Kỹ Nghệ Mô
Y học tái tạo – Chữa bệnh không dùng hóa chất: Phải chăng giao điểm giữa y học phương Đông và y học phương Tây tại điểm cao mới?
- Chi tiết bài viết
- Bài viết liên quan
Y Học Phương Đông (YHPĐ) có lịch sử hơn 5000 năm được biết đến với việc sử dụng các phương pháp và các thuốc có nguồn gốc thiên nhiên để chữa bệnh và tăng cường sức khỏe. Các phương pháp từ khí công, châm cứu, bấm huyệt, tới sử dụng cây/con thuốc như gừng, nghệ, táo, sâm, linh chi, mật ong, tới proteins thu hồi tách chiết từ nhau thai, yến sào, cá ngựa, sừng động vật, mật gấu, mỡ trăn, xương động vật (hổ, ngựa, hay dê).
Cơ chế điều trị của YHPĐ khá trừu tượng và giải thích theo Âm Dương, Ngũ Hành, và các thuốc đông dược của YHPĐ cũng phức tạp pha trôn phối hợp nhiểu thành phần. Nhưng, có thể tựu chung tại mấy điểm chính sau:
- Cân bằng điều hòa tạng phủ trong cơ thể, giữa cơ thể với môi trường sinh hoạt;
- Kích thích khả năng tái tạo, khả năng đề kháng của cơ thể;
- Tăng cường vi tuần hoàn (micro-circulation) nuôi dưỡng tạng phủ, giúp tái tạo các mô/tế bào bị tổn thương;
- Trung hòa/ đào thải các độc tố ra khỏi cơ thể. Bảo vệ các mô/tế bào lành chống lại các nội/ngoại độc tố.
Y Học Phương Tây (YHPT) trong nhiều thế kỷ sử dụng các thuốc hóa dược, được tổng hợp hay tách chiết từ hóa chất. Khác ngược với thuốc dùng trong YHPĐ các hóa dược của YHPT được biết đến chỉ có một thành phần, có độ tinh khiết cao (>95%), và cơ chế tác dụng rõ ràng, cụ thể như ức chế trung hòa yếu tố gây đau hay dị ứng, tiêu diệt vi khuẩn hay giết các tế bào ung thư qua cơ chế abc hay xyz.
Tuy nhiên do các hóa chất này đa phần không thuộc về cơ thể con người, không phải là thành phần của cơ thể do vậy chúng gây ra tác dụng phụ, hiệu quả hạn chế, thậm chí nếu lạm dụng hay dùng lâu kéo dài có thể gây ra các rối loạn bất thường, suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể. Ví dụ như thuốc hóa chất trị ung thư gây tổn hại nghê gớm tới các tế bào lành. Bệnh nhân ung thư phải chịu “cực hình tra tấn” khi dùng hóa trị như rụng tóc, nôn ọe, thiếu máu, hay mất ngủ. Các nguyên liệu sử dụng hóa polymer hay các vật liệu phi sinh học trong tái tạo vết thương của nội/ngoại tạng đều để lại các khiếm khuyết như hình thành sẹo xấu. Hơn nữa các nguyên liệu này không thể tái tạo được các vết thương sâu/rộng trong bỏng/tai nạn, hay các vết thương không liền biến chứng của bệnh tiểu đường hay các bệnh lý mãn tính khác.
Trong thế kỷ XXI, việc sử dụng hóa chất trong công nghệ y dược dần dần bị thu nhỏ và thay thế bởi thuốc sản xuất từ công nghệ sinh dược. Vào đầu những năm 1990, các ý tưởng được đưa ra sử dụng thuốc sinh dược điều trị các bệnh nan y như ung thư đã bị coi là điên rồ và phi thực tế. Ngày nay, các thuốc sinh dược như vaccine hay kháng thể đơn dòng (MAB – Monoclonal Antibodies) được áp dụng rất rộng rãi trong y học điều trị. Một loạt các thuật ngữ mới liên quan tới công nghệ này ra đời như: protein drugs, bio-pharmaceuticals, biologic drugs, hay cellular drugs. Việc áp dụng công nghệ tiên tiến đã nâng cao chất lượng điều trị và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Các thuốc sinh dược có tác dụng điều trị đặc hiệu, giảm tác dụng phụ độc hại, và giảm biến chứng cho bệnh nhân.
