Những điều cần có của một người làm truyền thông khoa học

  • Chi tiết bài viết
  • Bài viết liên quan
Rate this post

Trong một lần tôi phỏng vấn giáo sư Trịnh Xuân Thuận, thì ông có nói rằng: “Khi những người trẻ quan tâm khoa học, đó là điều rất đáng mừng. Bởi tuổi trẻ là tương lai của nước nhà, mà đất nước Việt Nam muốn tiến được phải có nền tảng khoa học cao.”

Làm sao để người trẻ nói riêng, cộng đồng nói chung, quan tâm đến khoa học? Điều đó rất cần đến vai trò của những người làm truyền thông khoa học. Với vai trò là Đại diện IBSG – Phụ trách Ban Đối Ngoại và Thương Hiệu, tôi xin chia sẻ với các bạn ở quan điểm cá nhân về những điều cần có của một người làm truyền thông khoa học:

Sức khỏe

Vì khối lượng công việc khá nhiều. Và có sức khỏe thì bạn mới đảm đương được công việc cũng như khiến người đối diện tin tưởng vào khả năng thực hiện công việc của các bạn.

Tình yêu khoa học

Các bạn yêu cái gì thì các bạn mới có thể làm say sưa cái ấy. Không chỉ khi bạn làm nghiên cứu, bạn phải yêu thích hướng nghiên cứu, mà cả khi bạn làm kinh doanh, truyền thông hay bất cứ cái gì thì bạn cũng phải yêu cái hướng mà bạn kinh doanh, truyền thông,… đó. Vậy nên, người làm truyền thông khoa học, điều đầu tiên phải cần, đó là bạn yêu khoa học.

Hình thức, ngôn ngữ

Tất nhiên, nội dung luôn luôn là vua. Nhưng vì bạn làm truyền thông, nên hình thức và ngôn ngữ là thứ quan trọng trong việc giao tiếp và tạo ấn tượng tốt đẹp trong bước đầu để có mối liên hệ lâu dài về sau.

Trong lĩnh vực khoa học của chúng ta, sự đẹp có phần giản dị rất nhiều.

Về hình thức, chỉ cần các bạn gọn gàng, sạch sẽ, đừng quá lố trong thời trang là được. Và các bạn cũng nên lưu ý giữ cân nặng ở một mức vừa phải, đừng để quá mập hay quá ốm. Điều này không phải vì chuyện sắc đẹp, mà cân nặng thể hiện sức khỏe của các bạn ổn định hay không. Tạo cảm giác cho người khác bạn có sức khỏe để đảm nhiệm công việc, đó là điều rất quan trọng.

Về ngôn ngữ, bạn phải cố gắng diễn đạt để người khác dễ dàng hiểu bạn. Trong khoa học thì ngôn ngữ quan trọng đó là Anh ngữ, và vì chúng ta đang hoạt động ở Việt Nam, nên cần diễn đạt tốt tiếng Việt. Ngôn ngữ trong khoa học rất rõ ràng và đơn giản. Do đó các bạn nên cố gắng dùng cấu trúc câu và ngôn từ dễ hiểu.

Bản thân tôi vẫn đang luôn luôn rèn luyện những điều này vì hiện tại khả năng tiếng Anh của tôi chưa thực sự đủ để diễn đạt dễ hiểu cho người nghe như khi tôi dùng tiếng Việt.

Hãy viết sách/ báo

Điều này sẽ là một thế mạnh cho các bạn. Khi các bạn đã có bài báo khoa học, uy tín của các bạn cao hơn và việc các bạn nói đáng tin, truyền thông dễ dàng hơn.

Điều thuận lợi của tôi đó là tôi đã có khá nhiều sách được xuất bản từ trước tới nay. Nhưng điều không thuận lợi đó là các sách của tôi là sách văn chương. Do đó tôi đang cố gắng để hướng vào dòng sách khoa học, trước mắt là bằng việc biên tập và hiệu đính sách khoa học trong nước.

Và điều bản thân tôi cũng như bất cứ ai mong muốn đi bền trong nghiên cứu hướng tới, đó là có bài báo khoa học. Muốn có bài báo khoa học thì phải có quá trình nghiên cứu và nhiều kỹ năng khác. Các bài chia sẻ của giáo sư Trương Nguyện Thành hay của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn hữu ích cho các bạn về điều này.

Hãy giữ mối quan hệ tử tế với mọi người

Hầu hết những speakers đã đến chia sẻ với các bạn trong seminar IBSG là những thầy cô cũ, bạn bè của các thầy cô cũ,… của ban cố vấn học thuật.

Khi chính bản thân tôi, cũng như chính bản thân của các anh chị cố vấn, đã giữ mối quan hệ tử tế, trong một quá trình lâu dài, thì chúng tôi mới có thể đưa uy tín của bản thân để mời các speakers về chia sẻ cho các bạn một cách miễn phí như vậy. Có những speakers đã phải tự chi trả vé máy bay, phòng nghỉ,… từ các nước khi về Việt Nam để chia sẻ kiến thức. Tại sao họ làm vậy? Vì tất cả đều mong muốn góp phần trong khả năng của mình, trong lĩnh vực của  mình vào sự phát triển chung của đất nước.

Trong nhiều tình huống đời sống, rất có thể sẽ có những va chạm và bạn không thể kiềm chế được cảm xúc, tôi cũng vậy, nên tôi đang rất cố gắng để học cách quản lý cảm xúc bản thân. Đây là điều quan trọng cho người làm đối ngoại. Phải đặt được lợi ích của tổ chức mà mình làm lên hàng đầu, thì mới có thể ép được cái tôi của mình xuống, để luôn cư xử đúng mực với vai trò mà mình đảm nhiệm.

Thân mến,

Tuệ An

Ý Kiến Độc Giả:

Nhóm nghiên cứu: