Tiềm năng ứng dụng của nấm dược liệu trong điều trị ung thư

  • Chi tiết bài viết
  • Bài viết liên quan
Rate this post

Nấm được coi là món ăn đặc sản trên toàn thế giới từ thời cổ đại với hương vị độc đáo và bổ dưỡng. Gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng nhiều loài nấm là nhà máy dược phẩm thu nhỏ sản xuất ra hàng trăm loại hoạt chất sinh học kỳ diệu. Các loại nấm có một lịch sử lâu dài sử dụng trong y học phương Đông, nhưng tác dụng của nấm trong việc thúc đẩy sức khỏe và sức sống đang được khám phá gần đây từ các nghiên cứu hiện đại. Các nghiên cứu cho thấy nấm chứa chất chống oxy hóa, chống ung thư, tiền sinh, miễn dịch, chống viêm, tim mạch, chống vi khuẩn, và chống đái tháo đường (Barros et al 2007;. Sarikurkcu et al 2008;. Wang . et al 2004; Kim et al 2007;. Synytsya et al 2009). Nhiều dự án nghiên cứu đang được tiến hành nhằm ứng dụng nấm dược liệu trong “liệu pháp điều trị sinh học”.

Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Các loại thuốc chống ung thư hiện có trên thị trường không nhắm mục tiêu cụ thể và gây ra nhiều tác dụng phụ và biến chứng trong điều trị lâm sàng của các dạng ung thư khác nhau, do đó phương pháp điều trị mới hiệu quả và ít độc hại là vô cùng cấp thiết. Hiện nay, một số nấm được đánh giá cao và rất được quan tâm do có đặc tính chống ung thư và có các hợp chất hoạt động. Nhiều thử nghiệm lâm sàng đã được tiến hành để đánh giá lợi ích của việc sử dụng các chế phẩm thương mại có chứa chiết xuất nấm dược liệu trong điều trị ung thư choc ho thấy tiềm năng của của nấm trong việc hỗ trợ điều trị ung thư. Nấm được dùng để hỗ trợ hóa trị và xạ trị do giảm các tác dụng phụ của bệnh ung thư, chẳng hạn như buồn nôn, ức chế tủy xương, thiếu máu, và giảm sức đề kháng.

Gần đây, một số phân tử hoạt tính sinh học, bao gồm các tác nhân chống ung thư đã được xác định từ các loài nấm khác nhau (Hình. 1). Các hợp chất hoạt tính sinh học của nấm bao gồm polysaccharides, protein, chất béo, tro, glycosides, alkaloid, dầu dễ bay hơi, tocopherols, phenolics, flavonoid, carotenoid, folate, enzyme axit ascorbic, axit hữu cơ. Các thành phần hoạt động trong nấm có tiềm năng chống ung thư là lentinan, krestin, hispolon, lectin, calcaelin, illudin S, psilocybin, Hericium polysaccharide A và B (HPA và HPB), acid ganoderic, schizophyllan, laccase, v.v…Hợp chất polysaccharide có tính chống khối u mạnh và tăng cường hệ miễn dịch. Các polysaccharide, b-glucan là chất chuyển hóa linh hoạt nhất do có phổ hoạt động sinh học rộng.

Hệ thống miễn dịch được kích thích khi có sự hiện diện của các hợp chất lạ này. Những phát hiện cho thấy một số loại nấm kết hợp với các thuốc chống ung thư thương mại hoạt động như một công cụ hiệu quả để điều trị ung thư kháng thuốc. Những kết quả này có ý nghĩa trong việc sử dụng các hợp chất hoạt tính sinh học từ nấm như các chất chống ung thư mới.


Nấm đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris:

Theo các công bố khoa học, có khoảng 540 loài thuộc giống Cordyceps, trong đó nhiều loài được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Hoa ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia Châu Á khác. Nấm Cordyceps được đánh giá có giá trị  dược liệu cao cùng với các dược liệu khác như nhân sâm, linh chi và nhung hưu. Trong các loài thuộc giống Cordyceps có 2 loài chính được sử dụng chủ yếu trong bồi bổ sức khỏe và dược liệu ở Trung Quốc là loài Ophiocordyceps sinensis (Berk.) G. H. Sung et al. (≡ Cordyceps sinensis (Berk.) Sacc.) và Cordyceps militaris (L.) Fr. (Cordycepitaceae, Ascomycetes). Mặc dù loài O. sinensis rất đắt đỏ và nổi tiếng trong y học nhưng loài này rất khó nuôi trồng so với loài C. militaris hiện đang được sản xuất thành công trên thế giới trên môi trường ngũ cốc và nhộng tằm.

Loài C. militaris ký sinh trên ấu trùng hoặc nhộng của bộ cánh vảy và được sử dụng như O. sinensis trong bồi bổ sức khỏe. Các nghiên cứu y học hiện đại cho thấy loài này có công dụng kháng khối u, chống virus, điều hòa miễn dịch và chống nhiễm trùng. C.militaris chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học như polysaccharide, adenosine, cordycepin, mannitol, superoxide dismutase (SOD), và carotenoids.

Rao và cộng sự (2010) chiết xuất hợp chất có hoạt tính sinh học từ Cordyceps militaris cho thấy việc ức chế sự tăng trưởng các tế bào ung thư ở người , ung thư tuyến tiền liệt, đại tràng và các tế bào gan. Kim và cộng sự (2010) đã nghiên cứu ảnh hưởng của polysaccharide cordlan phân lập từ C. militaris với sự trưởng thành của tế bào đuôi gai. Cordlan gây trưởng thành kiểu hình của các tế bào đuôi gai làm tăng sự thành công của liệu pháp miễn dịch ung thư.

Chiết xuất từ nấm Cordyceps militaris còn cho thấy tiềm năng của nó như một chất hoạt hóa miễn dịch hoặc thuốc chống ung thư (Kim et al. 2008). Park và cộng sự (2009) đã nghiên cứu tác dụng chống khối u của C. militaris trên chuột và cho thấy C. militaris thu nhỏ khối u và tăng tuổi thọ chuột.

TS. Nguyễn Thị Liên Thương (tác giả bài viết này) hướng dẫn kỹ thuật nuôi đông trùng hạ thảo trong chương trình “Bạn của nhà nông” – BTV:  http://www.btv.org.vn/video/ky-thuat-nuoi-dong-trung-ha-thao-3086.html

Chi Ganoderma (Ganoderma lucidum, Ganoderma tsugae)

Linh Chi, còn gọi là nấm của sự bất tử, thuộc họ Ganodermataceae đã được sử dụng trên toàn châu Á trong nhiều thế kỷ để hỗ trợ điều trị ung thư. Xích chi Ganoderma lucidum cho thấy tác dụng chống ung thư khi sử dụng một mình hoặc kết hợp với hóa trị và xạ trị (Pillai et al. 2010). Tác dụng của chiết xuất ethanol của G. lucidum làm giảm sự phát triển của dòng tế bào ung thư dạ dày (AGS). Chen và Zhong (2011) cho thấy sự ức chế sự di căn khối u của axit ganoderic T chiết xuất từ G. lucidum. Chiết xuất protein miễn dịch nấm từ G. tsugae (reFIP-GTS) có tác dụng chống các tế bào ung thư phổi người.

Các loại nấm dược liệu khác có tiềm năng trong điều trị ung thư:

Chi Phellinus (Phellinus linteus), Chi Pleurotus (Pleurotus ostreatus, Pleurotus citrinopileatus, Pleurotus tuber-regium), Chi Agaricus ( Agaricus blazei, A. bisporus), Lentinula edodes, Nấm vân chi Trametes versicolor / Coriolus versicolor, Grifola frondosa, Hericium erinaceus, Boletus badius / Xerocomus badius, Calvatia utriformis, Schizophyllum commune, Flammulina velutipes, Suillus placidus, Inonotus obliquus, Inocybe umbrinella, Coprinus comatus, Funlia trogii, Lactarius flavidulus, Chi Clitocybe (Clitocybe nebularis,Clitocybe maxima, Clitocybe alexandri), Albatrellus confluens,Fomes fomentarius, Piptoporus betulinus, Chi Antrodia (Polyozellus multiplex)

Nấm dược liệu đại diện cho một phân khúc phát triển của ngành công nghiệp dược phẩm hiện nay do chứa nhiều các hợp chất hoạt tính sinh học hữu ích. Các nhà nghiên cứu nấm trên khắp thế giới tin chắc rằng nấm có thể cải thiện rất nhiều hình thức ung thư ở các giai đoạn khác nhau. Việc bảo tồn và nhân bản các loại nấm dược liệu là cần thiết cho sự phát triển bền vững. Việc phân lập, làm sạch và nghiên cứu cấu trúc của các hợp chất chống ung thư và miễn dịch mới là rất cần thiết. Những phát hiện này rất quan trọng do thiếu các phương pháp trị liệu hóa học của một số loại ung thư ác tính, như ung thư vú, u trung biểu mô, bệnh bạch cầu cấp tính lymphocytic, bệnh bạch cầu myeloid cấp tính, u lympho Hodgkin, u sao bào, vv… Các kết quả và dữ liệu có thể cung cấp thêm hiểu biết mới về phương pháp chữa trị từ nấm dược liệu và giúp ích cho việc thiết kế thuốc chống bệnh ung thư.

Tác giả: Nguyễn Thị Liên Thương, PGS. TS. Nguyễn Thanh Bình*

Khoa Công nghệ sinh học, Đại học Thủ Dầu Một

Ý Kiến Độc Giả:

Nhóm nghiên cứu: