Giới Thiệu Sách
Điểm sách: I Wish I’d Made You Angry Earlier (Max F. Perutz)
- Chi tiết bài viết
- Bài viết liên quan
Tôi làm PhD ở trường ĐH tổng hợp Viên, viện nghiên cứu sinh học phân tử mang tên nhà khoa học người Áo Max F. Perutz (giải Nobel hoá học năm 1962 cho nghiên cứu giãi mã cấu trúc protein hemoglobin). Ông là tác giả của câu nói nổi tiếng “In science, the truth always win” mà tôi luôn lấy làm tâm niệm sống và làm việc. Dù là người Áo nhưng Perutz nổi tiếng va thành danh tại ĐH Cambridge, Anh quốc (ông chuyển qua làm việc để tránh chế độ Nazism) nơi ông lãnh đạo một trong những nhóm nghiên cứu sinh học phân tử đầu tiên trên thế giới, bao gồm cả Watson và Crick, những người khám phá ra cấu trúc xoắn kép DNA. Cuốn sách “I wish I’d made you angry earlier” là tổng hợp nhiều bài viết ngắn (essays) của Perutz vê khoa học, về cuộc sống. Nó thể hiện góc nhìn của ông, một trong những thiên tài khiêm tốn nhất trong giới khoa học.
Giải mã sự sống – DNA và protein
Perutz kể lại là ông sang Cambridge làm về cấu trúc sinh học phân tử với mục đích khám phá bí ẩn của sự sống và thời điểm đó ông và nhiều người khác tin là nằm ở protein chứ không phải ở DNA (chương The second secret of life). Ông cũng mô tả sơ qua vai trò của Watson và Crick trong khám phá thế kỷ cấu trúc DNA. (chương How the secret of life was discovered) trong đó Crick như là một giáo viên uyên bác đầy kiến thức (vật lý) và Watson như một cậu học trò đầy tò mò và thông minh, có điểm chung là cả hai đều thành công trong khám phá ở những thời điểm mà người ngoài nghĩ là họ đang chơi bời. Perutz cung nói về ảnh hưởng của Avery (người có lẽ là đáng tiếc nhất nhất trong những người không được trao giải Nobel) trong thí nghiệm nổi tiếng Avery-MacLeod-McCarty chứng minh DNA chứ không phải protein mang thông tin di truyền.
Phương pháp phân tích X-ray được phát minh như thế nào
Chương “How WL. Bragg invented X-ray analysis” được Perutz bắt đầu với việc mô tả WL. Bragg, người cùng cha mình phát minh ra phương pháp sử dụng tia X-ray để phân tích cấu trúc phân tử, như là cha đẻ về khoa học của ông. Trong bài viết này, ông mô tả Sir Bragg nhận ra bước sóng (wavelength) ở tia X-ray theo đúng thứ tự về khoảng cách giữa các nguyên tử (atoms) ở trong tinh thể/phân tử (crystal), như vậy X-ray có thể là phương pháp tốt nhất để khám phá cấu trúc của các phân tử. Lịch sử chứng minh X-ray đã được sử dụng để khám phá cấu trúc của DNA và protein, và là một trong những phương pháp sinh học phân tử khó nhất.
I wish I’d made you angry earlier
Trong chương này, Perutz vẽ lại quá trình ông khám phá ra cấu trúc protein đầu tiên hemoglobin (ông chọn protein này vì nó dễ nhất để xây dựng cấu trúc bằng những hình ảnh phân tử từ X-ray crystallography). Đó là câu nói mà boss của ông (Sir WL. Bragg, người trẻ nhất được giải Nobel cho phương pháp X-ray crystallography) nói với ông khi ông khám phá ra cấu trúc xoắn alpha đầu tiên của protein (công trình giúp ông thắng giải Nobel năm 1962).
Darwin đã đúng
Perutz mô tả điều làm Darwin, cha đẻ thuyết chọn lọc tự nhiên (natural selection), vĩ đại chính là việc thuyết tiến hoá ông mô tả trong cuốn “Nguồn gốc muôn loài” đã ngày càng trở lên đúng mặc dù Darwin dự đoán nó gần 2 thế kỷ trước (Chương “Darwin was right”). Ngày nay sau nhiều bằng chứng và nghiên cứu về di truyền, nó là học thuyết đúng đắn nhất giải thích sự sống trên thế giới và tại sao chúng ta lại giống con vượn về hình thức mà không giống cây cam.
Tiến sĩ Đinh Quang Huy
(Bài viết của Tiến sĩ Đinh Quang Huy được đăng lần đầu trên blog cá nhân của tác giả. Tác giả đồng ý cho phép IBSG đăng lại trên website của Nhóm)
Hình cover: Max Perutz bên mô hình hemoglobin. Nguồn: MRC Laboratory of Molecular Biology