Kinh nghiệm tìm việc làm giảng dạy tại các đại học Mỹ – Chia sẻ từ trải nghiệm thực tế

  • Chi tiết bài viết
  • Bài viết liên quan
Rate this post

Tìm được một công việc giảng dạy tại đại học Mỹ sau khi hoàn thành PhD là một trong những điều tuyệt vời trong việc xây dựng sự nghiệp. Tuy nhiên, để được nhận vào các trường đại học, ứng viên cần chuẩn bị nhiều thứ quan trọng để tăng tỉ lệ thành công. Sau đây, IBSG xin phép giới thiệu tới quý độc giả và những người quan tâm bài chia sẻ từ những trải nghiệm thực tế của Tiến sĩ Đinh Trung Hòa, hiện đang công tác tại University of North Florida, Hoa Kỳ. Bài viết tập trung vào các vị trí ở các trường giảng dạy (teaching universities) và các đại học vùng (regional universities).

Hồ sơ xin vào hầu hết tất cả các trường đều phải nhấn mạnh 3 điểm:

I. Giảng dạy (Teaching):

Các bạn nên thử dạy một lớp bằng một trong các phương pháp mới (ví dụ: active learning hay inquiry-based learning) và ghi vào “teaching statement” và “cover letter.” Nếu có kết quả ấn tượng thì nhất định phải ghi ra và dùng làm cơ sở để nói chuyện nếu được phỏng vấn.

Teaching statement tầm 1-2 trang. [Bạn nên tham khảo nhiều và dành thời gian viết thật chỉn chu.] Cấu trúc của bài teaching statement nên có các phần sau:

  • Philosophy (Triết lý giảng dạy – BTV) [nên tóm gọn] trong 2-3 câu;
  • Giải thích cách dạy ra sao để người đọc hình dung được buổi dạy của mình nó diễn ra như thế nào;
  • Dùng công nghệ trong giảng dạy;
  • Nói về tính đa dạng (diversity) của sinh viên trong quá trình giảng dạy của bạn;
  • Hỗ trợ sinh viên trong và ngoài lớp học, trước và sau buổi giảng bài (lecture);
  • Nếu bạn được sinh viên khen trong phần đánh giá giảng dạy của giảng viên (teaching evaluation) thì thêm vài câu nhận xét hay của sinh viên để minh họa cho phần giảng dạy của mình.

II. Nghiên cứu (Research):

Cái này thì ai cũng biết là cần có paper (bài báo kỹ thuật – BTV), nhưng viết “research statement” sao cho thu hút người đọc thì tùy theo năng khiếu từng người. Cấu trúc mình dùng trong research statement sau khi tham khảo rất nhiều ý kiến như sau:

  • Trang 1- Tóm tắt và đưa ra các kết quả quan trọng nhất trong các nghiên cứu của mình (gạch đầu dòng hoặc đánh số 1, 2, 3)
  • Các trang tiếp theo: chọn 1-3 dự án đã hoàn thành hoặc đang tiếp diễn (on-going project) để viết, mỗi project tầm một trang. Mình dùng footnote để trích dẫn reference nên không có trang reference.
  • Trang kề cuối: đưa ra 1-3 project có thể để thu hút sinh viên nghiên cứu. Cái này cực kỳ quan trọng với các trường teaching.
  • Trang cuối: list of publications.

III. Hoạt động xã hội (Service):

Cái này thì tùy, nhưng mình khuyên các bạn nên tham gia tích cực vào các câu lạc bộ học thuật như Math Club hoặc các hoạt động giúp khoa mình đang học hoặc tham gia trong các hoạt động tổ chức. Nói chung là làm sao liên quan vào càng nhiều hoạt động của cộng đồng càng tốt. Ghi vài câu vào cover letter và curriculum vitae. Chúng sẽ rất có tác dụng vì người ta thấy bạn năng động và hữu dụng.

Một điều theo mình là quan trọng không kém: lập website cá nhân và đưa thông tin của mình lên đó. Trong lúc nộp hồ sơ mình có thể theo dõi số lượng người theo dõi mình. ResearchGate cũng là một cái hay, tạo network cho mình trên đó, follow thật nhiều những người mình quan tâm.

Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ, bạn nên nhờ những người Mỹ có kinh nghiệm xem qua, chỉnh sửa, và góp ý. Chỉnh sửa tầm 10 lần rồi đưa lên thị trường công việc (job market). Tóm lại, ba yếu tố trên giúp hội đồng tuyển dụng thấy được bạn đã sẵn sàng để trở thành một thành viên ban giảng huấn (faculty) thực sự hay chưa.

Tiến sĩ Đinh Trung Hòa

(Bài được đăng lần đầu trên Facebook group Xin Academic Jobs ở Mỹ ngày 6.3.2018 và được đăng lại trên IBSG dưới sự đồng ý của Tiến sĩ Đinh Trung Hòa)

Hình minh họa: Brooks College of Health, College of Education, University of North Florida. Nguồn hình: Wikipedia.

Ý Kiến Độc Giả:

Nhóm nghiên cứu: