Tác giả rút lại nghiên cứu gây tranh cãi về chỉnh sửa gen bằng kĩ thuật NgAgo

  • Chi tiết bài viết
  • Bài viết liên quan
Rate this post

Sau nhiều thất bại trong việc lặp lại thí nghiệm, nhóm tác giả công trình nghiên cứu gây nhiều tranh cãi NgAgo đã quyết định xin rút bài báo này khỏi tạp chí Nature Biotechnology. 

Trên ấn bản Nature Biotechnology vào tháng 5/2016, một nhóm tác giả Trung Quốc đã công bố một kết quả nghiên cứu hết sức hấp dẫn về một kỹ thuật chỉnh sửa gen mới có tiềm năng cạnh tranh với kỹ thuật CRISPR-Cas 9 vốn đang làm mưa làm gió trên khắp các lĩnh vực sinh học, kỹ thuật NgAgo. Kỹ thuật này sử dụng enzym NgAgo để chỉnh sửa gen trên tế bào người, hứa hẹn những ưu điểm như đa dạng và linh hoạt hơn cả hệ thống CRIRPS-Cas 9. Tuy nhiên, sau hàng loạt những nỗ lực lập lại kết quả trên từ khắp nơi trên thế giới bị thất bại, nhóm tác giả đã tuyên bố rút lại nghiên cứu của mình vào ngày 2 tháng 8, 2017.

Argonautes là một họ enzym, bao gồm enzym NgAgo. Nguồn: Laguna Design/SPL

Đứng đầu nhóm nghiên cứu là Han Chuynu, một nhà nghiên cứu sinh học phân tử làm việc tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hebei ở thành phố Thạch Gia Trang. Ông trở nên nổi tiếng tại Trung Quốc sau khi đăng tải bài báo về NgAgo nói trên. Tuy nhiên, chỉ trong vài tháng, các phương tiện truyền thông bắt đầu nghi ngờ kết quả bài báo của ông cùng nhóm nghiên cứu khi có nhiều nhà khoa học lên tiếng cho rằng họ không thể lập lại được kết quả nghiên cứu trên. Những nghi ngờ ngày càng được củng cố thêm qua một loạt các bài báo, khẳng định enzym NgAgo không thể thực hiện sửa chữa di truyền như đã được nhóm nghiên cứu công bố.

Trước đây, trong một vài dịp gặp nhóm Nature News, Han cho biết đã xác định được một chất hóa học có thể là nguyên nhân tại sao ông và nhiều nhà khoa học khác đã không thể lập lại kết quả nghiên cứu trước đó về NgAgo. Vào tháng 6-2017, ông nói rằng công việc sẽ hoàn thành trong hai tháng và sẽ có công bố sớm nhất ngay sau đó.

Liên quan đến nghiên cứu về NgAgo, công ty sản xuất enzym Novozymes của Đan Mạch đã trả cho trường đại học Hebei một khoản tiền không được tiết lộ như một phần của thỏa thuận hợp tác. Dongyi Chen, quản lý đối ngoại của Novozymes tại Bắc Kinh, nói với nhóm Nature News vào tháng một năm nay: “Chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm công nghệ NgAgo và nhận thấy nó có khả năng sẽ hiệu quả, nhưng nó vẫn đang trong gia đoạn phát triển và vẫn cần tiến hành nhiều việc khác trước khi chúng tôi có thể xác định NgAgo có phù hợp không.” (Nature News là nhóm độc lập về mặt biên tập của tạp chí Nature Biotechnology)

Trước thông tin rút lại nghiên cứu, Chen khẳng định phía công ty muốn “tiếp tục khám phá hiệu quả của công nghệ chỉnh sửa gen NgAgo. Dù vậy, cho đến nay chưa có một cải tiến rõ ràng nào được theo dõi”. Chen bổ sung trong trả lời của mình: “Nghiên cứu khoa học cần nhiều thời gian và chúng tôi sẽ không dừng lại việc tìm kiếm sự tiến bộ trong công nghệ, bao gồm NgAgo, điều này có thể đem lại những ảnh hưởng tích cực đến công việc của chúng tôi”. Việc rút lại nghiên cứu này đặt ra vấn đề cho tương lai của trung tâm chỉnh sửa gen, mà trường Đại học Hebei đã có kế hoạch xây dựng với 32 triệu đô la. Hiện nhóm Nature News đã không thể liên hệ được với Han và trường đại học để đưa ra bình luận về vấn đề này. Trong phát ngôn rút lại nghiên cứu của mình, nhóm của Han viết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra lý do không thể thực hiện lại nghiên cứu này với mục đích cung cấp một giao thức tối ưu hơn.”.

Tuy nhiên, Gaetan Burgio, một nhà sinh học tại đại học quốc gia Úc,  một trong những nhà khoa học đầu tiên phấn khởi về NgAgo nhưng sau đó cũng thất bại trong việc lập lại kết quả của nhóm Han, cho rằng sẽ dừng nghiên cứu liên quan đến NgAgo: “Tôi nghĩ câu chuyện này đã đến lúc kết thúc tại đây.”

Đào Thị Hồng Nhung (chuyển ngữ)

Bài báo:

Cyranoski, David. “Authors retract controversial NgAgo gene-editing study.” Nature News.

Nguồn hình cover: Chemistry World

Ý Kiến Độc Giả:

Nhóm nghiên cứu: