Dự đoán tuổi thọ bằng xét nghiệm máu

  • Chi tiết bài viết
  • Bài viết liên quan
Rate this post

Dự đoán thời gian sống còn lại của một người sẽ giúp các bác sĩ điều chỉnh kế hoạch điều trị một cách hợp lý. Một nghiên cứu mới về dấu ấn sinh học (biomarker) trong máu cho thấy việc ước tính chính xác về tỷ lệ tử vong có thể sớm thành hiện thực.

Hiện tại, các bác sĩ có thể dự đoán chính xác về tỷ lệ tử vong trong vòng 1 năm cuối đời với một độ chính xác nhất định. Tuy nhiên, việc dự đoán tuổi thọ trong khoảng thời gian dài – chẳng hạn từ 5 đến 10 năm – vẫn chưa thể thực hiện.

Một nhóm các nhà nghiên cứu mới đây đã công bố một bài báo trên tạp chí Nature Communications, họ hy vọng rằng họ giờ đây đang trên con đường hướng tới phát triển một công cụ tiên đoán đáng tin cậy.

Họ tin rằng xét nghiệm máu có khả năng một ngày nào đó có thể dự đoán liệu ai đó có khả năng sống thêm 5 hay 10 năm nữa. Các tác giả giải thích rằng điều này có thể giúp các bác sĩ đưa ra quyết định điều trị quan trọng.

Chẳng hạn, họ có thể xác định liệu một người lớn tuổi có đủ sức khỏe để phẩu thuật hay không, hoặc giúp phát hiện những bệnh nhân thực sự cần can thiệp y tế để cải thiện sức khỏe.

Một xét nghiệm giống vậy cũng có thể mang lại lợi ích cho các thử nghiệm lâm sàng: các nhà nghiên cứu có thể theo dõi cách can thiệp ảnh hưởng như thế nào đến nguy cơ tử vong mà không phải thực hiện thử nghiệm có thể nguy hiểm đến tính mạng.

DỰ ĐOÁN TUỔI THỌ

Hiện tại, bác sĩ có thể dự đoán về tuổi thọ của một người từ chỉ số huyết áp và mức độ cholesterol. Tuy nhiên, ở người lớn tuổi, những tiêu chuẩn đánh giá này trở nên ít chính xác hơn.

Trái với nhận thức thông thường, đối với những người từ 85 tuổi trở lên, huyết áp và mức độ cholesterol cao hơn lại có nguy cơ tử vong thấp hơn.

Các nhà khoa học từ Đại học Brunel London ở Vương quốc Anh và Trung tâm Y tế Đại học Leiden ở Hà Lan đã tiến hành một nghiên cứu nhằm tìm ra dấu ấn sinh học trong máu có khả năng tiên lượng chính xác tuổi thọ con người.

Đây là nghiên cứu lớn nhất trong lĩnh vực này cho tới nay, lấy dữ liệu từ 44.168 người có độ tuổi nằm trong khoảng từ 18 đến 109. Trong suốt thời gian theo dõi nghiên cứu, có 5.512 người đã chết.

Nhóm nghiên cứu bắt đầu bằng việc xác định các dấu hiệu chuyển hóa (metabolic marker) liên quan đến tỷ lệ tử vong. Từ đó, họ đã tạo ra một hệ thống tính điểm để dự đoán khi nào con người sẽ mất.

Kế tiếp, các nhà nghiên cứu đã so sánh độ tin cậy của hệ thống tính điểm với độ tin cậy của một mô hình dựa trên những tác nhân rủi ro chuẩn. Để làm điều này, họ đã nghiên cứu dữ liệu từ 7.603  người, trong số này 1.213 đã mất trong quá trình theo dõi.

THÔNG SỐ CHUYỂN HÓA TỬ VONG

Từ một danh sách dài các chất chuyển hoá, các nhà nghiên cứu đã sàng lọc ra 14 dấu ấn sinh học độc lập với nhau và liên quan đến tỷ lệ tử vong. Người có nồng độ cao hơn ở một vài trong số 14 dấu ấn sinh học, gồm histidine và leucine và valine, tương quan với tỷ lệ tử vong thấp. Ngược lại, nồng độ thấp hơn các dấu ấn khác – như glucose, lactate và phenylalanine – thì tỉ lệ tử vong cao.

Các nhà khoa học chứng minh rằng kết hợp những dấu ấn sinh học này có thể tiên đoán tỉ lệ tử vong ở cả nam và nữ tốt như nhau. Họ cũng kiểm tra kết quả của họ qua nhiều nhóm có độ tuổi khác nhau, kết luận rằng cả 14 dấu ấu sinh học cho thấy mối tương quan nhất quán với tỉ lệ tử vong qua các nhóm tuổi này.

Các dấu ấn sinh học mà họ xác định được có liên quan đến rất nhiều quá trình trong cơ thể, bao gồm cân bằng dịch và quá trình viêm. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng đã liên kết hầu hết các dấu ấn này với nguy cơ tử vong trong các nghiên cứu trước đây. 

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu chứng minh được sức mạnh tiên đoán của các dấu ấn khi kết hợp vào trong một mô hình. Nghiên cứu này chỉ là bước kế tiếp trên đường để cho ra một xét nghiệm máu khả dụng. Tuy nhiên cũng đủ làm tác giả cảm thấy phấn khích:

“Hệ thống tính điểm dựa trên 14 dấu ấn sinh học này và giới tính giúp khả năng dự đoán nguy cơ được cải thiện khi so với hệ thống tính điểm dựa theo các tác nhân nguy cơ thông thường”.

CHẶNG ĐƯỜNG DÀI PHÍA TRƯỚC

Các tác giả lưu ý những hạn chế nhất định trong nghiên cứu của mình. Ví dụ, họ chỉ có thể phân tích hàng trăm trong số hàng ngàn chất chuyển hóa có trong huyết thanh người.

Nhóm tác giả dự đoán, nhiều chất chuyển hóa hơn có trong những phân tích tương lai sẽ “giúp xác định được nhiều ca tử vong hơn nhờ những dấu ấn sinh học, và do đó, tiên đoán nguy cơ được cải thiện”.

“Hy vọng rằng trong tương lai gần, chúng ta có thể hiểu được các dấu ấn sinh học từ đó có thể được điều chỉnh, có lẽ bằng cách giúp mọi người cải thiện lối sống hoặc thông qua thuốc men, để giảm nguy cơ tử vong trước khi sức khỏe giảm sút nghiêm trọng.” – Đồng tác giả nghiên cứu Tiến sĩ Fotios Drenos

Mặc dù kiểm định thống kê này không phù hợp sử dụng cho cộng đồng chung, nhưng nó có thể cuối cùng tiến triển và đưa vào công chúng như những xét nghiệm di truyền trước đó đã từng.

Có lẽ, trong tương lai, câu hỏi có thể không phải là “Tôi sẽ sống được bao lâu?” mà là, “Tôi có muốn biết hay không?”

Trần Phương Khánh (biên dịch)

Trần Quốc Duy (hiệu đính)

Nguồn:

Tim Newman. Designing a blood test that can predict lifespan. Medical News Today. August 25, 2019.

 Nguồn ảnh: New Atlas

 

 

Ý Kiến Độc Giả:

Nhóm nghiên cứu: