Khám phá một cấu trúc giải phẩu mới ở người: Interstitium

  • Chi tiết bài viết
  • Nhóm nghiên cứu
  • Bài viết liên quan
Rate this post

Giải phẫu cơ thể người là một trong những ngành nghiên cứu y học ra đời từ nhiều thế kỷ trước. Kiến thức về cấu trúc và chức năng của các cơ quan trong cơ thể đóng vai trò quan trọng trong y học lâm sàng và cận lâm sàng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều bất ngờ về cơ thể mà chúng ta vẫn chưa nắm vững. Các nhà khoa học tại Icahn School of Medicine at Mount Sinai và New York University School of Medicine, Hoa Kỳ, vừa công bố việc khám phá ra một cấu trúc mới ở mô người đã bị bỏ sót do hạn chế của các kỹ thuật truyền thống. Với sự ra đời của kính nội hiển vi laser đồng tiêu cự sử dụng đầu dò (probe-based confocal laser endomicroscopy – pCLE), Neil Theise và các cộng sự miêu tả sự hiện diện của một cấu trúc giải phẫu tên là interstitium (phát âm là “inter-STISH-um,” hợp thành từ tiền tố “inter-“ nghĩa là “ở giữa” và “sistere” là “đặt/đứng/xuất hiện;” IBSG tạm dịch là “gian thất”) nằm bên dưới nhiều cơ quan khác của cơ thể. Bài báo được xuất bản trên tạp chí Science Reports ngày 27 tháng Ba 2018.

Theo các nhà khoa học, cấu trúc mới này là những khoảng không gian đại thể nằm giữa các mô, chứa dịch, và kết nối với nhau.

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2015, khi các bác sĩ nội soi (endoscopist) David Carr-Locke và Petros Benias, sử dụng kỹ thuật pCLE để thực hiện nội soi ống mật ở bệnh nhân. Kỹ thuật nội hiển vi (endomicroscopy) là một thành tựu mới của lĩnh vực thiết bị y khoa, giúp cung cấp những hình ảnh mô học bên trong cơ thể ở độ sâu 60-70 μm trong thời gian thực. Đây là một kỹ thuật sinh thiết quang học (optical biopsy). Thông thường, ống mật được miêu tả là cấu trúc được bao quanh bởi một thành mạch khít và cứng.Trong quá trình nội soi pCLE, Carr-Locke và Benias lại quan sát thấy những hình ảnh khác lạ và khó giải thích. Nhóm của Benias đem các kết quả chụp này đến tham vấn Neil Theise, một chuyên gia giải phẫu bệnh tại New York University School of Medicine.

Theise và các cộng sự sử dụng kỹ thuật pCLE để quan sát vùng da dưới mũi và tiếp tục thu được những kết quả tương tự. Các thí nghiệm trên các cơ quan khác cho thấy, những hình ảnh mà họ thu được là do dịch di chuyển trong mạng lưới các kênh mà y văn chưa hề đề cập đến trước đó.

Hình 1: Quy trình quan sát các cấu trúc dạng lưới ở mô ống mật nhờ kỹ thuật pCLE. Nguồn: Scientific Reports

Trong Hình 1, sau khi tiêm chất huỳnh quang fluorescein, nội hiển vi pCLE ống mật (1A) cho thấy hình ảnh dạng lưới (reticular pattern) (1B). Khi tiến hành phẫu thuật Whipple (1C) để thu thập một mẫu mô ống mật, mô được làm đông lạnh và được quan sát nội hiển vi pCLE ngoài cơ thể (1D) cho thấy cấu trúc dạng lưới vẫn hiện diện (1E).

Các nhà khoa học so sánh mẫu mô ống mật tươi vừa đông lạnh nhuộm bằng kỹ thuật Masson trichrome với mô ống mật nhuộm bằng các phương pháp thông thường. Hình 1G (trái) cho thấy mô tươi vừa đông lạnh có các bó collagen (màu xanh da trời) và sự hiện diện của các khoang trống. Trong khi đó, mô nhuộm Masson trichrome qua xử lý theo cách thông thường (1G phải trên) hay qua phẩm nhuộm H&E (1G phải dưới) cho thấy các khoang đã bị xẹp và các bó collagen gần như dính sát vào nhau.

Như vậy, cấu trúc interstitium thực sự hiện diện ở dưới mô, nhưng chính kỹ thuật quan sát mô truyền thống đã khiến các nhà khoa học không nhìn thấy nó. Bằng việc cắt mẫu mô và nhuộm để tạo tiêu bản, dịch ở các khoang bị khô đi và các khoang xẹp lại làm cho interstitium “biến mất” khỏi tiêu bản.

Bằng các thí nghiệm khác, Theise và các cộng sự quan sát sự hiện diện của interstitium tại nhiều mô khác nữa, bao gồm lớp dưới niêm mạc (submucosa) của ống tiêu hóa và bàng quang, lớp hạ bì (dermis), các mô mềm quanh khí quản (peri-bronchial) và quanh động mạch (peri-arterial), và lớp bao cơ (fascia).

Hình 2: Cấu trúc interstitium ở các cơ quan khác trong cơ thể. Nguồn: Scientific Reports

Các nhà khoa học ước tính rằng interstitium chứa khoảng 1/5 tổng thể tích dịch của cơ thể. Do đó, interstitium có thể đóng vai trò như những các trúc hấp thụ chấn động (shock absorber).

Ngoài ra, khi quan sát các mô ở bệnh nhân ung thư xâm lấn, nhóm của Theise nhận thấy các tế bào ung thư có thể di cư ra khỏi mô gốc thông qua mạng lưới các kênh dịch của interstitium. Lưu ý rằng các kênh dịch này nối trực tiếp với hệ bạch huyết (lymphatic system). Theise và các cộng sự tin rằng interstitium còn liên quan đến phù (edema), xơ (fibrosis), và chức năng cơ học của nhiều mô và cơ quan khác nữa. Khám phá này hứa hẹn sẽ mở ra một hướng nghiên cứu mới về bệnh học trong các công trình theo sau.

Huy Vũ (tổng hợp)

Tài liệu đọc thêm:

  1. Petros Benias et al. Structure and Distribution of an Unrecognized Interstitium in Human Tissues. Scientific Reports 8, Article number: 4947 (2018).
  2. Alice Park. Scientists Have Discovered a New Organ in the Human Body. What is the Interstitium? Time Magazine. 27 March 2018.
  3. Jessica Hamzelou. Newly-discovered human organ may help explain how cancer spreads. New Scientist. 27 March 2018.
  4. Alex Johnson. Interstitium: Scientists say they’ve discovered a new human organ. NBC News. 27 March 2018.

Nguồn hình cover: ScienceAlert

Ý Kiến Độc Giả:

Nhóm nghiên cứu: Neil D. Theise

Bài báo gốc:

Petros Benias et al. Structure and Distribution of an Unrecognized Interstitium in Human Tissues. Scientific Reports 8, Article number: 4947 (2018).

Corresponding author của bài báo là giáo sự Neil Theise, Department of Pathology, Icahn School of Medicine at Mount Sinai và New York University School of Medicine.

Thông tin liên hệ:

Email: [email protected]

Điện thoại: 212-674-4505 (home) hoặc 212-420-4246 (work)

Website: http://neiltheise.com/