Việc bùng nổ áp dụng công nghệ tế bào gốc (CN-TBG) của nên y học hiện đại phương Tây càng cho thêm một bằng chứng hùng hồn xu hướng chữa bệnh không dùng hóa chất của văn minh nhân loại trong thế kỷ XXI và tương lai.
Vì đơn giản là tất cả chúng ta đều sinh ra từ một TBG – hay gọi là TBG phôi (embryonic stem cells). Nhóm TBG này được tạo ra khi tinh trùng thụ tinh với trứng – trong giai đoạn nằm trong tử cung của mẹ, nó được điều hòa, phân chia, tăng về số lượng, biệt hóa tạo thành các mô tạng khác nhau, tạo ra một cơ thể hoàn chỉnh – đó là con người chúng ta, có mắt mũi, miệng, chân tay, lục phủ ngũ tạng. Cứ mỗi lần nhắc tới điểm này, chúng ta lại thấy sự vĩ đại và kì diệu của tạo hóa – tạo ra chúng ta từ 1 TBG. Có lẽ không thể giải thích gì thêm, vì đơn giản đó là sản phẩm của Người Mẹ Tạo Hóa, là thành quả của hàng tỉ năm tiến hóa.
Sau khi chào đời, mô tạng của cơ thể chúng ta đều chứa các TBG chuyên biệt cho mô/tạng đó – hay được gọi là TBG trưởng thành (adult stem cells hay tissue-specific stem cells). Ví dụ, nhóm TBG tạo máu trong tủy xương sẽ có trách nhiệm tạo ra các TB máu. TBG tuyến vú tạo ra tế bào chế tiểt sữa mẹ nuôi em bé và tế bào biểu mô tuyến vú, TBG nang lông của da sẽ tạo ra lông/tóc, thượng bì da (epidermis), và tuyến bã (sebaceous gland).
Cơ thể chúng ta được tạo bởi hơn 60 ngàn tỷ tế bào. Các tế bào này trẻ khỏe, chúng ta trẻ khỏe – các tế bào này tổn thương/hay chết đi một lượng nhất định, chúng ta mang bệnh – nếu các tế bào này chết quá nhiều, chúng ta bệnh rất nặng và tử vong – các tế bào này già đi, chúng ta già đi. Một khái niệm mới được đưa ra gần đây “lão hóa là suy tế bào gốc.”
TBG có 3 thiên chức lớn, bao gồm thay thế (replacement), tái tạo (regeneration), và sửa chữa (repair).
Thay thế – các tế bào chết giúp cho mô tạng trẻ khỏe. Tái tạo/Sửa chữa – các tế bào bị tổn thương, giúp làm lành lại mô tạng, phục hồi sức khỏe.
Nhờ sự hiểu biết về sinh học TBG trong hơn 20 năm qua, đặc biệt trong hơn thập kỉ này, CN-TBG ra đời cùng với một chuyên nghành y khoa mới – Y Học Tái Tạo (YHTT) (Regenerative Medicine). Trọng tâm của nó là tận dụng TBG vào tái tạo mô tạng, làm lành tổn thương, chữa khỏi bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Các TBG tạo máu thu hồi từ tủy xương hay dây rốn dùng chữa bệnh ung thư, máu ác tính, và gần đây là căn bệnh nan y thế kỷ HIV/AIDS.
Nuôi cấy, kích thích các tế bào miễn dịch tăng cường khả năng của cơ thể chúng ta chống “thù trong – tế bào ung thư” và “giặc ngoài – vi sinh vật gây bệnh.”
Phân lập, nuôi cấy, và biệt hóa TBG biểu mô và trung mô từ mô da, tủy xương, mỡ, giác mạc mắt, màng mô dây rốn/nhau thai được dùng tái tạo và sửa chữa các mô tạng khác của cơ thể từ ngoài vào trong như da, mắt, xương, khớp, tim, hay gan.
Việc áp dụng khoa học công nghệ TBG trong y học hiện đại thế kỷ XXI có lẽ là bằng chứng thực sống động mãnh mẽ cho thấy giao điểm gặp nhau của y học phương Tây và y học phương Đông.
Kinh Dịch phương Đông giải thích việc hình thành vật thể là “vô cực sinh thái cực – thái cực sinh lưỡng nghi – lưỡng nghi sinh tứ tượng – tứ tượng sinh bát quái – bác quái sinh vô lượng”.
Lý thuyết này rất giống với việc hình thành TBG phôi trong tử cung của người mẹ tạo ra một cơ thể con người: Tinh trùng thụ tinh với trứng tạo ra một TBG phôi – phân chia thành hai, bốn, rồi tám TBG phôi rồi tạo ra cơ thể hoàn chỉnh với hàng tỷ tỷ tế bào.
Nhau thai được YHPĐ sử dụng hàng nghìn năm nay như một vị thuốc quí – với tên gọi Tử Hà Sa. Ngày nay, YHPT chứng minh nhau thai/dây rốn là “kho” TBG. Nếu được lưu trữ lại sau khi sinh, các TBG này sẽ sử dụng chữa bách bệnh, chông lão hóa.
YHPĐ được biết đến sử dụng hỗn hợp nhiều sinh chất có nguồn gôc thực/động vật. Trong một thang thuốc có Quân – Thần – Tá – Sứ. YHPT ngày nay áp dụng CN-TBG cho thấy một điểm rất tương đồng của hai nền y học. Tế bào bao gồm nhiều thành phần va chế tiết ra nhiều sinh chất rất quan trọng cho tái tạo tổn thương, tương tự như Quân – Thần – Tá – Sứ.
Hơn nữa, trong “đơn thuốc” của YHPT áp dụng CN-TBG, việc sử dụng phối hợp nhiều tế bào gốc có chức năng khác nhau được giới khoa học đặc biệt quan tâm. Ví dụ như trong công nghệ nuôi cấy da nhân tạo, phối hợp tế bào da với tế bào tạo sắc tố, tế bào thần kinh, tế bào tiết tuyến mồ hôi, tế bào nội mạch máu.
Công nghệ này tiến tới đỉnh cao mới của y học hiện đại – Chế tạo mô/tạng nhân tạo tinh vi có chứa năng sinh học cao sử dụng CN-TBG thay thế mô/tạngbị hư hỏng, tổn thương.
Một cơ chế chữa trị bệnh quan trọng của YHPĐ là tái lập lại sự điều hòa cân bằng các tạng phủ và kích thích khả năng miễn dịch và tái tạo tự nhiên của cơ thể con người. Đây cũng là cơ chế chủ chốt và rất quan trọng trong việc ứng dụng trị liệu TBG của YHPT hiện đại. Sau khi được đưa vào cơ thể hay cấy nghép vào các mô/tạng tổn thương, các TBG được y sinh học hiện đại chứng minh bằng cách tạo ra một “vi môi trường sinh học” mới kích thích và hỗ trợ các TBG tại chỗ của mô/tạng tổn thương tái tạo.
YHPĐ và YHPT được ra đời từ hai nền văn minh lớn của nhân loại có lịch sử hàng nghìn năm và tồn tại cho tới ngày nay. Những tiến bộ của khoa học hiện đại cho thấy nhiều điểm tương đồng. Đặc biệt là xu hướng áp dụng công nghệ sinh y dược mới chế tạo các sinh chất và tế bào gốc cho điều trị bệnh.
Đây có lẽ là một giao điểm của hai nền y học tại đỉnh cao mới.
Associate Profesor Phan Toan Thang MBBS, PhD
Department of Surgery, Yong Loo Lin School of Medicine, National University of Singapore
(Bài viết của Phó giáo sư Phan Toàn Thắng được đăng lần đầu trên Facebook của nhóm Kết Nối Tế Bào Gốc – Y Học Cổ Truyền. Tác giả đồng ý cho phép IBSG đăng lại trên website của Nhóm)