Nghiên cứu y sinh cần có hướng đi xác thực và các tiêu chuẩn an toàn trong ứng dụng

  • Chi tiết bài viết
  • Bài viết liên quan
Rate this post

Sau chương trình hội nghị Transmed – VN 2016 đã diễn ra ngày 19/08 tại Đại Học Y Dược Tp. HCM gồm các diễn giả là các nhà khoa học uy tín trong và ngoài nước với thành tích đặc biệt như GS.TS. John Edward Connolly, GĐ Viện Miễn dịch Trị liêu, Trung Tâm A* Star, Singapore; GS. Ogan Gurel, Cố vấn Samsung và biệt tài về ứng dụng và chuyển giao công nghệ; GS. Phan Toàn Thắng, người khám phá dòng Tế bào gốc màng cuống rốn, và vân vân; chúng tôi hân hạnh phỏng vấn TS. Nguyễn Đức Thái, người cố vấn khoa học và đồng tổ chức hội nghị Transmed – VN 2016.

Thưa TS. Nguyễn Đức Thái, sự phát triển nghiên cứu ứng dụng Tế bào gốc ở Việt Nam có nhanh so với tầm của thế giới hay không? Và điều đó là đáng mừng hay đáng lo ngại?

Nguyễn Đức Thái: Nếu nói về thử nghiệm lâm sàng thì Việt Nam đang đi nhanh trong 3-5 năm vừa qua. Nhưng nếu xét tất cả các bước và so sánh với các nước mà họ theo luật chặt chẽ của FDA thì việc nghiên cứu Tế bào gốc của Việt Nam rất hẹp và chậm. Những thành công ghi được từ ứng dụng lên các bệnh nhân nằm trong các thử nghiệm lâm sàng, tôi thấy hiện không có gì quá mức để quan ngại.

Những phương pháp cơ bản như tách tế bào gốc mô mỡ, tủy, cuống rốn,… các nước làm được thì Việt Nam cũng đã làm được. Nhưng mức cao hơn như chọn lọc, tạo dòng thành sản phẩm điều trị thì chúng ta chưa đạt được các kết quả cần thiết như các nước phát triển. Tuy nhiên, cũng có một số điểm sáng như Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Ứng dụng Tế bào gốc tạo dòng Tế bào gốc (TBG) ung thư, trung mô hay MekoStem làm ngân hàng TBG cuống rốn, một số bệnh viện đa khoa đã đi những bước đầu trong trị liệu bằng TBG. 

Một số nước như Canada, Hàn Quốc, Mỹ và Ý,… đã có những ứng dụng tế bào gốc trong sản xuất công nghiệp hay bào chế thuốc. Nhưng đây là những mảng còn giới hạn và rất khó vì cần theo tiêu chuẩn dược liệu quốc tế, do đó khi Việt Nam chưa làm được thì cũng không thể nhận định là nước mình khoa học kém.

Trong ứng dụng TBG, có lần tôi về một tỉnh nhỏ và thấy biển hiệu tại phòng khám bác sĩ tư nhân đề là nhận chữa trị bằng TBG. Đó là cái tiêu cực xảy ra. Do đó, những công việc như Hội Tế bào gốc Tp.HCM, GS. Trương Đình Kiệt, chủ tịch hội, và các tổ chức chi hội thuộc Bộ Y tế đang làm, đó là để ra những luật, tiêu chuẩn an toàn trong việc nghiên cứu và ứng dụng là rất cần thiết và quan trọng.

Mục tiêu của chúng tôi là truyền kinh nghiệm khoa học và quảng bá công nghệ y sinh qua việc liên kết những nhà khoa học uy tín và có thành tích để mang về Việt Nam những kỹ thuật tiên tiến và giúp thiết lập những qui luật an toàn cho ứng dụng hay sản xuất. Ví dụ điển hình là nhóm liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư của GS. John Connolly đã lập được qui trình đánh giá tế bào nuôi cấy ở phòng thí nghiệm để có thể dùng trị liệu bệnh nhân ở các bệnh viện an toàn và hiệu quả. Hiện nay, nhiều phòng thí nghiệm ở trong nước có khả năng nuôi cấy tế bào, nhưng qui trình và phương pháp ứng dụng cho bệnh nhân theo chuẩn mực là chưa có hay rất hiếm.  Vì cần kết hợp chặt chẽ nghiên cứu và lâm sàng, nên đây phài là vai trò của các trung tâm y khoa ở trong nước để các bệnh nhân được ứng dụng các thành tựu y học thế giới và kể cả các nghiên cứu của Việt Nam.

Mục đích hướng đến của các chương trình hội nghị khoa học  quốc tế mà ông đã và đang tổ chức là gì ạ?

Nguyễn Đức Thái: Như đã chia sẻ ở trên, thì chúng ta đang có nhiều khó khăn tìm hướng đi để làm sao có tính hiệu quả, phát triển mạnh mẽ cho khoa học đất nước. Trong hoàn cảnh hiện tại, thì rất cần có những người làm khoa học đi theo cái đam mê của bản thân và có tinh thần, lý tưởng phục vụ tiến bộ chung của đất nước. Lý do là điều kiện làm khoa học ở Việt Nam còn nhiều giới hạn và khó khăn, điều đó đòi hỏi ở họ sự hy sinh để vượt qua và thiện chí bền bỉ để phục vụ. Tôi nhận thấy là các nhà khoa học trong và một số ở ngoài nước, có nhiều thiện chí cống hiến cho khoa học Việt Nam, nhưng các cơ quan cần có những chương trình để hai bên có thể cùng nhau chia sẻ và tìm ra hướng đi chung. Tuy còn nhiều tiêu cực, nhưng tôi cho rằng nếu bạn có kinh nghiệm khoa học vững vàng và với thiện chí đóng góp cho đất nước, thì luôn có những có những cơ hội ứng dụng và hợp tác để triển khai; nhu cầu phát triển khoa học cho y tế ở trong nước quá nhiều, đang cần sự đóng góp cũa bạn. Vấn đề là có kinh nghiệm, tầm nhìn và chiến lược để mang lại những giải pháp cần thiết và hiệu quả.

Khi trở về nước và bắt tay vào tìm hiểu một cách tổng thể việc nghiên cứu y sinh tại Việt Nam, thì tôi nhận thấy rằng có rất nhiều nhóm nghiên cứu, nhiều tổ chức làm mọi đề tài… nhưng thiếu tính liên kết đa phương, đa chức năng mà nước ngoài thường có. Có thể do chưa có hệ thống liên kết, ví dụ như TransMed; ngoài ra một số nguyên nhân do tính bảo thủ hay độc tôn ở Việt Nam. Nếu chúng ta có thể tập hợp và sắp xếp một cách hợp lý, chúng ta sẽ có bộ máy khoa học có tính cạnh tranh và hiệu năng ứng dụng rộng rãi.

Vídụ như với hướng làm vaccine mới bây giờ không phải là chỉ để phòng ngừa nữa, mà là trị liệu cho bệnh hiểm nghèo như ung thư, thì đây là cái cần thiết mà chúng tôi nỗ lực tổ chức để vạch ra hướng đi dẫn đến chương trình cụ thể, và mong rằng từ những công nghệ càng ngày càng cải tiến này, chúng ta sẽ có những ứng dụng thiết thực cho y tế trong nước. Thực tế, đã có những nơi trong nước dò dẫm, định hướng thực hiện, nhưng để làm một cách bài bản thì điều đó cần các quy trình đặc biệt, đó cũng là mục tiêu của hội thảo TransMed-VN 2016. TransMed hướng dẫn nhà khoa học thiết lập chương trình nghiên cứu có mục đích và điểm nhắm cho việc tạo ra sản phẩm và sản phẩm phải được đánh giá chất lượng, đem vào thử nghiệm lâm sàng. Sau khi thành công trong tất cả các khâu trên, thì sẽ cần qui trình phổ biến trong xã hội qua sự hợp tác của các nhà đầu tư để sản xuất, ứng dụng.

Kế hoạch TransMed sẽ đáp ứng được điều kiện thực tế: (1) Việt Nam hiện tại có nhiều nhóm nghiên cứu nổi lên làm về tế bào gốc, gene, protein, miễn dịch… nhưng thiếu tính định hướng và hệ thống hỗ trợ để tạo thành sản phẩm và ứng dụng lâm sàng. (2) Việt Nam hiện tại có quá nhiều bệnh tật cũng như nhu cầu trị liệu. Đối với mục tiêu nghiên cứu khoa học thế giới, thì nhiều vấn nạn y tế ở Việt Nam là những kho dữ liệu quí giá mà chúng ta chưa biết cách và có phương tiện  khai phá. Nếu biết tổ chức theo phương pháp, tạo điều kiện hợp tác thì mình có thể mang lại nhiều kết quả khoa học quan trọng và thường kèm theo những ứng dụng tốt đẹp. Một mục tiêu quan trọng của TransMed Vietnam là mang những học thuật y sinh của thế giới để nghiên cứu và giải quyết những vấn đề chuẩn đoán và chữa trị bệnh lý lâm sàng phức tạp của Viêt Nam.

Xin ông cho biết những lưu ý trong vấn đề hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng và thử nghiệm lâm sàng khi giới khoa học quốc tế hướng đến Việt Nam?

Nguyễn Đức Thái: Chúng ta cần có tầm hiểu biết rộng để đánh giá chính xác những diễn tiến quan trọng liên tục xảy ra trong cộng đồng khoa học thế giới hiện nay, rồi cần nắm bắt được cơ hội tốt để hợp tác quốc tế đem lại lợi ích cho các bên tham gia, mà Việt Nam mình nhận được lợi ích không nhỏ khi có sự đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo con người. Theo kinh nghiệm, cần có văn hoá khoa học rông mở, hiểu biết mục tiêu và khả năng của đối tác nước ngoài và trong nước để các thương lượng được tốt nhất, thì mới đem lại cái lợi cho đất nước. Cần tránh những trường hợp mở rộng cho bên ngoài hợp tác nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, dùng dữ liệu bệnh ở trong nước để có khám phá mới và tạo sản phẩm nhưng lại không làm gì tốt hơn cho Việt Nam.

Vâng, xin cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ. 

Tuệ An (thực hiện)

Xin mời Quý Độc Giả bỏ ra 2-5 phút để làm một khảo sát mức độ hài lòng về bài viết của IBSG tại đây. IBSG chân thành cảm ơn Quý Độc Giả.

Ý Kiến Độc Giả:

Nhóm nghiên cứu: