Khi Đức Phật gây bão trên Lancet

  • Chi tiết bài viết
  • Bài viết liên quan
Rate this post

Nguồn: GS Nguyễn Văn Tuấn

Lancet là tên của một tập san y khoa danh tiếng nhất nhì thế giới. Nhân dịp tập san công bố một bài báo khoa học quan trọng về bệnh sốt rét ở Kampuchea (1), Lancet minh hoạ bằng một bức hình Đức Phật trầm ngâm nhìn con muỗi (xem hình). Sau khi công bố, có vài đọc giả than phiền, nên ban biên tập quyết định tháo gỡ bức hình minh hoạ đó khỏi tập san (2). Tôi nghĩ quyết định của Lancet là vội vàng và không cần thiết.

Ai cũng biết Kampuchea là một xứ sở của Phật giáo. Phần đông người Khmer theo đạo Phật. Do đó, việc minh hoạ một bài báo với bức hình tượng Phật chẳng có gì quá đáng, nếu không muốn nói là có ý nghĩa triết lí (tuỳ theo cách hiểu của người đọc). Thú thật, tôi không thấy bức hình có gì xúc phạm đến Phật cả. Thế mà có nhiều người viết thư phản đối ban biên tập vì họ cho rằng cách minh hoạ đó là một xúc phạm đến Đức Phật. Điều trớ trêu là người phản đối mạnh mẽ nhất lại là người theo đạo Công Giáo đang làm việc ở Sri Lanka (tức Tích Lan, cũng là một nước Phật giáo). Trong email, ông Arjuna Aluwihare than phiền như sau (trích):

“Tôi là một Ki tô đang sống và làm việc ở Sri Lanka. Tôi cảm thấy sốc khi thấy hình của Đức Phật được dùng làm trang bìa của số báo tháng 6 trên The Lancet Infectious Diseases. Nói chung, người Sri Lanka cảm thấy khó chịu khi ai đó mô tả sự việc bằng tượng Phật mà không nằm trong bối cảnh Phật giáo. Không ai cấm các bạn dùng tượng Phật ngay trên trang bìa của tập san, nhưng trưng bày như thế tỏ ra một sự thiếu mẫn cảm. Trường hợp này cũng giống như tạp chí Charlie Hebdo dùng hình tượng nhà tiên tri Muhammad…”

Tôi thấy rất xúc phạm khi ông này (Arjuna Aluwihare) so sánh việc minh hoạ bằng hình Đức Phật với tạp chí in hình của Muhammad, vì đó là một cách gián tiếp nói rằng Phật tử cũng cuồng tín và hung dữ như người Hồi giáo. Một so sánh vô minh nhất và vô duyên nhất mà tôi thấy. Không! Người theo triết lí Phật và Phật tử thừa đủ bản lĩnh đạo đức để không bị kích động chỉ vì một bức tượng Phật được dùng minh hoạ cho một bài báo khoa học.

Vậy thì tại sao có vấn đề khi Lancet dùng Phật làm hình tượng cho bài báo? Ông Arjuna Aluwihare giải thích rằng:

“Ở đây, vấn đề đặt ra là con muỗi đáng lẽ nên bị tiêu diệt, nhưng người theo Phật thì không thể giết chúng sinh, dù chúng sinh đó là con rắn hay con người. Tuy nhiên, nhiều Phật tử lại ăn mặn, tức là đi ngược lại triết lí Phật. Trong bức hình này, ngoài cảm nhận về tôn giáo, nó còn có thể dẫn đến sự tha thứ cho con muỗi. Bức hình có thể hiểu là ‘ngay cả Đức Phật cũng không tha thứ cho con muỗi’ và đó là vấn đề.”

Đọc xong lời giải thích lòng vòng này tôi chẳng hiểu gì cả! Ông này có vẻ đi quá xa và bàn về triết lí Phật giáo, trong khi vấn đề là bức tượng Phật và con muỗi. Bức hình cho thấy Phật đang trầm ngâm trước con muỗi có vẻ như đang tấn công ngài. Một cách hiểu khác về ý nghĩa của bức hình là Đức Phật đang ghi nhận con muỗi là một “chúng sinh”, mà đã là chúng sinh thì con muỗi có quyền bình đẳng như mọi người, và giết nó có nghĩa là phạm giới. Nhưng không giết nó thì làm gì để kiểm soát nó để nó không gây bệnh cho người khác. Ngài đang trầm ngâm về cái ý tưởng kiểm soát đó. Hiểu như thế thì bức hình chẳng có gì là xúc phạm cả.
Nhưng đây có lẽ là vấn đề không có câu trả lời sau cùng. Theo các bạn thì bức hình có ý nghĩa hay cách hiểu nào khác? Và, có nên rút lại bức hình khỏi tập san Lancet? Đó là một câu hỏi buổi sáng để các bạn trầm ngâm cùng Đức Phật!

====
(1) http://www.thelancet.com/journals/laninf/article/PIIS1473-3099(15)70049-6/abstract
(2) http://www.thelancet.com/journals/laninf/article/PIIS1473-3099(15)00083-3/fulltext

Ý Kiến Độc Giả:

Nhóm nghiên cứu: