Lịch Sử Khoa Học
Sơ lược lịch sử bệnh ung thư
- Chi tiết bài viết
- Bài viết liên quan
Ngày nay, ung thư đang trở thành một trong những căn bệnh nguy hiểm và là một trong những nguy cơ tử vong hàng đầu ở các nước. Để cung cấp một cái nhìn tổng quan về lịch sử bệnh ung thư, IBSG xin mạn phép lược dịch một bài viết của Lecia Bushak đăng trên báo điện tử medicaldaily.com ngày 25.6.2015.
Thời Cổ Đại
Ghi chép sớm nhất về một ca bệnh ung thư mà con người biết được là cách đây 1500-3000 năm trước công nguyên (TCN) trong tập sách giấy cuộn Edwin Smith Papyrus. Tập sách cuộn này là một phần trong cuốn sách giáo khoa Ai Cập cổ đại về phẫu thuật và y học. Tài liệu này miêu tả 8 khối u vú (breast tumor) được loại bỏ bằng kỹ thuật đốt (cauterization) với các dụng cụ thời cổ đại. Các tác giả Ai Cập cổ ghi chép rằng: “Không hề có cách điều trị nào” cho căn bệnh này.
Mãi đến năm 400 TCN thì căn bệnh mới được đề xuất một danh xưng. Người ta cho rằng Hippocrates, một danh y người Hy Lạp, là người đầu tiên dùng thuật ngữ “carcinos” hoặc “carcinoma” khi thảo luận về các khối u. Trong tiếng Hy Lạp, “carcinos” có nghĩa là con cua. Một cách tương xứng, với những cái càng cua dang rộng ra, thuật ngữ này đã bao quát một cách hiệu quả sự phát tán của ung thư.
Vào thời đó, Hippocrates và các danh y thời Hy Lạp cổ tin vào học thuyết thể dịch (humoral theory hoặc humorism). Theo đó, cơ thể người chứa 4 yếu tố then chốt, hay 4 thể dịch (humor), bao gồm máu (blood), đờm (phlegm), mật vàng (yellow bile), và mật đen (black bile). Theo họ, bệnh tật là do sự dư thừa của một trong các thể dịch này. Theo khảo cứu về lịch sử y học của Akulapalli Sudhakar, quan niệm này tồn tại từ thời cổ đại cho đến tận thời Trung Cổ (The Middle Ages). Do đó, thời cổ đại ung thư được xem là một rối loạn thể dịch, và phương pháp điều trị chủ yếu là chế độ ăn uống hoặc rút bớt máu ra khỏi cơ thể (blood-letting). Tuy nhiên, những nỗ lực này không đem lại thành công nào.
Thời Trung Cổ Cho Tới Thời Phục Hưng
Điều trị ung thư bằng các thủ thuật thể dịch được duy trì mãi đến tận thời Trung Cổ, là thời kỳ mà thông tin bị giới hạn và tử thiết (tức mổ cơ thể người chết) bị cấm vì các lý do tôn giáo. Kết quả là suốt một thời kỳ dài sự phát triển của nghiên cứu ung thư và cách điều trị bị đình trệ rất lớn.
Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều học thuyết mới ra đời nhằm thay thế học thuyết thể dịch (mà những học thuyết này cũng rất kỳ quái theo góc nhìn của khoa học hiện đại). Một trong số đó cho rằng bạch huyết (lymph), thời đó người ta tin rằng bạch huyết là một thể dịch quan trọng duy trì sự sống của cơ thể, bị thoái hóa và thay đổi tính acid và tính kiềm. Phải vài trăm năm sau thì tế bào mới được khám phá, do đó mà các học thuyết giải thích về ung thư thay đổi từ dịch bạch huyết acid hóa, các cục sữa đông (trong khối u vú) cho tới các chất độc. Một số bác sỹ còn tin rằng ung thư là một bệnh truyền nhiễm do một loại ký sinh trùng nào đó.
Mãi cho tới thời kỳ Phục Hưng thì ý tưởng về thể dịch lại được xem xét lại. Tuy nhiên, phương pháp điều trị ung thư chủ yếu là phẫu thuật loại bỏ các khối u bề mặt nếu có khả dĩ.
Năm 1655, nhà triết học tư nhiên người Anh Robert Hooke khám phá ra các tế bào khi quan sát nút bần được cắt mỏng dưới kính hiển vi tự chế. Các tế bào này đều là các tế bào thực vật đã chết. Phải gần 200 năm sau thì các nhà khoa học mới khám phá ra cách thức mà các tế bào tạo nên cấu trức động thực vật.
Năm 1775, bác sỹ phẫu thuật người Anh Percivall Pott là người đầu tiên chỉ ra một nguyên nhân môi trường của ung thư, đó là các chất sinh ung thư (carcinogen) trong bồ hóng của ống khói (chimney soot). Những người thợ quét ống khói, vốn là những người suốt ngày tiếp xúc với bồ hóng, có tỉ lệ hiện mắc (prevalence) ung thư tinh hoàn (scrotum cancer) cao hơn nhiều so với dân số chung. Nhưng mãi tới khi nhà sinh vật học người Đức, Ngài Rudolf Virchow, đã tạo nên một bước nhảy vọt trong nghiên cứu khi kết nối bệnh học vi mô với ung thư (và khám phá ra rằng các tế bào ung thư là do đột biến hoặc sai lệch từ các tế bào khỏe mạnh bình thường). Lúc này thì thời kỳ hiện đại về ung thư mới thực sự bắt đầu.
Thời Hiện Đại
Năm 1902, nhà động vật học Theodor Boveri đã khám phá ra nền tảng di truyền cơ bản của ung thư: các nhiễm sắc thể bị đột biến có thể làm các tế bào tăng trưởng và phân chia không giới hạn, và các tế bào ung thư có liên hệ đến các đột biến di truyền, bức xạ, hóa chất, hoặc chất sinh bệnh.
Trong suốt những năm 1900, các nhà khoa học ngày càng tìm ra thêm nhiều yếu tố môi trường hay độc tố gây ung thư như aniline, hắc in than (coal tar), hay mi-ăng (asbestos). Thêm nữa, người ta khám phá ra một số bệnh truyền nhiễm hay virus (như viêm gan B, C, virus Epstein-Barr, HIV, hay HPV) đều có liên hệ cao với một số ung thư như Kaposi sarcoma, non-Hodgkin lymphoma, và ung thư cổ tử cung.
Trong giai đoạn 1930-40, một trong những nguyên nhân lớn gây ung thư là khói thuốc lá, nhưng phải mất một thời gian rất lâu và những cuộc chiến kịch liệt chống lại các công ty thuốc lá và các quảng cáo của họ mới có thể phổ biến kiến thức tới người dân.
Khi con người hiểu nhiều hơn về cơ chế bệnh sinh của ung thư, phẫu thuật không còn là một phương pháp điều trị duy nhất. Bức xạ, được khám phá bởi Marie Curie và chồng bà, trở thành một phương pháp điều trị ung thư phi phẫu thuật. Pap smear trở thành xét nghiệm tầm soát ung thư đầu tiên cũng như các kỹ thuật chụp hình tuyến vú (mammographies) vào thập niên 1960s.
Tiếp đó, hóa trị liệu (chemotherapy) ra đời. Một cách thú vị, cái mà ngày nay đã trở thành một ngành công nghiệp tỉ đô lại có nguồn gốc từ các cuộc chiến tranh hóa học trong thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến. Các khí ga mù tạt được dùng để giết các chiến binh trong chiến tranh, nhưng hóa chất này cũng chứa đựng những tiềm năng để phát triển hóa trị liệu. Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đã đề nghị hai nhà dược lý học tại Đại Học Yale nghiên cứu cơ chế vì sao mù tạt nitơ lại có tiềm năng chống lại ung thư và một số căn bệnh khác. Từ đó, hai người này trở thành những người đầu tiên tìm thấy nhiều hóa chất khác có thể dùng điều trị ung thư. Năm 1965, các bác sỹ bắt đầu sử dụng hóa trị liệu kết hợp (combination chemotherapy) vì các tế bào ung thư sẽ khó kháng lại nhiều thuốc kết hợp.
Năm 1971, Đạo Luật Ung Thư Quốc Gia (Hoa Kỳ) chính thức khởi động cuộc chiến tranh ung thư toàn quốc với mục tiêu nâng cao các nghiên cứu ung thư và điều trị bằng cách tăng cường sức mạnh của Viện Ung Thư Quốc Gia (Hoa Kỳ).
Từ đó, các nghiên cứu ung thư tăng trưởng thần tốc và quan trọng, với nhiều hướng tiếp cận mới như miễn dịch trị liệu (immunotherapy), đột biến gen, công nghệ nano và vận chuyển thuốc tới các tế bào ung thư ở mức độ vi mô, và các phương pháp mới trong việc tầm soát ung thư.
Cuộc chiến ung thư và lịch sử phát triển mới của nghiên cứu ung thư sẽ được viết tiếp trong thế kỷ XXI này. Chúng ta hãy cùng hy vọng vào một viễn cảnh tươi sáng của khoa học.
Huy Vũ
Đăng lần đầu ngày 25.06.2015
Nguồn hình: Medical Daily