG

  • Chi tiết bài viết
  • Bài viết liên quan
2.7/5 - (3 bình chọn)

Đối với độc giả đại chúng, khoa học là một danh từ gợi lên một ngành nghề khô khan và trí thức. Trong nền văn học Việt Nam đương đại, khoa học vẫn chưa phải là một chất liệu chủ đạo cho các sáng tác của các cây bút trưởng thành. Tố Linh, một nhà văn trẻ vừa bước vào làng văn sau khi từ bỏ vài năm theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu sinh tiến sĩ, đã đưa đến một làn gió mới với tiểu thuyết đầu tay của cô trên nền giao thoa giữa khoa học và ngôn tình. Tác phẩm Nghiên Cứu Sinh do nhà xuất bản Trẻ phát hành tháng Một 2018 vừa qua có thể xem là một dấu chấm phá đầy ấn tượng cho sự nghiệp văn chương non trẻ của Tố Linh.

Nghiên Cứu Sinh là câu chuyện mang tính đại diện cho những thanh niên trí thức Việt theo đuổi nghiệp nghiên cứu tại nước ngoài với những cung bậc cảm xúc giữa công việc và cuộc sống, giữa đam mê và thực tế, giữa yêu thương và đấu đá. Lồng ghép trong bối cảnh của câu chuyện là hội chứng Marfan, một căn bệnh di truyền hiếm gặp và ít người biết đến nhưng đang hiện hữu và đem đến đau thương cho nhiều người trên thế giới.

Có thể nói, tiểu thuyết Nghiên Cứu Sinh là một bài báo khoa học được tạo nên từ khoa học, từ tình yêu, và từ những câu chuyện đời thường mà người tạo nên nó, tác giả Tố Linh, hẳn phải có những trải nghiệm riêng biệt và đáng quý mới truyền tải một cách khéo léo đến độc giả. Đó cũng chính là nguyên nhân thôi thúc IBSG tìm đến chị và lắng nghe những chia sẻ của chị về Nghiên Cứu Sinh.

Sau đây, thân mời các bạn cùng đồng hành với IBSG trong cuộc trò chuyện giữa Hồ Ngọc Phương Dung, thành viên nội dung của IBSG, và nhà văn Tố Linh nhé!

IBSG: Lời đầu tiên, xin cảm ơn chị đã dành thời gian trò chuyện cùng IBSG, chị có thể giới thiệu đôi nét về bản thân và công việc hiện tại của mình không ạ?

Mình thấy ở trên các bạn giới thiệu đầy đủ cả rồi mà. Mình sinh ra lớn lên ở Hà Nội, tốt nghiệp Đại Học Nông Nghiệp Hà Nội (nay là Viện Nông Nghiệp Việt Nam) năm 2011. Sau đó mình nhận học bổng VEF và sang Mỹ làm PhD ở University of Missouri – Columbia. Sau khi chuyển lab [nhóm thí nghiệm] mấy lần thì mình nhận ra việc mà mình thích làm là viết lách. Vì thế mình bỏ chương trình PhD, lấy bằng MA (thạc sĩ) về sinh học và giáo dục, sau đó về Việt Nam. Bây giờ thì công việc của mình chỉ có viết. Những bài về truyền thông khoa học của mình thường đăng trên tạp chí Zeally (zeally.net). Ngoài ra thì có tiểu thuyết Nghiên Cứu Sinh mà các bạn vừa nhắc tới.

IBSG: Được biết hiện chị vừa về Việt Nam đang sống ở Đà Nẵng cùng bạn đời của mình, vậy cuộc sống của chị có khác biệt nhiều lắm so với trước đây không?

Khác chứ. Missouri nằm sâu trong lục địa, còn Đà Nẵng là thành phố biển. Mà mình thì thích biển nên tuần nào cũng chạy ra ngoài đó chơi.

IBSG: Động cơ nào để chị từ bỏ việc học PhD để trở thành một nhà văn, một “science writer” ạ?

Viết lách là việc mình thích làm từ nhỏ rồi, nhưng hồi đó thì chỉ coi là sở thích thôi, chưa từng nghĩ mình có thể theo đuổi nó như là một nghề nghiệp hẳn hoi. Tới khoảng năm 2016 thì mình bắt đầu viết blog kể chuyện khoa học và thấy thực sự thích công việc đó. Khoa học là một thứ có vẻ khó nhằn, xa xôi và khô khan với hầu hết mọi người, mà mình thì cũng có chút hiểu biết, thế thì tại sao lại không làm cầu nối giữa khoa học và mọi người nhỉ?

IBSG: Chị có tìm được cho mình cảm giác thoải mái và hạnh phúc với công việc hiện tại không ạ?

Có chứ. Công việc này là sự kết hợp hoàn hảo giữa hai thứ mình rất thích, là khoa học và viết lách. Theo đuổi đam mê của mình là một việc đáng làm.

IBSG: Trong tiểu thuyết, Ngân – nhân vật nữ chính đã rất may mắn nhận được sự giúp đỡ to lớn từ Daniel – nhân vật nam chính, từ những đồng nghiệp khoa học. Chị có nhận được sự may mắn tương tự như vậy không ạ?

Sự giúp đỡ lớn nhất mà mình nhận được hồi làm khoa học bên Mỹ là từ các giáo sư, những người bạn lớn của mình. Họ là những người dẫn đường, người giúp đỡ, và người cùng thảo luận tìm ý tưởng Mình coi giáo sư hướng dẫn đề tài tốt nghiệp như một người thân trong nhà.

IBSG: Cá tính của Ngân có giống với cá tính của chị trong thực tế không ạ? Việc tương đồng/ tương phản cá tính đó tạo cho chị thuận lợi/ khó khăn gì trong việc sáng tác không?

Haha (cười), lúc đầu khi bắt đầu viết Nghiên Cứu Sinh, mình cũng không biết nhân vật Ngân là người thế nào. Mãi sau này bạn ấy mới bộc lộ bản thân cho mình biết. Ví dụ như lúc bị chuyển đề tài mà bạn ấy cãi lại là không hề có trong chủ ý của mình. Hay lúc “anh ấy” trải qua một trận thập tử nhất sinh rồi bạn bè thuyết phục bạn ấy quay lại, nhưng bạn ấy bảo người cần thay đổi không phải là bạn ấy. Cái đó cũng không có trong kế hoạch. Nên trong truyện nhiều khi mình là người đi theo Ngân chứ không phải là mình giật dây bạn ấy.

IBSG: Cảm ơn chị đã có những chia sẻ rất thú vị về cuộc sống cũng như công việc ạ. Về hội chứng Marfan – thông điệp chính của chị trong tiểu thuyết Nghiên Cứu Sinh, chị có nghĩ Việt Nam đang thiếu hụt những chuyên gia tư vấn di truyền không? Và việc phát hiện, giám sát và điều trị các bệnh di truyền (như Marfan) hiện tại ở nước ngoài có được làm tốt không?

Việc thiếu hụt chuyên gia tư vấn di truyền là vấn đề ở khắp nơi chứ không phải chỉ có ở Việt Nam. Bệnh di truyền hiếm gặp, khó hiểu, mà lại có nhiều dạng bệnh, nên người bệnh và gia đình rất cần chuyên gia tư vấn. Mình nghĩ tư vấn di truyền không chỉ là một ngành nghề có ích và có ý nghĩa, mà còn có triển vọng nữa. Vì thế nên bạn nào đang phân vân chọn nghề thì có thể cân nhắc con đường này.

IBSG: Theo chị, với những bệnh nhân mang biến dị không phổ biến của hội chứng Marfan (các hội chứng thuộc di truyền học khác), việc nghiên cứu con đường từ đột biến đến biểu hiện có phải sẽ mất rất lâu để bắt đầu tiến hành không?

Sách sinh học thường dạy là kiểu gene dẫn đến kiểu hình, nhưng thực tế thì không đơn giản thế. Từ kiểu gene đến kiểu hình rất phức tạp. Nghiên cứu khoa học vốn không phải là tốc hành như nhiều người vẫn nghĩ. Với một bệnh hiếm như Marfan, tốc độ nghiên cứu lại càng phụ thuộc nhiều yếu tố bên ngoài hơn, như mức độ quan tâm của cộng đồng, chi phí nghiên cứu, rồi tìm ra đối tượng nghiên cứu phù hợp, vân vân. Nhưng khó khăn không có nghĩa là hoàn toàn tuyệt vọng. Vì chỉ trong mấy chục năm mà tuổi thọ của bệnh nhân Marfan đã tăng lên rất nhiều, chúng ta đã có thuốc điều trị mới, các nguy cơ trong phẫu thuật đã giảm hàng chục lần. Thế nên dù thế nào thì chúng ta vẫn nên giữ hy vọng.

