Điểm sách: The Emperor of All Maladies (Siddhartha Mukherjee)

  • Chi tiết bài viết
  • Bài viết liên quan
Rate this post

Tôi là một con nghiện sách. Thời ở Việt Nam có gì tôi đọc nấy, nhưng giờ thì chẳng có thời gian tôi chủ yếu đọc sách về khoa học và trẻ con. Tủ sách của tôi (90% là lôi từ hiệu sách cũ về) có hơn nửa là tôi chỉ đọc vài trang, nhưng có quyển nào là tôi nhớ quyển đó và vì sao mình mua nó. “Chúa Tể Các Loại Bệnh Tật” có lẽ là một trong số ít sách gần đây mang lại nhiều cảm xúc cho tôi. Cuốn sách như một tập hợp các câu chuyện từ nhiều nhân vật như bác sĩ, bệnh nhân, nhà khoa học, hay chính trị gia xoay quanh căn bệnh đáng sợ nhất hiện nay: ung thư. Bác sĩ giáo sư Đại Học Columbia Mukherjee đã thực hiện một công việc có lẽ là công phu nhất trong các cuốn sách về lịch sử y học. Tâm huyết của ông đã vẽ lại lịch sử của căn bệnh ung thư suốt từ thời cổ đại cho đến hiện nay. Cuốn sách được giải thưởng Pulitzer (được coi là giải Nobel/Oscar giành cho Báo Chí) năm 2011, là một trong những cuốn sách tôi có lẽ không bao giờ đọc hết, cho dù có chương tôi đọc tới 10 lần, nó luôn nằm trên bàn làm việc mà lúc có thời gian tôi lại giở ra đọc vài trang, có lẽ cứ như vậy cho đến rất lâu nữa.

Căn bệnh không thể chữa

Nhờ cuốn sách mà tôi biết được tài liệu cổ nhất mô tả bệnh ung thư là từ năm 1600 trước công nguyên. Theo mô tả trong tài liệu khảo cổ học có vẽ như là bệnh ung thư vú, và điểm đáng sợ nhất là khi mô tả về phương pháp chữa bệnh, nó ghi đơn giản một từ lạnh lùng: “Không” (Treatment: None). Thật khó có thể tin được là với sự phát triển của loài người, y học, và công nghệ. Đến giờ, chúng ta vẫn chưa thể vượt qua được cái vạch đáng sợ “5 năm sống sót” cho hầu hết các loại ung thư.

Nhờ cuốn sách mà tôi học được qua lịch sử của ngành chữa trị bệnh ung thư kể từ khi nhà nghiên cứu người Đức Rudolph Virchow mô tả là “căn bệnh tế bào” (cellular disease). Ngắn gọn là một tế bào trong hàng tỷ tế bào phát triển không bình thường và từ đó phá huỷ sự sống cho đến thời điểm hiện tại khi các nhà khoa học và bác sĩ đã có nhiều bước tiến vượt bực trong nỗ lực tìm hiểu ung thư và cách chữa trị nó.

Chữ ký của tác giả cuốn sách mà tôi may mắn có được trong một lần ông ghé thăm USC (University of Southern California)

Đọc cuốn sách bạn sẽ rùng mình bởi những con số thống kê (có thể xem qua phim của PBS) về sự chết chóc của căn bệnh ung thư và những tuyệt vọng trong cuộc chiến không ngừng nghỉ với nỗ lực của toàn bộ thế giới tiến bộ nhắm biến căn bệnh này có thể chữa trị được. Bạn có thể tìm thấy hình ảnh của mình, hình ảnh của bạn mình, gia đình mình trong từng câu chuyện nhỏ mà tác giả đã kỳ công sưu tập và kể lại.

Những khoảng khắc Eureka và những hy vọng

Đó là bác sĩ Sidney Farber với cuộc cách mạng trong kỹ thuật hoá trị (chemotherapy) và cuộc chiến giành lại sự sống cho những đứa trẻ không may mắn bị ung thư máu (leukemia).

Đó là thời điểm năm 1971 khi tổng thống Mỹ Nixon (người ra lệnh ném bom Hà Nội một năm sau đó) ký công lệnh National Cancer Act tài trợ 1.5 tỷ Mỹ kim cho nghiên cứu ung thư trong vòng 3 năm, kể từ đó ung thư luôn chiếm phần lớn nhất trong ngân sách giành cho nghiên cứu của chính phủ Hoa Kỳ. Thành quả là nỗ lực to lớn vận động hành lang của bác sĩ Farber và gia đình Lasker (người tài trợ cho giải thưởng lớn về y học mang tên Lasker).

Đó là thời điểm khi nghiên cứu về gene/di truyền (genetics) tạo nên ảnh hưởng với những tên tuổi vĩ đại như Weinberg, Varmus, Vogelstein, và những nhà nghiên cứu khác lần đầu tiên đạt được những thành quả trong nghiên cứu genetics của bệnh ung thư. Đó là giáo sư Robert Weinberg của Đại Học MIT với phát hiện gene gây ung thư Ras và gene chống ung thư Rb, giáo sư Harold Varmus (Giải Nobel Y Học năm 1989 với khám phá loại gene ung thư proto-oncogenes – ảnh hưởng từ các biến dị di truyền gây ung thư khi còn ở Đại Học California ở San Francisco, cựu giám đốc Viện Nghiên Cứu Ung Thư Quốc Gia Hoa Kỳ NCI trong nhiệm kỳ tổng thống Obama), giáo sư Vogelstein của Đại Học Johns Hopkins, người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu hệ gene ung thư với thí nghiệm chứng minh gene chống ung thư p53 vào năm 1989 và những thành quả trong biến dị (mutation) gây ra ung thư và sự tiến hoá của tế bào ung thư (tumor evolution).

Đó là thời điểm mà bệnh nhân của chính tác giả đã chiến thắng căn bệnh ung thư (điều mà chính ông không tin tưởng khi bắt đầu viết cuốn sách).

Thật khó có thể thống kê đầy đủ hết về những sự kiện diễn ra hàng trăm năm của bệnh ung thư, nhưng có lẽ sử dụng cuốn sách này bạn sẽ hầu như không bỏ sót những sự kiện quan trọng nhất có ảnh hưởng đến nghiên cứu và chữa trị ung thư, mà nỗ lực lớn nhất là từ chính phủ Mỹ với dự án Cancer Moonshot.

Về tác giả cuốn sách

Siddhartha Makherjee là một trong những thiên tài viết lách trong giới nghiên cứu, sau thành công của “The Emperor of All Maladies,” ông viết tiếp cuốn “The Laws of Medicines” và gần đây nhất là “The Gene: An Intimate History” mà tôi đang đọc.

Tiến sĩ Đinh Quang Huy

(Bài viết của Tiến sĩ Đinh Quang Huy được đăng lần đầu trên blog cá nhân của tác giả. Tác giả đồng ý cho phép IBSG đăng lại trên website của Nhóm)

Nguồn hình cover: Gently Mad

Ý Kiến Độc Giả:

Nhóm nghiên cứu: