Khoa Học Thần Kinh
Aducanumab: Kết qủa đầy triển vọng trong điều trị Alzheimer
- Chi tiết bài viết
- Bài viết liên quan
Một thử nghiệm lâm sàng trong điều trị bệnh nhân Alzheimer vừa được hoàn tất với các kết quả rất đáng chú ý.
Thuốc tác động lên các mảng amyloid — các protein liên quan đến sự khởi phát bệnh Alzheimer – và chỉ sau 12 tháng sử dụng thuốc các mảng amyloid không có dấu hiệu hiện hữu ở những bệnh nhân được điều trị liều cao nhất (10mg kg-1).
Không chỉ vậy, khi điều trị với thuốc ở liều cao nhất, trong hơn 6 tháng, cho 20 bệnh nhân mắc Alzheimer giai đoạn đầu, đã có những dấu hiệu cho thấy các triệu chứng bệnh như suy giảm khả năng nhận thức (cognitive decline) và mất trí nhớ (memory loss) diễn ra chậm hơn.
“Đây là tin tức tốt nhất trong 25 năm nghiên cứu bệnh Alzheimer của cá nhân tôi, nó mang đến hy vọng cho những bệnh nhân và gia đình bị tác động bởi căn bệnh này”, một trong những nhà nghiên cứu của dự án, nhà thần kinh học Stephen Salloway từ Bệnh Viện Butler, Providence, Rhode Island, chia sẻ với Nature.
“So với các nghiên cứu đã công bố trước đây, mức độ hiệu quả của thuốc là chưa từng có,” một thành viên khác của nhóm nghiên cứu, Roger Nitsch từ Đại Học Zurich, Thụy Sĩ, phát biểu trên tờ The Independent.
Trước khi đi vào chi tiết, hãy hiểu rõ rằng đây chỉ là một thử nghiệm với một số ít người tham gia, và chúng ta cần “lạc quan một cách thận trọng” với những kết quả đã thu được.
Không có gì là chắc chắn cho đến khi kết quả được lặp lại trong một thử nghiệm dài hơn với quy mô lớn hơn và đa dạng hơn về cỡ mẫu (sample size). Do đó, mặc dù chúng ta có thể vui mừng về những tiềm năng đáng kinh ngạc của thuốc, chúng ta cần phải chờ đợi kết quả của các thử nghiệm tiếp theo.
Nhóm nghiên cứu tuyển 165 tình nguyện viên, được chẩn đoán là mắc Alzheimer giai đoạn sớm để tham gia kiểm tra hiệu quả (efficacy) của một loại thuốc được tổng hợp dựa trên kháng thể gọi là aducanumab.
Aducanumab là một loại kháng thể tồn tại một cách tự nhiên ở những người già không bị suy giảm khả năng nhận thức. Vì vậy, các nhà khoa học quyết định theo dõi các hiện tượng xảy ra nếu họ tiêm kháng thể này với liều lượng cao cho những bệnh nhân Alzheimer giai đoạn đầu.
Cách kháng thể này hoạt động chưa được hiểu rõ, tuy nhiên tại một hội nghị khoa học nhóm nghiên cứu cho biết đích của kháng thể không phải là amyloid trong mạch máu mà là trong não.
“Có một giả thuyết là những kháng thể bám vào amyloid trong mạch máu sẽ bị giữ lại và không thể đi vào não”, Karen Weintraub giải thích trên báo Scientific American. “Aducanumab nhắm vào amyloid trong não và có vẻ như nó có khả năng thấm qua não để đi đến đích.”
165 người tham gia được chia thành các nhóm khác nhau, được tiêm aducanumab với liều lượng khác nhau và trong đó, một nhóm 40 người được điều trị với giả dược (placebo).
Với nhóm 103 người dùng thuốc mỗi tháng một lần, trong 54 tuần, số lượng mảng amyloid trong não đã giảm rõ rệt. Ngoài ra các nhà khoa học cũng phát hiện rằng liều thuốc càng cao thì lượng mảng amyloid trong não càng giảm.
Ở nhóm 21 người được điều trị liều cao, sau một năm, những dấu hiệu của mảng amyloid trong não đã không còn.
* Màu đỏ biểu tượng cho các mảng amyloid.
Kết quả tương tự đã được báo cáo trong một thử nghiệm tiền lâm sàng trên chuột (pre-trial mouse study) trước đó: não chuột đã sạch các mảng amyloid sau khi được điều trị bằng aducanumab.
Eric Reiman một người đứng đầu về nghiên cứu bệnh Alzheimer của Viện Alzheimer Banner ở Phoenix, Arizona, nhưng không liên quan tới cuộc thí nghiệm này phát biểu rằng: “ Trong số các loại thuốc chúng tôi đã biết, đây là loại thuốc có tác dụng mạnh nhất trong việc làm giảm khối lượng của các mảng amyloid.” “Đó là một kết quả ấn tượng, rất đáng khích lệ và là một bước tiến lớn”.
Không một ai hoàn toàn chắc chắn nguyên nhân gây ra bệnh Alzheimer, nhưng nó là kết quả từ sự tích tụ của hai tổn thương trong não, gồm mảng amyloid (amyloid plaque) và những đám rối sợi thần kinh (neurofibrillary tangle).
Các mảng amyloid nằm xen giữa các tế bào thần kinh và nguyên nhân chính gây ra các mảng amyloid này là do các cụm phân tử beta-amyloid nhầy, dày đặc, kết khối lại với nhau, còn các đám rối thần kinh thì được gây ra bởi các tau protein hỏng (tau protein là các protein thực hiện chức năng ổn định vi ống). Các mảng amyloid và đám rối sợi thần kinh hình thành nên các lớp dày, không tan trong các tế bào thần kinh.
Các mảng và đám rối này ngăn chặn quá trình vận chuyển các chất dinh dưỡng trong não. Điều này được cho là làm giảm khả năng nhận thức và mất trí nhớ, biểu hiện của bệnh Alzheimer.
Tới thời điểm hiện tại, vai trò của các mảng amyloid và đám rối sợi thần kinh trong quá trình hình thành Alzheimer vẫn còn nhiều tranh cãi. Các nhà khoa học vẫn chưa xác định được hiện tượng nào xảy ra trước và có tác động lớn hơn.
Tuy nhiên, cuộc thử nghiệm này cho thấy rằng, loại bỏ các mảng amyloid giúp làm chậm tiến trình bệnh. Các nhà nghiên cứu cho thấy, thuốc làm chậm quá trình suy giảm nhận thức ở 91 bệnh nhân được nhận điều trị.
“Aducanumab cũng cho thấy những ảnh hưởng tích cực lên các triệu chứng lâm sàng,” Nitsch phát biểu với báo chí. “Trong khi những bệnh nhân sử dụng giả dược vẫn có hiện tượng suy giảm nhận thức, những bệnh nhân được điều trị với kháng thể vẫn duy trì khả năng nhận thức một cách ổn định.”
Những kết quả trên rất khả quan, tuy nhiên, kết quả cần được lặp lại trên một nhóm bệnh nhân lớn hơn. Nhóm nghiên cứu hiện đang tuyển khoảng 2.700 bệnh nhân đến từ 20 quốc gia khác nhau để tham gia một thử nghiệm lâm sàng mới, kéo dài trong 18 tháng. Kết quả của thử nghiệm này được dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2020.
“Đây sẽ là các kết quả chi tiết nhất và hứa hẹn rằng chúng ta tìm thấy một loại thuốc có khả năng sửa đổi các nguyên nhân cơ bản gây nên bệnh Alzheimer,” James Pickett, đứng đầu nghiên cứu tại Hiệp Hội Alzheimer, người không tham gia vào cuộc nghiên cứu, phát biểu trên tờ The Independent.
“Hiện tại chúng ta không có phương pháp điều trị ngăn chặn trực tiếp vào quá trình bệnh Alzheimer. Do đó, một loại thuốc làm chậm sự tiến triển của bệnh bằng cách loại bỏ các mảng amyloid sẽ là một bước tiến có ý nghĩa quan trọng”.
Các kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature.
IBSG Biotechnology (chuyển ngữ)
Kim Thoa, Xuân Tài, Bảo Trâm,
Cẩm Vân, Mỹ Linh, Minh Ngọc, và Minh Tứ
Bài báo:
- Bec Crew. New Alzheimer’s drug trial clears toxic brain proteins and slows memory loss. Science Alert. 1 September 2016
- Sevigny, J., Chiao, P., Bussière, T., Weinreb, P. H., Williams, L., Maier, M., … & O’Gorman, J. (2016). The antibody aducanumab reduces Aβ plaques in Alzheimer’s disease. Nature, 537(7618), 50-56.
Xin mời Quý Độc Giả bỏ ra 2-5 phút để làm một khảo sát mức độ hài lòng về bài viết của IBSG tại đây. IBSG chân thành cảm ơn Quý Độc Giả.