Thử nghiệm thuốc tiêu diệt ung thư không có tác dụng phụ bằng cách "đánh thức" hệ miễn dịch

  • Chi tiết bài viết
  • Bài viết liên quan
Rate this post

Các nhà khoa học đang lạc quan về kết quả lâm sàng của một loại thuốc mới có hiệu quả tốt và không nhận thấy các tác dụng phụ trong điều trị ung thư tuyến tụy di căn (metastatic pancreatic cancer)- một trong các thể nguy hiểm nhất của ung thư.

Tế bào ung thư tuyến tụy di căn thường có khả năng lẩn trốn và tự  vệ trước các cơ chế miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Thuốc IMM-101 (heat-killed Mycobacterium obuense) có thể ” đánh thức” hệ miễn dịch để cơ thể có khả năng  tấn công  khối u, đây là một sự khác biệt lớn có ý nghĩa trong điều trị căn bệnh này.

Các nhà nghiên cứu từ St George, Đại Học London, Anh Quốc cho thấy có thể thêm IMM-101 với thuốc hóa trị Gemcitabine để phá vỡ các tế bào bảo vệ, che chắn của khối u tuyến tụy, từ đó kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân đã có các tế bào ung thư di căn.

“Với tôi, đó là một điều thực sự thú vị”, trưởng nhóm nghiên cứu Angus Dalgleish phát biểu trên tờ The Guardian. “Đây là lần đầu tiên chúng ta có một liệu pháp miễn dịch (immunotherapy) – một đối tượng nghiên cứu đầy hứa hẹn – trong việc giúp kiểm soát ung thư tuyến tụy, một trong những căn bệnh có tỉ lệ tử vong hàng đầu. Việc phát hiện ra các biểu hiện của loại ung thư này gần như đồng nghĩa với cái chết. Và điều đó thật sự là rất kinh khủng.”

Các bệnh nhân trải qua điều trị với loại thuốc liệu pháp miễn dịch cảm thấy tốt hơn so với những bệnh nhân được điều trị với các biện pháp hóa trị liệu thông thường và không phản ứng phụ tiêu cực nào được phát hiện, Dalgleish công bố.

Các dấu hiện đầu tiên khá triển vọng, nhưng đây chưa phải là một liệu pháp kì diệu nào cả. Cỡ mẫu trong thử nghiệm chỉ là một con số nhỏ (n=110), và trên tổng thể, không có một lợi ích đáng kể nào cho tỉ lệ sống sót của căn bệnh này.

Bởi vì thuốc IMM-101 hoạt động hiệu quả hơn khi điều trị ung thư ở các giai đoạn muộn, khi ung thư đã phát tán ra toàn bộ cơ thể (ung thư di căn – metastatic cancer), ngược lại với tình trạng ung thư vẫn phát triển tại khối u ban đầu.

Trong nghiên cứu này, tỉ lệ sống sót trung vị (median survival rate) tăng từ 4.4 tháng tới 8 tháng ở bệnh nhân với ung thư tuyến tụy đã di căn (metastatic pancreatic cancer) – một số bệnh nhân trải qua điều trị với liệu pháp mới này có thể sống hơn một năm, và một trường hợp sống tới gần ba năm. Tuy nhiên, loại thuốc này dường như không giúp ích với những trường hợp với ung thư vẫn giữ nguyên vị trí cục bộ (không di căn), ngược lại với trường hợp khối u lây lan ra  ở một vị trí thứ cấp khác (di căn).

Dalgleish đã kiểm tra ảnh hưởng của IMM-101 trong nhiều năm trời, và trước đó đã phát hiện ra rằng nó hiệu quả trong việc ngăn chặn ung thư da và phổi. Tuy nhiên những kết quả mới này thậm chí còn đáng kì vọng hơn thế, vì ung thư tuyến tụy được “bảo vệ” rất kĩ càng và lẩn sâu trong cơ thể chúng ta.

“Phương thức điều trị này giống như ta đánh thức hệ thống miễn dịch đã chìm trong giấc ngủ,” Dalgleish nói với tờ The Guardian.

Nhiều nghiên cứu rộng hơn đang được thực hiện, tập trung chủ yếu vào những người bị ung thư tuyến tụy di căn.

Căn bệnh này cần rất nhiều sự quan tâm giúp đỡ. Chỉ có 18 phần trăm bệnh nhân ung thư tuyến tuỵ sống qua một năm, và nếu khối u trở nên di căn, tỷ lệ sống thậm chí còn thấp hơn – trên toàn thế giới, thời gian sống trung bình khoảng từ 2,8 đến 5,7 tháng.

Hy vọng rằng, với nhiều nghiên cứu đang được hoàn thành, IMM-101 có thể giúp cải tiến những số liệu thống kê trên.

“Tôi đã được tận mặt nhìn thấy đây là phương thức điều trị vô cùng có lợi cho bệnh nhân và tôi mong muốn nó được sử dụng ở mọi bệnh viện trên toàn quốc,” Dalgliesh tuyên bố. “Tôi tin rằng IMM-101 có thể cách mạng hóa cách ung thư tuyến tụy được xử lý trên toàn cầu.”

Phát hiện này được công bố trên tạp chí British Journal of Cancer.

Linh Huyền, Hồng Ái, và Phương Anh (chuyển ngữ)

Huy Vũ (biên tập)

Bài báo:

  1. David Nield. Experimental drug fights cancer by “waking up” the immune system, and no side-effects. Science Alert. 7 Sep 2016.
Ý Kiến Độc Giả:

Nhóm nghiên cứu: