Học bổng Fulbright

  • Chi tiết bài viết
  • Bài viết liên quan
Rate this post

GIỚI THIỆU

Được thành lập vào năm 1946 dưới sự tài trợ của chính phủ Mỹ. Hướng tới mục tiêu đạt được sự hiểu biết lẫn nhau thông qua trao đổi văn hóa và học thuật.

Fulbright là học bổng danh giá, có tính cạnh tranh cao, chương trình tuyển chọn cá nhân xuất sắc cho bậc thạc sĩ theo học tại Mỹ. Do đó chỉ cần có gắn ’’mác‘’ Fulbrighter trong CV cũng đủ làm bạn nổi bật trước nhà tuyển dụng sau này. Tuy chương trình Fulbright khuyến khích các ngành khoa học xã hội và nhân văn như Hoa Kỳ học, giáo dục, truyền thông, báo chí, quan hệ quốc tế, công tác xã hội, giảng dạy tiếng Anh, nghiên cứu về giới và phụ nữ… nhưng các bạn ngành Khoa học tự nhiên cũng có thể ứng tuyển một số ngành như môi trường học hay y tế công cộng.

Hằng năm có đến 20 – 25 suất dành cho sinh viên Việt Nam. Từ năm 1992, Việt Nam có hơn 500 sinh viên được chọn tham gia vào Chương trình. Năm chương trình chính nằm trong học bổng Fulbright được khai triển tại Việt Nam gồm:

1. Chương trình Trao đổi Học giả Hoa Kỳ
2. Chương trình Trao đổi Học giả Việt Nam
3. Chương trình Trao đổi Sinh viên Hoa Kỳ
4. Chương trình Trao đổi Sinh viên Việt Nam
5. Chương trình Giảng dạy Kinh tế tại Thành phố Hồ Chí Minh

Phòng Thông tin-Văn hóa Hoa Kỳ tại Hà Nội nắm quyền điều hành toàn bộ năm thành phần của chương trình trên.

HỌC BỔNG SẼ CUNG CẤP NHỮNG GÌ?

Ứng viên xuất sắc được chọn theo học Master (Thạc sĩ từ 1-2 năm tùy vào từng trường và ngành khác nhau) sẽ nhận học bổng toàn phần bao gồm (1) học phí, (2) các chi phí phát sinh kèm theo, (3) trợ cấp hàng tháng, (4) tiền vé máy bay khứ hồi tới Hoa Kỳ và (5) bảo hiểm y tế.

NHỮNG NGÀNH ĐƯỢC CẤP HỌC BỔNG

• Môi trường học (Environmental Studies)
• Tâm lý học (Psychology)
• Y tế cộng đồng (Public Health)
• Văn học Mỹ (American Literature)
• Giáo dục (Education)
• Quản lý dự án/chương trình (Project/Program Management)
• Hoa Kỳ học (American Studies)
• Kinh tế nông nghiệp (Agricultural Economics)
• Quản lý công nghệ thông tin/ Hệ thống thông tin (Management of IT/Information system)
• Hành chính công (Public Administration)
• Nhân chủng học (Anthropology)
• Báo chí (Journalism)
• Chính sách công (Public Policy)
• Kiến trúc (Arrchitecture)
• Ngôn ngữ/văn chương (ngoài Mỹ) (Language/Literature (non-U.S)
• Nghệ thuật/Điện ảnh học (Art/Film Studies)
• Luật (Law)
• Social Work (Công tác Xã hội)
• Thương mại (mọi lĩnh vực) (Business (all fields)
• Library Science (Khoa học về Thư viện)
• Xã hội học (Sociology)
• Truyền thông (Communications)
• Đào tạo Ngôn ngữ (Linguistics/Language Teaching)
• Đô thị/ Quy hoạch (Urban/Community Planning)
• Phát triển học (Development Studies)
• Triết học (Philosophy)
• Phụ nữ/giới tính học (Women/Gender Studies)
• Kinh tế học (Economics)
• Khoa học chính trị (Political Science)

THÔNG TIN CHO VIỆC NỘP ĐƠN XÉT TUYỂN

THÔNG TIN ĐIỀU KIỆN
A. ĐỐI TƯỢNG NỘP ĐƠN
  • Là công dân Việt Nam (không sở hữu 2 quốc tịch)
  • Không giới hạn độ tuổi.
  • Không phân biệt ứng viên làm cho nhà nước hay tư nhân.

Nói chung, về điều kiện tuyển chọn, học bổng Fulbright dựa trên năng lực cá nhân

B. ĐIỀU KIỆN NỘP ĐƠN
  • Có ít nhất một bằng đại học
  • Ít nhất 2 năm kinh nghiệm (sau khi tốt nghiệp đại học)
  • TOEFL iBT 79 hoặc IELTS 6.5
C. HỒ SƠ BAO GỒM
  • Hồ sơ cá nhân (Curriculum Vitae)
  • Đơn xin học bổng (Application form, theo mẫu của trường)
  • 2 bài luận (study objectives and personal statement)
  • 3 thư giới thiệu (letters of recommendation)
  • Bảng điểm TOEFL iBT (75) hoặc IELTS (6.5)
  • Bảng điểm và bằng cấp (kèm theo bản dịch tiếng anh có công chứng)
D. THỜI HẠN NỘP ĐƠN Khoảng từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 4 hàng năm

CÁCH CHỌN TRƯỜNG TRONG HỌC BỔNG FULBRIGHT

Có khoảng 4.500 trường đại học và cao đẳng được công nhận trong danh sách của Fulbright trên toàn nước Mỹ cho bạn chọn lựa. Yêu cầu của mỗi trường cũng rất đa dạng (từ việc thi đầu vào đến điểm GPA, kinh nghiệm làm việc… ). Yêu cầu rất khác nhau không chỉ giữa các trường mà còn trong các ngành bạn định thi vào.

Viện giáo dục quốc tế (IIE – Institute of International Education) sẽ lựa chọn những trường có hỗ trợ tài chính và trợ giúp sinh viên nhập học tốt nhất, đồng thời đáp ứng yêu cầu học tập của bạn. IIE sẽ nộp đơn xin học của bạn vào 4 trường với 4 mức độ cạnh tranh khác nhau.

Chú ý: Người chọn trường không phải các bạn đâu nhé !!!

A. Qúa trình chọn trường, nộp đơn, xét duyệt, nhận học bổng, và cách IIE chọn trường cho bạn:

Khi lên kế hoạch 4 trường ứng tuyển, IIE sẽ cho cả trường bạn muốn theo học vào danh sách. IIE sẽ cân nhắc mục tiêu học tập của bạn và khả năng cạnh tranh của bạn so với các đơn xin học khác trong cùng ngành học tại trường đó.Tuy nhiên nếu hồ sơ xin học của bạn không đủ năng lực cạnh tranh vào trường bạn thích, IIE có quyền lựa chọn trường khác. Những câu hỏi IIE đặt ra để chọn trường cho bạn:

• Chương trình học mạnh về học thuật hay thực hành? Có đáp ứng được các yêu cầu chuyên ngành và yêu cầu cá nhân bạn trong đơn xin học?
• Những môn học nào được đưa vào giảng dạy và độ linh hoạt của khóa học? (Chẳng hạn bạn có được theo học chương trình liên ngành hoặc đăng ký môn học ngoài chuyên ngành hay không?)
• Bao nhiêu học sinh cùng đến từ một quốc gia, cùng lựa chọn một lĩnh vực đăng ký vào chương trình này? (IIE không muốn các ứng viên học bổng Fulbright tập trung tại một trường, một ngành học)
• Những ý kiến phản hồi IIE nhận được từ cựu du học sinh đã theo học tại trường/ khóa học đó……
• Khả năng của bạn có đủ để theo học tại khóa học không?
• Yêu cầu đầu vào của chương trình học (TOEFL, GRE/GMAT, GPA, Kinh nghiệm làm việc) (việc đạt yêu cầu đầu vào tối thiếu của chương trình học không đảm bảo bạn được nhận vào các chương trình học tốt và chất lượng).

Từ đó, IIE sẽ quyết định việc chọn trường và thay mặt bạn nộp đơn cho 4 trường đại học, bao gồm:

• “Safety”: 1 Trường có độ cạnh tranh thấp để bạn có khả năng được nhận cao
• “Stretch”: 1 Trường có độ cạnh tranh rất cao và danh tiếng, có khả năng khước từ đơn xin học của bạn, nhưng rất đáng để thử.
• “Middle”: 2 Trường ở mức độ vừa phải, có chương trình học phù hợp với mục tiêu của bạn và Fulbright.

Nếu đã lựa chọn được trường đại học, bạn cần gửi thư giải trình chi tiết đến IIE trước ngày 9 tháng 10 hàng năm, nêu rõ lý do tại sao bạn muốn nộp đơn xin học theo nguyện vọng của mình.

Chú ý: Những lý do chung chung không được chấp nhận trong thư giải trình như: Trường có chương trình phù hợp với mục tiêu và nguyện vọng bản thân, trường nằm ở vị trí có khí hậu đẹp.

Tiếp đến: IIE sẽ gửi hồ sơ của bạn cho danh sách 4 trường đại học, cùng với một lá thư với nội dung thông báo bạn là ứng viên cho chương trình học bổng danh giá Fullbright. Trong thư nhấn mạnh những phẩm chất đặc biệt, thế mạnh của bạn, thông tin về hệ thống giáo dục Việt Nam.

Trong quá trình trường duyệt hồ sơ, IIE tích cực liên hệ, cung cấp thông tin cho nhà trường, lên kế hoạch phỏng vấn qua điện thoại với văn phòng tuyển sinh. IIE sẽ theo dõi, giám sát và quản lý hồ sơ của bạn để gia tăng hết mức có thể khả năng được nhận và mức hỗ trợ tài chính cho bạn.

Chú ý: Trong quá trình duyệt hồ sơ, bạn có thể được yêu cầu nộp thêm bài luận hoặc một số giấy tờ cần thiết bổ sung cho hồ sơ của mình.

Cuối cùng, khi nhận được quyết định cuối cùng của bộ phận tuyển sinh trường đại học, IIE làm việc với ban quản lý chương trình Fulbright Việt Nam, cân nhắc chương trình thỏa mãn tiêu chí chọn trường của bạn lẫn Fulbright Việt Nam.

Fulbright mong muốn sự đa dạng về vị trí địa lý và trường học (điều này đồng nghĩa với việc hồ sơ của các ứng viên không được tập trung vào 1 trường/1 khu vực địa lý). Một khi lựa chọn trong kế hoạch nộp đơn của bạn được chấp nhận, IIE sẽ rút tất cả các đơn xin học tại các trường còn lại trong kế hoạch nộp hồ sơ. Chương trình Fullbright tại Việt Nam khi đó sẽ thông báo cho bạn quyết định cuối cùng về việc chọn trường, thông thường vào khoảng đầu hoặc giữa tháng 5.

Sau khi các lựa chọn trường được chính thức công bố, IIE sẽ gửi thông tin liên lạc của trường và toàn bộ tài liệu từ trường đại học, chẳng hạn giấy nhập học, hướng dẫn chọn nhà ở, điều khoản học bổng (trợ cấp hàng tháng, ngày hết hạn học bổng) tới chương trình Fullbright Việt Nam.

B. Khung thời gian cho việc bạn chọn trường:

Tháng 10: IIE nhận hồ sơ đăng ký
Tháng 11 – tháng 12: Văn phòng IIE nghiên cứu và nộp đơn xin học
Tháng 3 – tháng 5: Các trường đại học nhận được đơn xin học sẽ ra quyết định
Tháng 4 – tháng 6: Việc lựa chọn trường đi đến quyết định cuối cùng và được thông báo cho các ứng viên nhận được học bổng.

KINH NGHIỆM CHO BUỔI PHỎNG CỦA HỌC BỔNG FULBRIGHT

Sau khi vượt qua vòng xét duyệt hồ sơ là bạn đã đi được 1/3 quãng đường, tiếp đến bạn sẽ có 1 buổi phỏng vấn để ban lãnh đạo quyết định chọn bạn là ứng viên xuất sắc nhận được học bổng. Một số kinh nghiệm của buổi phỏng vấn được tổng hợp như sau:

A. Biết mục đích của buổi phỏng vấn:

Ban lãnh đạo học bổng Fulbright sẽ hiểu bạn hơn qua buổi phỏng vấn. Đây là cơ hội cho bạn thể hiện năng lực, cá tính bản thân, những điều bạn chưa có cơ hội thể hiện trong vòng hồ sơ. Để chuẩn bị cho kỳ phỏng vấn, dù viết giỏi thế nào, bạn cũng nên rèn thêm: cách trình bày ngắn ngọn, súc tích, dễ hiểu và đi thẳng vào vấn đề.

B. Địa điểm phỏng vấn

Gồm có 2 địa điểm:
(1) Khách sạn Daewoo – Hà Nội
(2) Khách sạn New World – Sài Gòn

C. Biết về ban phỏng vấn

Gồm (1) 2 người đến từ Đại sứ quán Mỹ, (2) một cựu Fulbrighter, một giáo sư, hay giám đốc chương trình Fulbright

Chú ý:

– Người phỏng vấn có thể là những người không c chuyên môn nên bạn hãy cố gắng trình bày ngắn gọn xúc tích như cố gắng mô tả nghiên cứu chuyên ngành của bạn cho người ngoài ngành.
– Buổi phỏng vấn tất cả đều sử dụng Tiếng Anh
– Nhìn chung người phỏng vấn đều thân thiện, nhưng đôi khi họ thử thách khả năng tranh luận cũng như cách bảo vệ lý tưởng của bạn. Do đó, bạn cần thể hiện quan điểm của bản thân và giữ vững chính kiến của mình, kèm theo một thái độ bình tĩnh.

D. Những điều cần chuẩn bị cho buổi phỏng vấn

– Tìm hiểu kỹ về học bổng Fulbright: đây là 1 điều hết sức căn bản, cũng giống như bạn đi xin việc ở công ty mà không biết chút gì về công ty ấy thì sẽ không thể thu hút nhà tuyển dụng ngay từ đầu buổi phỏng vấn và nó sẽ ảnh hưởng đến kết quả của bạn. Vì mục đích của học bổng Fulbright là thúc đẩy trao đổi văn hóa và giáo dục giữa 2 quốc gia, vậy bạn làm gì để giúp Fulbright đạt được sứ mệnh cao cả đó?

– Đọc kỹ lại hồ sơ của mình: người phỏng vấn sẽ xoáy sâu vào CV và bài luận của bạn. Ngoài ra, bạn cũng nên cập nhật tình hình thực tế liên quan đến ngành học và kiến thức xã hội.

– Trang phục khi đi phỏng vấn: tuy là điều đơn giản nhưng đây là 55% ấn tượng ban đầu quyết định thành công của buổi phỏng vấn nhé.

Nam: sơ mi, quần và giày âu, đầu tóc gọn gàng. Bạn có thể khoác thêm vest

Nữ: ăn mặc nhẹ nhàng, kín đáo sẽ gây ấn tượng và thiện cảm với người đối diện.

E. Khi phỏng vấn

– Không đến muộn, không gây sức ép cho bản thân làm bối rối, lo lắng khiến bạn không đủ tỉnh táo để trả lời tốt trong buổi phỏng vấn.
– Nên tắt hết thiết bị gây nhiễu buổi phỏng vấn.
– Giọng nói nhẹ nhàng, từ tốn do Fulbright không chấm giọng của bạn; cố gắng chậm rãi, mạnh lạc để đạt được mục tiêu giao tiếp.
– Trong buổi phỏng vấn, sẽ có những câu hỏi mang tính ‘’nhạy cảm’’, thể hiện quan điểm cá nhân. Với dạng câu hỏi này, bạn nên giữ thái độ trung dung, chừng mực, cố gắng trả lời khéo như 1 nhà ngoại giao thực thụ. Bạn hãy ghi nhớ điều này, nhiều khi không phải cứ trả lời thẳng vào vấn đề mới là cách tốt nhất để gây ấn tượng.
– Kiểm soát nội dung trả lời
– Đặt câu hỏi cho người phỏng vấn nếu bạn bị hỏi mà không rõ, hãy thành thật và bày tỏ thái độ muốn học hỏi ý kiến của người phỏng vấn, từ đó chia sẻ quan điểm của bản thân bạn
Thường cuối buổi, khi được quyền đặt câu hỏi cho người phỏng vấn, đây là giây phút bạn có thể gây thiện cảm và kéo dài nếu thời gian phỏng vấn quá ngắn. Hãy đặt câu hỏi mở, tạo hứng thú, gắn với sở thích, lập trường của người phỏng vấn để họ sẽ chia sẻ với bạn lâu hơn.

Viết bài: Nguyễn Thụy Trà My

Biên Tập: Vũ Đình Chất

Tài liệu tham khảo:

  1. Học bổng thạc sĩ toàn phần Fulbright 2017-2018. GLN International Education.
  2. Lựa chọn trường đại học (University Placement) trong học bổng Fulbright. Hotcourses Vietnam.
  3. Chia sẻ kinh nghiệm phỏng vấn Fulbright. Hotcourses Vietnam.
  4. Kinh nghiệm xin thử giới thiệu học bổng Fulbright. Hotcourses Vietnam.
  5. Booklets: Grants for Master’s study programs in the United States Application Guidelines.
  6. Booklets: FULBRIGHT VIETNAMESE STUDENT PROGRAM ACADEMIC FIELDS OF STUDY

Xin mời Quý Độc Giả bỏ ra 2-5 phút để làm một khảo sát mức độ hài lòng về bài viết của IBSG tại đây. IBSG chân thành cảm ơn Quý Độc Giả!

Ý Kiến Độc Giả:

Nhóm nghiên cứu: