Lịch sử tim mạch học (Phần 3): Heparin và VKA – bộ đôi hoàn hảo

  • Chi tiết bài viết
  • Bài viết liên quan
Rate this post

Loạt Bài Về Lịch Sử Tim Mạch Học

IBSG: Kính chào quý bạn đọc! Tim mạch học (cardiology) là một trong những nhánh quan trọng của y học lâm sàng. Để đạt được những thành tựu như ngày nay, đã có rất nhiều nhà khoa học và nhiều công trình nghiên cứu mở đường góp phần xây dựng và phát triển. IBSG xin phép giới thiệu quý bạn đọc loạt bài về lịch sử những khám phá và phát minh trong tim mạch học của Nature Review Cardiology.

Phần 3: Heparin và VKA – bộ đôi hoàn hảo

Từ sự tình cờ phát hiện ra heparin của Jay McLean (phần 1) và sự tách chiết chất đối vận vitamin K (VKA – vitamin K antagonist) dicoumarol của Karl Link (phần 2) ở nửa đầu thế kỉ 20, các nhà khoa học nổ lực tìm cách ứng dụng các chất chống đông (anticoagulants) này vào thực tiễn lâm sàng. Thực tế thì cả heparin và warfarin – điều chế từ coumarin – đều đã được dùng rộng rãi trong điều trị huyết khối từ những năm 1950, với ví dụ nổi tiếng của tổng thống Hoa Kì Dwight D. Eisenhower khi được điều trị thành công bệnh nhồi máu cơ tim (myocardial infarction) với wafarin vào năm 1955.

Vào khoảng cuối những năm 1950, nhiều nghiên cứu lâm sàng cho rằng thuốc kháng đông này có tác dụng trên bệnh thuyên tắc phổi (pulmonary embolism). Năm 1947, Allen và cộng sự đã báo cáo chỉ có 1 trường hợp tử vong trên 329 bệnh nhân thuyên tắc phổi được điều trị bằng heparin và dicoumarol. Vào năm 1959, Bauer báo cáo chỉ có 5 case tử vong trên tổng số 627 case huyết khối tĩnh mạch (venous thrombosis) và được điều trị bằng heparin. Tuy nhiên, mãi đến năm 1960, thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng (randomized clinical trial) đầu tiên của Jordan và Barrit – đánh giá các loại thuốc kháng đông dùng trong điều trị thuyên tắc phổi – được công bố trên tạp chí The Lancet. Nghiên cứu này đã tạo tiền đề cho những nghiên cứu khác trong cùng lĩnh vực.

Hình 1: Bài báo của Barritt và Jordan trên tạp chí The Lancet năm 1960.

Tại Khoa Y và Tim Mạch của Bệnh Viện Bristol, Anh Quốc vào năm 1957, Barritt và Jordan bắt đầu tuyển chọn bệnh nhân cho nghiên cứu. Những bệnh nhân thuyên tắc phổi cấp và không có chống chỉ định (contraindication) điều trị kháng đông được chọn một cách ngẫu nhiên – bằng cách rút thẻ bài (card draw). Sau đó, bệnh nhân được chia thành 2 nhóm: nhóm điều trị kháng đông với heparin và acenocoumarol – dẫn xuất của coumarin và nhóm không điều trị kháng đông. Điểm dừng nguyên cấp (primary efficacy end point) là tử vong do thuyên tắc phổi, và điểm dừng thứ cấp (secondary end point) là sự tái phát và tử vong do các nguyên nhân khác.

Vào tháng 4 năm 1958, một phân tích tạm (interim analysis) trên 35 bệnh nhân đầu tiên tham gia vào thử nghiệm cho thấy rằng 5 case tử vong trong số 19 case không điều trị kháng đông so với không có case tử vong nào trong số 16 bệnh nhân được điều trị (P = 0.036). Thêm vào đó, tái phát (recurrence) không được ghi nhận trong nhóm được điều trị so với 5 case tái phát (nonfatal recurrence) trong nhóm không điều trị. Vì các kết quả phối hợp (composite outcome) trong phân tích tạm có cải thiện một cách quan trọng về mặt thống kê với P = 0.0005, Barrit và Jordan quyết định thêm tất cả các bệnh nhân mới đăng ký tham gia thử nghiệm vào nhóm điều trị. Tháng 7 năm 1959, tổng cộng 54 bệnh nhân được điều trị với thuốc kháng đông. Kết quả là không có case tử vong và chỉ một case có tái phát sau điều trị. Kết luận bệnh nhân được điều trị kháng động có kết quả tốt hơn so với nhóm không được điều trị (P = 0.0000014).

Nghiên cứu mang tính bước ngoặt này lần đầu tiên đã mô tả được chống đông bằng heparin và VKA làm giảm rõ rệt nguy cơ tử vong và tái phát của thuyên tắc phổi, mở ra con đường mới cho những thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên tiếp theo về việc điều trị và phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch (venous thromboembolism) (phần 4). Cho đến nay, thuốc chống đông vẫn là tiêu chuẩn vàng trong điều trị huyết khối tĩnh mạch, Barritt và Jordan vẫn có sức ảnh hưởng lớn trong việc kiểm soát tình trạng bệnh này và đã cứu sống được vô số bệnh nhân trong hơn 50 năm qua.

Trần Thị Thu Vân (chuyển ngữ)

Khoa Y, Đại Học Quốc Gia, TP Hồ Chí Minh

Bài báo:

Conor A. Bradley. Milestone 3: Heparin and a VKA — a winning combination. Nature Reviews Cardiology. 14 December 2017

Ý Kiến Độc Giả:

Nhóm nghiên cứu: