Học Bổng Bốn Phương
Chuẩn bị hồ sơ xin học bổng cao học Mỹ cho các ngành khoa học
- Chi tiết bài viết
- Bài viết liên quan
IBSG xin giới thiệu nguyên văn bài viết của Giáo Sư Trương Nguyện Thành về việc “Chuẩn bị hồ sơ xin học bổng cao học Mỹ cho các ngành Khoa Học”. Bài này đã được GS Trương Nguyện Thành đăng trên Fanpage iVANet, nhưng IBSG đã xin phép GS được đăng lại trên đây để các bạn độc giả của IBSG có thể dễ dàng tìm lại và tham khảo.
Chuẩn Bị Hồ Sơ Xin Học Bổng Cao Học Mỹ Cho Các Ngành Khoa Học
Với VEF đã chấm dứt, việc xin học bổng cao học cho Sinh Viên Việt Nam ngày càng khó hơn. Hôm qua tôi có tư vấn cho một em SV loại giỏi mới ra trường về cơ hội xin học bổng cao học. Tôi nghĩ một số thành viên trẻ trên iVANet cũng muốn biết thêm thông tin này.
Cho các ngành Khoa học thì ngoài những học bổng cho phụ giảng (Teaching Assistant Fellowship) thì các Giáo sư có kinh phí nguyên cứu có (Research Assistant Fellowship) ở mức từ 22-27.000 USD/năm cộng thêm tuition waiver (miễn học phí, trung bình khoảng 20.000 USD/năm), và bảo hiểm sức khỏe. Tổng cộng cũng khoảng 50.000 USD/năm. Do đó cạnh tranh cho các học bổng này rất gắt gao.
Sau hơn 10 năm trong hội đồng xét duyệt hồ sơ xin học bổng cao học cho khoa, tôi xin tóm tắt một vài điểm chính về qui trình cũng như tiêu chuẩn và lý do cho những tiêu chuẩn này.
Hạn nộp hồ sơ cho đa số các trường cao học cho mùa Fall khai giảng là tháng 12 năm trước. Hồ sơ của SV Mỹ được xét trước. Các hồ sơ nước ngoài sẽ được duyệt như nhau và không ưu tiên cho một nước nào. Tiêu chuẩn cho các hồ sơ từ nước ngoài cần phải có.
1. TOFEL score trên (>580 paper, > 95 computer)
2. GRE General và subject scores
3. Điểm trung bình ĐH ( >3.5/4.0) (Bằng MS không yêu cầu)
4. Có kỹ năng nghiên cứu
5. Có đam mê/tham vọng về ngành muốn theo đuổi
6. Có tiềm năng đóng góp cho xã hội
7. Thư giới thiệu
1. Về khả năng tiếng Anh: Điểm thi TOEEL tốt là điều tối thiểu. Tuy nhiên vì các cao học Mỹ khám phá ra điểm này chưa chắc phản ảnh thực tế khả năng tiếng Anh của thí sinh. Nên trước khi quyết định thư ký/thành viên trong hội đồng sẽ gọi ĐT hoặc qua skype để kiểm chứng.
2. Điểm GRE General test cho phép đánh giá khả năng tiếng Anh. Một số trường yêu cầu nhưng không nhất thiết. Cũng như điểm GRE subject cho phép đánh giá kiến thức chuyên môn. Một số trường yêu cầu nhưng không nhất thiết phải có. Không nhất thiết có nghĩa là nếu không có nhưng tiêu chuẩn khác tốt thì cũng không bị loại.
3. Điểm trung bình ĐH >3.5 và bằng MS không yêu cầu. Tất cả các SV khi được vào cao học có bằng MS hay không dều phải bắt đầu lại từ đầu như nhau (chuẩn hóa lại). Nên các trường cao học không yêu cầu phải có bằng MS. Trường cao học không quan trọng là bạn 4.0 hay 3.5. Nếu trên 3.5 chứng tỏ bạn thuộc loại khá đến giỏi và coi là qua được ải này.
4. Kỹ năng nghiên cứu: Các trường cao học có kinh nghiệm hồ sơ từ châu Á có điểm trung bình cao nhưng lại không có khả năng nghiên cứu. Nhiều em năm đầu lấy lớp hạng giỏi nhưng khi nghiên cứu thì không làm được và một năm sau bị loại. Do đó các trường thường yêu cầu hồ sơ phải có ít nhất một bài báo quốc tế. Hồ sơ trong nước thì không yêu cầu vì đa số các SV muốn lên học cao học đều bắt đầu nghiên cứu từ năm thứ 3 nên cho dù không có bài báo nhưng cũng có kinh nghiệm. Hồ sơ từ châu Á cần chứng minh điều này nhất là ở các chương trình cao học có tiếng tăm.
5 và 6: Có đam mê và tiềm năng đóng góp cho xã hội. Điều này lấy ra từ personal statement. Hồ sơ từ châu Á thường sử dụng dịch vụ nên trau chuốt. Hội đồng biết điều này nên các bài personal statement quá bóng bẩy không có tính cá nhân thường không cho là có giá trị thật. Hội đồng muốn biết về con người thật và những tâm tư của thí sinh.
7. Thư giới thiệu: Các GS châu Á thường khen thay vì đánh giá SV do nghĩ rằng tạo cơ hội cho SV đi du học. Hội đồng muốn thấy có sự đánh giá chính xác từ GS về điểm mạnh, điểm yếu, v.v. của thí sinh. Những lá thư chỉ khen và dùng từ hoa mỹ thường không có giá trị và Hội đồng coi thoáng rồi bỏ qua một bên. Những lá thư này không có tác dụng gì cho quyết định của Hội đồng.
Mỗi hồ sơ hội đủ tiêu chuẩn tối thiểu sau khi lọc qua bởi thư ký hội đồng sẽ được đánh giá bởi 3 người trong hội đồng. Nếu là 3 (yes, admit him/her) thì hồ sơ sẽ được vào vòng chót. Nếu là 2 yes, 1 no thì sẽ có thảo luận khi họp hội đồng. Còn nếu 3 No thì coi như bị loại ra.
Từ qui trình và tiêu chuẩn xét duyệt này các bạn nên đánh giá bản thân và nên đầu tư vào những điểm nào mà mình thấy yếu.
Chúc các bạn thành công trên con đường đi tìm giấc mơ.”
IBSG hy vọng những thông tin hữu ích trên đây của GS Trương Nguyện Thành có thể giúp cho nhiều bạn vững tin và có sự chuẩn bị tốt để đạt được những học bổng cao vào những trường danh tiếng của Mỹ nhé.