Ngộ độc chì – Kẻ giết người thầm lặng

  • Chi tiết bài viết
  • Bài viết liên quan
Rate this post

Nhiễm độc chì xảy ra khi chì tích tụ trong cơ thể, thường qua vài tháng đến vài năm. Chỉ một lượng chì nhỏ cũng có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ. Trẻ em dưới 6 tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương bởi nhiễm độc chì, gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất và tinh thần. Khi lượng chì ở mức cao, thậm chí có thể gây nguy hiểm tính mạng.

chi-element

Các loại sơn chứa chì và bụi nhiễm chì trong các toà nhà cũ là những nguồn phổ biến nhất gây nhiễm độc chì ở trẻ em. Các nguồn khác có thể do không khí, đất hoặc nước bị ô nhiễm. Người lớn làm việc với pin, cải tạo nhà hoặc làm việc trong các cửa hàng sửa chữa tự động cũng có thể bị phơi nhiễm với chì.

4lead

Hiện nay, dù đã có phương pháp điều trị nhiễm độc chì nhưng tốt hơn hết là áp dụng các biện pháp phòng ngừa đơn giản để bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình.

Các triệu chứng:

Ban đầu, nhiễm độc chì có thể khó phát hiện – ngay cả những người trông khoẻ mạnh cũng có thể có lượng chì cao trong máu. Các dấu hiệu và triệu chứng thường không xuất hiện cho đến khi một lượng chì đủ gây nguy hiểm được tích lũy.

graphic-lead-exposure-1

click vào hình để nhìn rõ hơn

Các triệu chứng nhiễm độc chì ở trẻ em

Các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm độc chì ở trẻ em bao gồm:

  • Chậm phát triển
  • Gặp khó khăn trong học tập (Learning difficulties)
  • Cáu gắt, dễ bị kích thích
  • Ăn uống không ngon miệng
  • Sụt cân
  • Uể oải và mệt mỏi
  • Đau bụng
  • Nôn mửa
  • Táo bón
  • Mất thính giác

Các triệu chứng nhiễm độc chì ở trẻ sơ sinh

Những em bé tiếp xúc với chì trước khi sinh có thể sẽ:

  • Gặp khó khăn và giảm khả năng học tập
  • Chậm phát triển

Các triệu chứng nhiễm độc chì ở người lớn

Mặc dù trẻ em là đối tượng có nguy cơ đầu tiên, nhiễm độc chì cũng rất nguy hiểm cho người lớn. Các dấu hiệu và triệu chứng ở người lớn có thể bao gồm:

  • Cao huyết áp
  • Đau bụng
  • Táo bón
  • Đau khớp
  • Đau cơ
  • Suy giảm chức năng tâm thần
  • Đau nhức, tê bì hoặc có cảm giác kiến bò ở các chi
  • Đau đầu
  • Mất trí nhớ
  • Rối loạn cảm xúc
  • Giảm số lượng tinh trùng, tinh trùng bất thường
  • Sẩy thai hoặc sinh non ở phụ nữ mang thai

gingiva

http://emedicine.medscape.com/article/1174752-clinical#b2

burton-line

Burton’s line

http://www.nejm.org/doi/pdf/10.1056/NEJMicm050064

Nguyên nhân

Chì là kim loại tồn tại trong tự nhiên ở lớp vỏ trái đất, nhưng hoạt động của con người như khai khoáng, đốt nhiên liệu hoá thạch và sản xuất – đã làm nó lan rộng hơn. Chì đã từng là một nguyên liệu chính yếu trong sơn và xăng và vẫn được dùng trong pin, vật liệu hàn, ống nước, gốm sứ, vật liệu làm mái nhà và một số mĩ phẩm.

lipstick-leadpottery

downloadchina_sealed_lead_acid_storage_battery_12v38ah2010827905472

Chì trong sơn

images

Việc sử dụng sơn có chì cho các ngôi nhà, đồ chơi trẻ em và đồ nội thất gia đình đã bị cấm ở Mĩ từ năm 1978. Nhưng sơn có chì vẫn ở trên tường và các đồ bằng gỗ trong nhiều ngôi nhà và chung cư cũ. Phần lớn nhiễm độc chì ở trẻ em là do ăn phải những mảnh sơn nhỏ chứa chì.

Các ống nước và hàng hoá đóng hộp nhập khẩu

Ống nước bằng chì, đường ống bằng thau và các ống nước bằng đồng được hàn chì có thể làm nước bị nhiễm chì. Mặc dù hàn chì trong thực phẩm đóng hộp bị cấm ở Mĩ, nó vẫn được dùng ở một số nước.

Các phương pháp y học cổ truyền

Một số trường hợp nhiễm độc chì đã được phát hiện do dùng một số phương thuốc cổ truyền, bao gồm:

Greta hoặc azarcon:

azarcon

Loại bột mịn này – cũng được gọi là canxi san hô hoặc san hô biển – là 1 phương pháp chữa trị của Tây Ban Nha được dùng chữa đau bụng, táo bón, tiêu chảy và nôn mửa. Nó cũng được dùng để giúp các em bé đang mọc răng cảm thấy dễ chịu.

Litargirio:

1

cũng được biết như là oxide chì,  loại bột có màu đào này được dùng như chất khử mùi, đặc biệt ở cộng hoà Dominica.

Ba-baw-san:

23

phương thức trị liệu bằng thảo dược Trung Quốc này được dùng để điều trị đau bụng ở em bé.

Ghasard:

một loại bột màu nâu, được dùng như thuốc bổ ở Ấn Độ.

Daw tway:

daw-tway

Thuốc hỗ trợ tiêu hoá được dùng ở Thái Lan, daw tway chứa lượng chì và arsen rất cao.

Các nguồn khác

Chì đôi khi cũng được tìm thấy trong:

Đất: các hạt chì rơi trên đất từ xăng chứa chì hoặc sơn có thể tồn tại nhiều năm. Đất bị nhiễm chì vẫn là vấn đề lớn ở các tuyến đường cao tốc và kiến trúc đô thị. Đất gần các bức tường của những căn nhà cũ có thể chứa chì.

Nước: Ống nước bằng đồng được hàn chì là một nguyên nhân gây ô nhiễm nước uống trong gia đình.

people-in-lead-poisoned-flint-st-750x42245

Bụi trong nhà: có thể chứa chì từ những mảnh sơn chì hoặc từ đất bị nhiễm chì ở bên ngoài vào.

Gốm sứ: Những lớp men được tìm thấy trên 1 số đồ gốm hoặc sứ Trung Quốc có thể chứa chì và có thể dính vào thức ăn.

Đồ chơi: Chì thỉnh thoảng được tìm thấy trong đồ chơi và các sản phẩm khác được sản xuất ở nước ngoài.

paint

phẩm truyền thống: Kohl là một mĩ phẩm truyền thống, thường được dùng như bút kẻ mắt. Kết quả xét nghiệm nhiều mẫu Kohl khác nhau đã cho thấy lượng chì cao.

Yếu tố nguy cơ

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhiễm độc chì bao gồm:

Tuổi tác: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nhiều khả năng tiếp xúc chì cao hơn các trẻ lớn. Trẻ có thể nhai những mảnh vụn sơn nhỏ chứa chì và tay trẻ có thể nhiễm bụi chì. Trẻ nhỏ cũng hấp thụ chì dễ dàng hơn và chịu nhiều tác hại hơn so với người lớn và trẻ em ở các độ tuổi khác.

Sinh sống trong một ngôi nhà cũ: mặc dù việc dùng sơn có chì đã bị cấm từ những năm 1970 nhưng các ngôi nhà và các toà nhà cũ vẫn thường còn loại sơn này. Những người chuyên sửa chữa nhà cũ thậm chí còn có mức độ rủi ro cao hơn.

Các sở thích nhất định: Làm kính màu đòi hỏi việc sử dụng hàn chì. Sửa chữa những đồ nội thất cũ có thể làm bạn tiếp xúc với những lớp sơn chứa chì.

Quốc gia: Những người sống ở các nước đang phát triển có nguy cơ nhiễm độc chì cao hơn vì các quốc gia này thường ít có qui định nghiêm ngặt hơn về việc phơi nhiễm chì. Các gia đình người Mĩ nhận một đứa trẻ từ một quốc gia khác có thể muốn xét nghiệm máu của đứa trẻ về tình trạng nhiễm độc chì.

Chì thậm chí có thể gây hại những em bé còn trong bụng mẹ, vì thế phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ có khả năng mang thai nên đặc biệt cẩn thận tránh tiếp xúc với chì.

Biến chứng

Phơi nhiễm kể cả với một lượng chì nhỏ có thể gây tổn thương theo thời gian, đặc biệt ở trẻ em. Nguy cơ lớn nhất là đến sự phát triển của não bộ, nơi  những tổn thương không hồi phục có thể xảy ra. Lượng cao hơn có thể gây tổn thương thận và hệ thần kinh của cả trẻ em và người lớn. Lượng chì rất cao có thể gây co giật, bất tỉnh và thậm chí tử vong.

11

Hẹn gặp bác sỹ

Nếu bạn cảm thấy bản thân hay con cái của bạn bị phơi nhiễm chì, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc đến ngay cơ sở y tế địa phương có dịch vụ xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ chì trong máu.

Bạn nên làm gì?

Trước buổi khám bệnh, hãy chuẩn bị sẵn câu trả lời cho những câu hỏi sau:

  • Những triệu chứng hay thay đổi hành vi mà bạn chú ý tới ?
  • Bạn hay con bạn có vấn đề sức khỏe nào khác không?
  • Bạn hay con bạn có đang điều trị những loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào ?

Bác sĩ sẽ hỏi bạn những gì?

Bác sỹ có thể hỏi bạn những câu sau:

  • Gần đây bạn có chuyển nhà hay con bạn có chuyển trường không?
  • Nhà bạn được xây khi nào? Có đang được tu sửa gì không?
  • Nếu bạn vừa có công việc mới, liệu công việc này có tiếp xúc với chì không?
  • Anh chị em hoặc bạn cùng lớp của con bạn có bị nhiễm độc chì không?

Xét nghiệm và chẩn đoán

Bác sĩ rất có thể sẽ đề nghị xét nghiệm nồng độ chì trong máu cho con bạn. Việc bao lâu nên tầm soát lượng chì trong máu vẫn là chủ đề gây tranh cãi trong cộng đồng y khoa. Một số chuyên gia cho rằng trẻ em không cần thiết phải xét nghiệm nếu không có các triệu chứng và dấu hiệu nhiễm độc chì.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo bác sĩ và phụ huynh nên tuân thủ theo các khuyến cáo của cơ quan y tế địa phương. Nhiều khu vực có nguy cơ phơi nhiễm chì cao hơn các nơi khác, vì vậy người dân nơi đó thường được khuyến cáo nên kiểm tra chì máu thường xuyên hơn. Ngược lại, nếu nơi bạn sống không được khuyến cáo cụ thể về tần suất kiểm tra, thì theo đề xuất Viện Nhi khoa Hoa Kỳ con bạn nên được xét nghiệm chì huyết vào năm thứ nhất và năm thứ hai đầu đời. Bên cạnh đó, dù con bạn lớn hơn nhưng chưa từng được tầm soát chì máu, bác sĩ cũng có thể đề nghị bạn cho con đi xét nghiệm. 

Thông thường, các bác sĩ sẽ tiến hành một xét nghiệm máu đơn giản, lấy từ đầu ngón tay hoặc tĩnh mạch, để phát hiện nhiễm độc chì. Nồng độ chì máu được đo bằng đơn vị “microgram” trên “đề xi lít” (mcg/dL). Nồng độ chì trong máu được xem là không an toàn nếu từ 5 mcg/dL trở lên; lúc này, bạn nên kiểm tra chì trong máu định kỳ. Nếu lượng chì máu lên tới 45 mcg/dL hoặc cao hơn, bạn hoặc con bạn nên tiến hành điều trị ngay.

Điều trị

Việc trước hết phải làm là loại bỏ nguồn chì gây nhiễm độc. Nếu bạn không thể loại bỏ hoàn toàn chì trong môi trường sống, ít nhất bạn nên hạn chế khả năng phơi nhiễm. Ví dụ, đôi khi thay vì cạo bỏ lớp sơn chì cũ, tốt hơn bạn nên bít kín lại. Cơ quan y tế địa phương sẽ tư vấn cho bạn cách xác định và giảm thiểu lượng chì trong nhà bạn và trong cộng đồng.

Đối với trẻ em cũng như người lớn có lượng chì máu thấp, chỉ cần tránh tiếp xúc với chì là đủ để giảm bớt lượng chì trong máu.

Điều trị cho những trường hợp nặng :

Đối với những trường hợp nặng hơn, bác sỹ có thể áp dụng những biện pháp sau :

  • Liệu pháp Chelation: bệnh nhân sẽ sử dụng một loại thuốc có thể gắn với chì. Nhờ vậy, chúng sẽ được đào thải ra ngoài cơ thể qua nước tiểu.

Liệu pháp này được sử dụng ở liều thấp hơn đối với trẻ em.

  • Liệu pháp EDTA : dùng để điều trị cho những trường hợp có lượng chì lớn hơn 45 mcg/dL. Một vài loại thuốc, với thành phần chủ yếu là axit ethylenediaminetetraacetic (EDTA), sẽ được sử dụng. Tùy theo độ nặng nhẹ của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ quyết định số đợt điều trị.Tuy vậy, những trường hợp quá nghiêm trọng, việc điều trị không thể giúp hồi phục các tổn thương đã có.

Phòng ngừa

1312

Bạn có thể phòng ngừa cho bản thân và gia đình khỏi nhiễm độc chì bằng những bước đơn giản sau :

  • Rửa tay của con bạn sau khi chơi ở ngoài, trước khi ăn và trước khi đi ngủ, cũng như rửa đồ chơi của chúng để giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm chì từ đất cát và đồ chơi.
  • Vệ sinh bề mặt bụi bẩn: Lau sàn với cây lau nhà ướt ; quét dọn đồ nội thất, khung cửa sổ và các bề mặt bụi bẩn khác với khăn ẩm.
  • Nếu đường ống nước nhà bạn có thể chứa chì, hãy mở cho nước lạnh chảy qua đó ít nhất 1 phút trước khi sử dụng tiếp. Không dùng nước nóng từ đường ống trên để pha sữa cho trẻ em hoặc nấu ăn.
  • Hạn chế cho con trẻ chơi trên nền đất trống. Trồng cỏ hoặc phủ 1 lớp bảo vệ lên các vùng đất trống.
  • Dinh dưỡng khỏe mạnh: Cung cấp đầy đủ dưỡng chất sẽ giúp giảm hấp thụ chì. Trẻ em đặc biệt cần bổ sung đủ canxi và sắt trong các bữa ăn.

lead-toys_0

Lưu ý khi tân trang nhà cửa :

Nếu bạn định tân trang lại bất cứ ngôi nhà cũ nào có sử dụng sơn chì, hãy lưu ý:

  • Tuyệt đối không cạo, chà lớp sơn cũ vì sẽ thải ra một lượng lớn phân tử chì vào không khí.
  • Không sử dụng đèn khò để loại bỏ lớp sơn cũ, vì như vậy cũng thải ra một lượng lớn chì vào không khí.
  • Nếu lớp sơn cũ chưa bị bong tróc nhiều, bạn nên sơn đè lên lớp sơn cũ. Bạn cũng có thể dán đè lên lớp sơn cũ ván ép hoặc thạch cao.
  • Mặc đồ bảo hộ khi làm việc và sau đó hãy tắm rửa gội đầu sạch sẽ. Không giũ quần áo bảo hộ hoặc giặt chúng chung với đồ khác.
  • Cẩn trọng không ăn uống ở những nơi có thể có chì.
  • lead_hazard-2-5

IBSG – Nhóm Y Học Thường Thức (chuyển ngữ)

Tài liệu tham khảo:

  1. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/lead-poisoning/basics/definition/con-20035487
  2. http://www.nejm.org/doi/pdf/10.1056/NEJMicm050064
  3. http://emedicine.medscape.com/article/1174752-clinical#b2
  4. http://www.cdc.gov/nceh/Lead/infographic.htm
  5. https://www.youtube.com/watch?v=Ilw_HkR22GY
Ý Kiến Độc Giả:

Nhóm nghiên cứu: