Điểm sách: A life decoded – My genome: My life (J. Craig Venter)

  • Chi tiết bài viết
  • Bài viết liên quan
Rate this post

Nói đến hệ gene người và cuộc chiến giải mã nó [1], không thể không nhắc đến một cái tên J. Craig Venter. Năm 2000 khi Venter, Collins (giám đốc NIH) và tổng thống Bill Clinton công bố một trong những thành quả vĩ đại nhất của loài người trong khoa học (giải mã hệ gene người), ít người biết đến có một cuộc chiến ngầm và khốc liệt trên con đường chông gai nhưng đầy thú vị dẫn đến công bố lịch sử tại Nhà Trắng. Hãy thử google cái tên JC Venter để biết được con người tài ba và thú vị này, người mà không vì những cuộc chiến chống lại nhiều tên tuổi có tiếng trong khoa học và ý định ban đầu chỉ định cung cấp hệ gene cho những người trả tiền cho dịch vụ của nó, có lẽ đã thắng giải Nobel Y Học hay Hoá Học. Venter có lẽ là nhà khoa học giàu có nhất theo Kevin Davis, tác  giả cuốn sách nổi tiếng về cuộc đua giải mã hệ gene [1] (ông sáng lập và sở hữu vài ba công ty công nghệ sinh học lớn trên thế giới, có hẳn một viện nghiên cứu mang tên mình đặt ở một trong những thành phố biển đẹp nhất nước Mỹ, San Diego), người hiếm hoi có đủ điều kiện để làm những điều mà đa số khoa học gia trên thế giới chỉ dám mơ ước. Một trong những thành tựu mới nhất của ông là công bố hệ gene của hơn 10 nghìn người, gấp 10 lần con số mà dự án đa quốc gia 1000Genome công bố vài năm trước. Trong bài viết này tôi muốn giới thiệu cuốn sách ông viết năm 2007, với cái tên rất đẹp “Giải Mã Một Cuộc Đời – Hệ Gene Của Tôi – Cuộc Đời Của Tôi” (tạm dịch) [2].

Venter chú thích rất nhiều gene có liên quan đến sức khoẻ của chính mình, như một bằng chứng sinh động nhất cho tựa đề cuốn sách. Ông là người đầu tiên công bố hệ gene của chính mình vào chính năm ông xuất bản cuốn sách này (2007, bài báo trên PLoS Biology [3]).

Chiến tranh Việt Nam và Venter

Khi đọc tiểu sử Venter trên báo chí, hai cái tên Việt Nam hầu như lần nào cũng được nhắc đến. Việt Nam, cụ thể là thành phố Đà Nẵng là một trong những nơi làm thay đổi suy nghĩ và cuộc đời Venter. Người cựu binh của hải quân Hoa Kỳ đóng quân tại thành phố miền trung Việt Nam đã chứng kiến sự chết chóc vô nghĩa của một cuộc chiến, ông gọi các bệnh viện quân sự sau sự kiện Mậu Thân 1968 là Univerisity of Death (chương 2). Ở nơi đây ông đã hiểu thêm về ý nghĩa của cuộc sống (có lẽ do ở quá gần cái sống và cái chết), để sau khi trở về từ VN ông ghi danh học trường Y của Đại Học California ở San Diego và bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu mà những gì sau này đã trở thành lịch sử. Ngày Memorial Day (Lễ Chiến Sĩ Trận Vong của Hoa Kỳ – BTV) năm nay, Venter nói lên sự tưởng nhớ của mình đến hơn 50 nghìn người Mỹ hy sinh ở Việt Nam trong Twitter chính thức của mình. Tuy nhiên, không hiểu ông có lưu ý là có trên dưới 100 lần người Việt Nam cùng chung số phận.

Bìa cuốn sách tôi vừa đọc xong, bà xã mượn giùm ở thư viện công gần nhà, có rất nhiều người đọc trước đó.

Venter và cuộc chiến giải mã hệ gene người

Venter “tuyên chiến” sẽ giải mã hệ gene người tốn ít tiền hơn và nhanh hơn nhiều lần nỗ lực 3 tỷ Mỹ kim của Viện Sức Khỏe Quốc Gia Hoa Kỳ (NIH, nơi ông gọi là “thiên đường khoa học và địa ngục hành chính,” chương 5 nguyên văn “Scientific Heaven, Bureaucratic Hell”) và Viện Sanger của Anh Quốc sau khi hàng loạt đề cương nghiên cứu (proposal) sử dụng các kỹ thuật giải mã “EST sequencing” (chương 7) và “Shotgun sequencing” (chương 9) bị James Watson, Francis Collins, và các quan chức NIH từ chối tài trợ. Venter và cộng sự với kỹ thuật giải mã hệ gene của mình đã chiến thắng nỗ lực của chính phủ Mỹ và Anh (public effort) với việc thành công trong bản nháp hệ gene đầu tiên chỉ trong vòng 9 tháng, tuy nhiên ông đồng ý tham gia công bố lịch sử năm 2000 mà chi tiết được mô tả ở chương 15.

Một cuốn sách rất đáng đọc, chứa nhiều bài học về một trong những con người gây tranh cãi những quan trọng bậc nhất trong lịch sử giải mã hệ gene người.

Tiến sĩ Đinh Quang Huy

(Bài viết của Tiến sĩ Đinh Quang Huy được đăng lần đầu trên blog cá nhân của tác giả. Tác giả đồng ý cho phép IBSG đăng lại trên website của Nhóm)

Hình cover: Chân dung J. Craig Venter. Nguồn: Japan Times.

Tham khảo

  1. https://www.amazon.com/Sequence-Inside-Race-Human-Genome/dp/0753813165/
  2. https://www.amazon.com/Life-Decoded-My-Genome/dp/0143114182/
  3. http://journals.plos.org/plosbiology/article?id=10.1371/journal.pbio.0050254
Ý Kiến Độc Giả:

Nhóm nghiên cứu: