Nghiên cứu sinh tiến sĩ: Những chông gai chỉ người trong cuộc mới hiểu

  • Chi tiết bài viết
  • Bài viết liên quan
5/5 - (1 bình chọn)
IBSG: Nghiên cứu khoa học là một ngành nghề có ý nghĩa đối với xã hội, nhưng con đường để đến với khoa học không hề dễ dàng mà đầy những chông gai. IBSG xin giới đến các độc giả bài viết của Vũ Phương, nghiên cứu sinh tiến sĩ năm thứ hai ngành thực vật học (botany) tại Đại Học Purdue, Hoa Kỳ. Hy vọng rằng những chia sẻ quý báu của Phương sẽ đem lại cái nhìn rõ ràng hơn và một hành trang tốt hơn cho những bạn sắp hay đang theo đuổi nghiên cứu khoa học. 
Năm 2019, nghiên cứu công bố trên báo Nature dựa trên 6.300 sinh viên cao học từ khắp nơi trên thế giới tiết lộ rằng 71% nói chung hài lòng với trải nghiệm nghiên cứu của họ, nhưng khoảng 36% đã gặp phải những triệu chứng trầm cảm liên quan đến việc học tiến sĩ của họ (1). Đấy là dựa trên nghiên cứu trên báo, còn trên thực tế, số câu chuyện mình được nghe kể từ các anh chị học xong tiến sĩ về chuyện họ đã gặp bạn cùng Khoa, cùng trường tự tử trong quá trình học Tiến sĩ cũng không hề hiếm. Mình mong là với những gì mình viết và chia sẻ, mọi người sẽ có cái nhìn chân thực và có sự chuẩn bị tốt nhất về tâm lý. Dưới đây là những vấn đề mình và nhiều anh chị PhD khác cũng gặp phải, đã và đang cố gắng vượt qua.

1. Cảm giác bản thân không đủ năng lực

Theo một số thống kê, cứ khoảng 10 nghiên cứu sinh thì có sáu người gặp phải hội chứng “imposter syndrome” (3). Imposter syndrome khiến họ gặp khó khăn trong việc chấp nhận những phản hồi tích cực và thường phủ nhận thành công của họ. Môi trường những người học PhD phần lớn là những sinh viên nếu không xuất sắc thì cũng thông minh và giỏi giang nên sẽ rất dễ tự so sánh mình với người khác.
Không nằm ngoài số đông, mình cũng thường xuyên có cảm giác này vì quá ngưỡng mộ mọi người xung quanh. Đôi khi mình còn bất công với bản thân, tự đề ra những mục tiêu thiếu khả thi rồi dằn vặt khi không thể hoàn thành. Sau một vài lần nói chuyện với các anh chị PhD khác thì mình đã nhận ra rằng đây là một cảm xúc tiêu cực cần được kiểm soát. Nhờ lời khuyên của mọi người, mình đã thôi đem người khác ra làm thước đo, mà tập trung vào bản thân hơn, mỗi ngày mình làm được tốt hơn, làm được điều dù nhỏ nhoi nhất mình cũng vui và coi đó là thành tựu để khích lệ chính mình.

2. Cuộc sống “cận nghèo”

Nghiên cứu sinh (NCS) tiến sĩ, kể cả khi được “học bổng toàn phần” nuôi ăn nuôi học từ giáo sư như mình, thì vẫn có rất ít tiền. Do đó, nỗi stress về ít tiền chi tiêu có khi cũng lớn gần như nỗi lo về công việc, đặc biệt với những bạn nghiên cứu sinh ở những nước đắt đỏ như Mỹ. Chưa kể, hầu hết các nghiên cứu sinh đều dựa vào nguồn tài trợ bên ngoài. Thật không may, những nguồn tài trợ này không ổn định. Có nhiều trường hợp NCS tiến sĩ bị cắt kinh phí khi đang học dở tiến sĩ. Ví dụ như khi giáo sư bị hết quỹ, hoặc quỹ tài trợ bị dừng hoạt động, v.v. Vậy nên nếu bạn có thể tự đảm bảo nguồn tài chính cho bản thân trước, hoặc có một quỹ các nhân nhỏ để tránh nhưng điều trục trặc trên.

3. Sự mơ hồ trong chương trình học

Nếu như trong công việc mà có ai đó cầm tay chỉ việc, bảo ban hướng dẫn cụ thể, thì mọi thứ quả là dễ dàng. Thế nhưng, các NCS tiến sĩ sẽ phải tự lên kế hoạch và phương pháp xử lý vấn đề của bản thân, mà không có ai hướng dẫn cầm tay chỉ việc, hay nhận xét giúp bạn.
Mình xin phép trích lại một lời chia sẻ của anh H.X.D, tiến sĩ tại Úc:
“Chương trình học của NCS thì vô định (họ gọi là “unstructured program”). Không giáo trình, không bài giảng. Cái gọi là “bài tập, đồ án” thì từ đầu bài cho đến hết phần mô tả/hướng dẫn chỉ vỏn vẹn sáu chữ vàng “Mình nghĩ cậu nên làm A”. Nhiều khi hỏi thầy “Em không biết làm thí nghiệm này”. Thầy nhẹ nhàng “Mình cũng không biết. Em mày mò xem” (thầy mới đọc trên báo thấy hay nên bảo làm thử).”
Lý do là bởi vì điều mà bạn làm là những thứ mà chưa ai làm bao giờ. Giáo sư có thể đưa ra giúp bạn một vài gợi ý và lời khuyên, nhưng cụ thể chi tiết về cách thực hiện thì bạn phải tự nghiền ngẫm, nghiên cứu và giải quyết, vì bản thân giáo sư cũng không biết chắc chắn được đâu là đúng. Vì vậy hãy thật chắc chắn về đam mê, về đích đến của cuộc đời mình. Nếu không có tình yêu với khoa học, sẽ rất khó duy trì lửa nhiệt huyết.

4. Cảm giác bị cô lập

Một trong những lý do phổ biến nhất mà mình thấy trong cộng đồng học PhD của mình, đó là cảm giác bị cô lập. Khác với các dự án ở các công ty (làm việc theo nhóm nhiều người), thì dự án nghiên cứu tiến sĩ rất hẹp và chuyên sâu; do đó các NCS phải làm việc độc lập, và gần như không có ai có thể giúp đỡ và làm cùng các dự án của họ. Thời gian làm việc 10-12 tiếng một ngày và gần như không có kỳ nghỉ lễ khiến họ cũng không có thời gian với người thân. Hơn nữa, NCS tiến sĩ thường khó nhận được sự cảm thông, chia sẻ từ người thân gia đình, do tính chất công việc khó giải thích được cho người nhà hiểu. Điều này dễ dàng dẫn đến sự cô đơn, thiếu động lực và nỗi sợ hãi mà không ai hiểu, hoặc có thể liên quan đến những vấn đề bạn đang gặp phải.
Như một liều thuốc giải độc cho điều này, bạn nên cố gắng tiếp xúc với các sinh viên PhD khác, tham gia các câu lạc bộ, sự kiện, networking nếu có thể. Việc này sẽ giúp bạn có người để trò chuyện, “than vãn” (như mình đang gián tiếp làm ^^) và sẽ giúp giảm bớt những cảm giác khó chịu và tiêu cực này. Họ là những người có thể hiểu được những căng thẳng của bạn mà bạn đang trải qua và cung cấp cho bạn sự hỗ trợ bạn cần. Đơn giản chỉ cần phá bỏ sự thói quen hoặc đơn điệu của việc học tập là mọi thứ sẽ tốt đẹp lên thôi!

5. Giờ làm việc của bạn không phải là từ 9 giờ sáng đến 5h chiều, mà tối thiểu là từ 9h sáng đến 9h tối

Chỉ tính riêng về nghiên cứu thôi, thì một thí nghiệm không phải chỉ kéo dài 1-2 tiếng như những buổi thực hành của các bạn sinh viên đại học mà nó có thể kéo dài cả tháng với hàng chuỗi thí nghiệm để ra được kết quả. Chưa kể, 1 thí nghiệm có thể có hàng loạt các bước phức tạp, và chỉ cần sơ ý 1 bước thôi lại phải làm lại từ đầu.
Giờ làm việc cũng có thể kéo dài từ 9 h sáng hôm trước đến 2 h sáng hôm sau. Ăn ngủ ở lab là chuyện bình thường. Ví dụ 1 thí nghiệm sinh học của mình: Cần phải theo dõi sự thay đổi hình thái và sự tương tác của nấm với vi khuẩn mỗi 2 giờ, trong suốt 2 ngày. Và đó là những lý do có những lúc 2h sáng bạn vẫn phải lóc cóc ngồi soi kính hiển vi và ghi chép số liệu.
Bạn có thể quản lý thời gian để có thêm một chút thời gian nghỉ ngơi cho bản thân nếu bạn biết cách sắp xếp thứ tự ưu tiên. Hãy tự hỏi: Điều gì là hoàn toàn cần thiết mà tôi phải hoàn thành ngày hôm nay? Cái gì có thể trì hoãn đến ngày mai? Dành đủ thời gian trong ngày để hoàn thành những công việc này sẽ giúp ích cho quá trình này và cho phép bạn, khi cần thiết, nói ‘không, tôi thực sự không có thời gian cho việc đó’. Thay vào đó, rõ ràng là nó sẽ giúp bạn sắp xếp và lên lịch các cuộc hẹn một cách cẩn thận.
Nếu đọc đến đây mà mọi người tự hỏi, sao Phương sống sót được đến giờ này. Nói vui vậy thôi, dù kể lể biết bao điều ở trên kia, Phương vẫn thật sự yêu thích cuộc sống và tin tưởng lựa chọn của mình. Mình đọc ở đâu đó, một câu nói rất hay, đại ý: Nếu bạn nói bạn yêu một công việc nào đó vì giây phút thành công của nó, bạn không yêu nó đủ nhiều như bản nghĩ; bạn chỉ thực sự yêu một công việc, khi bạn có thể yêu cả những giât phút đắng cay, vất vả trên quá trình đi đến thành công.
Nếu bạn để ý, mỗi khó khăn Phương kể trên, đều cho mình những bài học mới. Vì vậy nếu bạn nào có ý định theo đuổi con đường của Phương, hãy đọc để tự cảm nhận xem mình có thể yêu cả “ngày mưa” cũng như ngày “tỏa nắng” của cuộc sống này không nhé.
Và với những bạn đã và đang chọn con đường này, hãy nhớ rằng, bạn không hề cô đơn.
Chúc các bạn luôn hạnh phúc ở trong tim.
Vũ Phương
NCS tiến sĩ tại Purdue University, Mỹ.
*Bài đăng lần đầu trên VietPhD. Bài đăng lại trên IBSG dưới sự đồng ý của tác giả. Tiêu đề bài viết do IBSG đặt. Độc giả có thể liên hệ trực tiếp tác giả trên Facebook.
—————-

Nguồn tham khảo:

  1. Woolston, C. (2019). PhDs: the tortuous truth.
  2. Panger, G., Tryon, J., & Smith, A. (2014). The Graduate Assembly: Graduate student happiness & well-being report.
  3. Chakraverty, D. (2020). PhD Student Experiences with the Impostor Phenomenon in STEM. International Journal of Doctoral Studies, 15(1), 159-180.
Ý Kiến Độc Giả:

Nhóm nghiên cứu: