Danh Nhân Khoa Học
Giáo sư Karen Vousden và protein điều hòa Mdm2
- Chi tiết bài viết
- Bài viết liên quan
Chắc hẳn ai cũng quen thuộc với p53 – protein được mệnh danh là nhà canh giữ cho sự sống của tế bào. p53 được kích hoạt khi tế bào bị tổn thương, và kích hoạt các gene dẫn đến sự chết của tế bào đó. Nhưng liệu có ai biết p53 được điều hoà như thế nào trong tế bào hay không? Và làm cách nào để con người có thể can thiệp vào quá trình truyền tin này trong tế bào để điều trị ung thư? Một protein điển hình và quan trọng nhất trong quá trình điều hoà hoạt động của p53 là Mdm2. Karen Vousden chính là người đã tìm ra và giải mã được chức năng của protein này, trong một bài báo mang tính nền móng của mình, công bố trên tạp chí Nature “Regulation of p53 stability by Mdm2” vào năm 1997.
Karen sinh ra và lớn lên ở một thị trấn nhỏ phía Đông Nam nước Anh. Cô kể lại rằng cô chưa từng có ý định gì về nghề nghiệp sau này của mình, tại đại học nổi tiếng Queen’s Mary London (nay trực thuộc hệ thống Đại Học London), cô có bằng về Vi sinh vật học và Di truyền. Đề tài Tiến sỹ của cô là nghiên cứu về những protein ức chế dịch mã cùng với Lorna Casselton. Sau khi kết thúc bậc học tiến sỹ, cô chọn làm sau tiến sỹ (Post-doc) với Chris Marshall – là nhà khoa học lừng danh với phát hiện ra quá trình truyền tin của protein Ras/MAPK/ERK- tại Viện Nghiên Cứu Ung Thư London danh tiếng (The Institute of Cancer Research). Sau khi kết thúc, cô chuyển đến Mỹ và làm sau tiến sỹ cho Doug Lowy, chọn nghiên cứu về virus HPV. Nhưng sau 1 năm, cô trở lại Anh với vị trí là một trưởng nhóm (group leader) tại Viện Ung Thư Ludwig, London. Và tại đây, cùng với Moshe Oren và David Lane, cô đã tìm ra Mdm2.
Sự phát hiện ra Mdm2 là một bước đi lớn trong nghiên cứu và điều trị ung thư. Trước Mdm2, không ai biết rằng làm cách nào mà tế bào kiểm soát p53 ở trạng thái bất hoạt bởi lẽ gene mã hoá cho p53 luôn ở trạng thái kích hoạt, và tế bào luôn chứa p53 ở bất cứ thời điểm nào. Vậy tại sao tế bào không chết? Đây là lúc Mdm2 bước vào, protein này gắn vào p53 một loại mã có tên Ubiquitin. Ubiquitin-p53 sẽ bị nhận diện bởi Proteasome, và kết quả là p53 bị phân huỷ. Khi tế bào đi vào sự chết, tương tác giữa Mdm2 và p53 bị chặn, cho phép p53 đi vào nhân và hoạt hoá hàng loạt các gene cần thiết cho sự chết của tế bào. Việc phát hiện ra Mdm2 mở ra một chương mới cho việc tìm ra thuốc có khả năng giết chết các tế bào ung thư.
Năm 2003, Karen được tuyển mộ trở thành Giám đốc điều hành tại Viện nghiên cứu Ung thư Beatson – Glasgow (The Beatson Institute for Cancer Research), một trong 5 trung tâm nghiên cứu Ung thư trọng điểm của Châu Âu, trực thuộc Hiệp Hội Nghiên Cứu Ung Thư UK (CRUK). Và tại đây một nhóm các phân tử nhỏ có chức năng ức chế Mdm2 đã được tìm ra bởi các nhà hoá học tại Đại Học Glasgow – Scotland!
Tại đây, cô lại tiếp tục khám phá ra chức năng của TIGAR, một protein quan trọng khác được điều hoà bởi p53, đăng trên tạp chí lừng danh Cell. Sau 13 năm tại viện Beatson, năm 2016, Karen được tuyển mộ về Viện Francis Crick tại London (Viện nghiên cứu Y Sinh lớn nhất toàn Châu Âu), trở thành Chief Scientist của CRUK.
Lê Hoàng Anh, PhD
Cancer Research UK Beatson Institute
Nguồn hình cover: Bristol-Myers Squibb