Qùa Tặng Dành Cho Độc Giả
Các độc giả IBSG thân mến! Để góp phần giới thiệu cuốn sách “Nghiên Cứu Sinh” đến cộng đồng, IBSG xin phép tặng cho ba độc giả thỏa mãn các điều kiện sau:

  1. Đã chia sẻ bài phỏng vấn này trên Facebook cá nhân,
  2. Tag ba người bạn dưới bài viết của Fanpage Khoa Học và Công Nghệ Sinh Học, và
  3. Email đến hòm thư của IBSG.

IBSG sẽ chọn ngẫu nhiên 3 (ba) bạn may mắn để gởi phần quà là một cuốn sách của nhà văn Tố Linh đến mỗi bạn. Tiêu đề email ghi rõ “Bốc thăm may mắn cùng IBSG.” Email cung cấp các thông tin sau: Họ tên đầy đủ, công việc hiện tại, sở thích khoa học, và địa chỉ bưu điện. IBSG cam kết không sử dụng thông tin cá nhân của các độc giả một cái trái phép khi tham gia chương trình này. Hạn chót nhận email ngày 24 tháng Sáu 2018.

Email tham gia xin gởi về: [email protected]

IBSG: Theo chị, điều khó khăn nhất đối với bệnh nhân khi biết mình mắc phải hội chứng Marfan là gì?

Có lẽ là tìm kiếm thông tin, cũng giống như các bệnh hiếm gặp khác. Sau đó là cảm thấy mình là một quả bom nổ chậm gây rủi ro cao cho những người xung quanh (cái này các bạn đọc Nghiên Cứu Sinh sẽ rõ hơn). Hoặc là cảm thấy khó giải thích về sự khác biệt của mình cho người khác, ví dụ như vì sao họ lại cao gầy như thế, hay tại sao họ không thể chơi thể thao, hay tại sao cuộc sống của họ bị phụ thuộc nhiều thứ. Nhưng một cuộc sống tương đối bình thường và hạnh phúc là chuyện hoàn toàn trong tầm tay, dù có Marfan hay không.

IBSG: Theo chị, xét nghiệm di truyền học với hội chứng Marfan cho phôi thai có được khuyến khích không khi chúng ta biết tuổi thọ của bệnh nhân Marfan có thể ngang bằng với người bình thường nếu nhận được điều trị thích hợp?

Người có tiền sử gia đình hội chứng Marfan nên được kiểm tra sớm, nhưng không nhất thiết phải là xét nghiệm tiền sản, và cũng không nhất thiết phải là xét nghiệm di truyền. Xét nghiệm hay không là quyết định riêng của từng người mẹ, từng gia đình, mình không có quyền phán xét nên hay không nên. Điều quan trọng nhất là họ hiểu rõ các mặt của việc xét nghiệm, cũng như những quyết định và lựa chọn mà họ sẽ phải đối mặt. Mình đã từng viết một bài về xét nghiệm di truyền, các bạn có thể xem thêm ở bài viết này: http://zeally.net/thu-pham-tang-hinh-phan-2/

IBSG: Chị có lời gì muốn nhắn nhủ đến những bạn trẻ đang theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học không ạ?

Các bạn trẻ và giỏi, mình không lo lắng đâu. Chỉ cần các bạn dũng cảm theo đuổi đam mê của mình thì mình tin cái gì các bạn cũng làm được. Nếu chưa biết mình thích làm gì thì cứ thử sức với nhiều thứ, đừng ngại. Khoảng thời gian và công sức đó không mất đi mà sẽ tôi luyện các bạn và cuối cùng sẽ dẫn các bạn tới con đường của chính mình.

Cuối cùng, Phương Dung thay mặt IBSG cảm ơn chị đã dành thời gian tham gia phỏng vấn. Chúc chị sức khỏe và hạnh phúc bên gia đình, bạn bè và những người yêu quý. Chúc chị ngày càng thành công trên con đường đã chọn và được ngày càng nhiều độc giả ủng hộ.

Hồ Ngọc Phương Dung

Ý Kiến Độc Giả:

Nhóm nghiên cứu: