Di Truyền Học
Tại sao một số người có thể miễn nhiễm với HIV-1
- Chi tiết bài viết
- Bài viết liên quan
Từ lâu, giới y học vẫn chưa tìm được lời giải cho câu hỏi vì sao virus HIV-1 có thể dễ dàng gây bệnh ở một số người trong khi ở một số khác lại gặp nhiều khó khăn. Một nghiên cứu gần đây về biến dị di truyền (genetic variation) ở HIV-1 và ở các tế bào bị lây nhiễm được thực hiện bởi cácnhà nghiên cứu thuộc Đại Học Minnesota, đăng trên tạp chí PLOS Genetics đã chỉ ra một khe hở trong lớp vỏ bảo vệ của HIV-1 có thể giúp giải thích một phần nào đó sự khác biệt khó hiểu này và mở ra các hướng điều trị mới.
HIV-1 gây tổn hại cho cơ thể bằng cách phá huỷ các tế bào miễn dịch (tế bào lympho T), chúng chiếm quyền kiểm soát bộ máy phân tử của các tế bào này để tạo ra nhiều virus hơn rồi phá huỷ các tế bào chủ dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch, khiến cho người bị nhiễm virus dễ mắc các bệnh hiểm nghèo khác. Tuy nhiên, các tế bào lympho T không hoàn toàn đầu hàng trước virus HIV-1. Chúng có một loại protein có tên APOBEC3S – là một DNA cytidine deaminase, thuộc về các protein họ APOBEC có hoạt tính kháng virus, chống lại HIV-1 và virus gây bệnh nhiễm trùng khác và nó có khả năng ngăn chặn khả năng tái tạo của HIV-1. Và cũng không có gì ngạc nhiên khi HIV-1 cũng đáp trả lại protein này bằng cách sản sinh ra Vif – protein có khả năng điều khiển các tế bào lympho T quay ngược lại phá huỷ APOBEC3 của chính mình.
Nghi ngờ rằng tính nhạy cảm (susceptibility) với HIV-1 khác nhau có liên quan tới các biến dị di truyền trong hệ thống này, một nhóm nghiên cứu được dẫn đầu bởi hai nghiên cứu sinh (doctoral student) Refsland và Reuben Harris đến từ Trường Khoa Học Sinh Học và Trường Y Khoa của Đại Học đã xem xét lại kĩ hơn vấn đề này. Trước tiên, họ nhận thấy rằng sự lây nhiễm HIV-1 thúc đẩy sự sản sinh một loại protein thuộc họ APOBEC3 là APOBEC3H, và chính sự thúc đẩy này gợi ý rằng đây là yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống lại HIV. Sau đó, bằng việc sử dụng một kĩ thuật thử nghiệm được gọi là phân tách sự hình thành đột biến chức năng (separation of function mutagenesis), họ khám phá ra rằng những người khác nhau có những điểm mạnh/hiệu lực (potency) của APOBEC3H khác nhau. Cụ thể với một số người protein này biểu hiện ổn định, còn những người khác vốn đã không ổn định. Các nhà nghiên cứu đã tìm ra rằng những cá nhân sở hữu APOBEC3H biểu hiện ổn định có thể hạn chế việc sao chép của HIV-1 nếu virus truyền nhiễm có một phiên bản Vif yếu, ngược lại với những virus HIV-1 có Vif mạnh thì không thể.
Refsland cho biết: “Công trình này cho thấy sự cạnh tranh giữa virus và vật chủ vẫn đang diễn ra” và “Virus này vẫn chưa hoàn thiện đầy đủ khả năng sao chép của nó ở người.”
Sau khi đã có những hình ảnh rõ hơn về sự tương tác nhiều mặt giữa VIf và APOBEC3 này, Harris cho biết bước tiếp theo là tìm ra cách ngăn không cho Vif vô hiệu hoá các enzyme APOBEC3. “Người ta có thể nghĩ ra các loại thuốc có khả năng ngăn chặn Vif đính vào APOBEC3. Đây là cách tiêu diệt HIV thiết thực nhất, chúng ta chỉ cần tìm ra cách để kích hoạt nó ở những người bị nhiễm. Cách tiếp cận này có thể ức chê vô thời hạn sự sao chép của vi rút và thậm chí là chữa khỏi HIV”.
Phương Thanh (chuyển ngữ)
Bài báo:
- Shandilya SM, et al, “Crystal structure of the APOBEC3G catalytic domain reveals potential oligomerization interfaces”. Structure. 18 (1): 28 38.doi:10.1016/j.str.2009.10.016. PMC 2913127. PMID 20152150.
- University of Minnesota. “Why some people may be immune to HIV-1: Clues.” ScienceDaily. ScienceDaily, 20 November 2014.
Xin mời Quý Độc Giả bỏ ra 2-5 phút để làm một khảo sát mức độ hài lòng về bài viết của IBSG tại đây. IBSG chân thành cảm ơn Quý Độc Giả.