Trầm cảm và lo âu làm giảm cơ hội mang thai trong điều trị IVF

  • Chi tiết bài viết
  • Bài viết liên quan
Rate this post

Theo một nghiên cứu lớn của Viện Karolinska ở Thụy Điển cho thấy trầm cảm, lo âu và sử dụng thuốc chống trầm cảm không cần thiết liên quan tới giảm tỉ lệ có thai và tỉ lệ sinh trong điều trị IVF (in vitro fertilization). Nghiên cứu này được xuất bản trên tạp chí Fertility & Sterility và đây có thể là mối quan tâm của nhiều nhà lâm sàng trong điều trị vô sinh và nhiều phụ nữ mắc chứng trầm cảm hoặc lo âu đang có kế hoạch điều trị vô sinh.

Trong vài thập kỉ gần đây, việc sử dụng các thuốc chống trầm cảm để điều trị bệnh nhân mắc chứng trầm cảm nói chung và những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị trầm cảm nói riêng đang trở nên phổ biến. Đặc biệt, sử dụng chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (Selective Serotonin Reuptake Inhibitors- SSRIs), một loại thuốc được chỉ định chống trầm cảm đang được sử dụng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, những hiểu biết về tác động của các loại thuốc chống trầm cảm đối với sức khỏe sinh sản và khả năng để thụ thai còn rất hạn chế.

Một nghiên cứu mới bao gồm 23 000 phụ nữ tham gia, đây là nghiên cứu lớn nhất từ trước đến nay trong việc đánh giá mối tương quan giữa trầm cảm, lo âu, các loại thuốc chống trầm cảm và tỉ lệ thành công bằng điều trị IVF. Các nhà nghiên cứu sử dụng dữ liệu đã ẩn danh của tất cả các qui trình IVF được thực hiện ở Thụy Điển từ năm 2007 cho đến hiện tại, dữ liệu được lấy từ Cơ Quan Đăng Ký Chất Lượng Về Hỗ Trợ Sinh Sản Thụy Điển (Swedish Quality Register of Assisted Reproduction). Họ liên kết dữ liệu này với thông tin về biểu hiện trầm cảm, lo lắng và việc quản lý kê đơn thuốc chống trầm cảm từ Hệ Thống Lưu Trữ Thông Tin Bệnh Nhân và Thuốc Kê Đơn trên toàn Thụy Điển (the nationwide Swedish Patient and Prescribed Drug Registers).

4.4% phụ nữ trong nghiên cứu bị trầm cảm hoặc được chẩn đoán có biểu hiện lo lắng trong 2 năm trước khi bắt đầu thực hiện chu kỳ IVF hoặc đã sử dụng thuốc chống trầm cảm trong 6 tháng trước khi thực hiện IVF. Các nhà nghiên cứu đã so sánh tỉ lệ có thai, tỉ lệ sinh và sẩy thai ở những phụ nữ này với nhóm phụ nữ không chẩn đoán mắc chứng trầm cảm hoặc không được phát thuốc chống trầm cảm.

Họ khám phá ra rằng, những phụ nữ được chẩn đoán bị trầm cảm, lo âu hoặc đã sử dụng thuốc chống trầm cảm trải qua chu kỳ điều trị IVF lần đầu tiên có tỉ lệ mang thai và tỉ lệ sinh thấp hơn so với những phụ nữ không mắc các triệu chứng này hoặc không sử dụng thuốc trầm cảm trước khi bắt đầu điều trị IVF. Tác giả Carolyn Cesta, nghiên cứu sinh khoa Dịch tễ và Thống kê sinh học nói rằng “Quan trọng hơn, chúng tôi nhận thấy rằng, phụ nữ được chẩn đoán bị trầm cảm hoặc lo âu mà không có đơn thuốc về các loại thuốc chống trầm cảm có cơ hội mang thai hoặc để có một em bé chào đời thậm chí còn thấp hơn.”

SSRIs là loại thuốc chống trầm cảm được kê đơn phổ biến ở Thụy Điển, một nhóm nhiều phụ nữ trong nghiên cứu hiện tại, sử dụng SSRIs cho thấy không có sự khác biệt về tỉ lệ mang thai và tỉ lệ sinh trong điều trị IVF. Tuy nhiên, một nhóm nhỏ các phụ nữ sử dụng những loại thuốc chống trầm cảm khác SSRIs, những người có nhiều biểu hiện phức tạp về trầm cảm và lo lắng đã giảm tỉ lệ (odd) có thai và tỉ lệ sinh cũng như tăng nguy cơ sẩy thai trong chu kỳ điều trị IVF.

Người đứng đầu nhóm nghiên cứu, Phó Giáo Sư Anastasia Nyman lliadou khoa Dịch tễ học và Thống kê sinh học nói rằng “Tóm lại, các kết quả này chỉ ra rằng những chẩn đoán về trầm cảm và lo âu có thể là nhân tố tiềm ẩn cơ bản dẫn đến giảm tỉ lệ có thai và tỉ lệ sinh ở những phụ nữ này.” Tuy nhiên, cô ấy cũng lưu ý thêm rằng “nghiên cứu không phải ngẫu nhiên vì thế những kết quả cũng có thể được giải thích bởi lối sống không điều độ hoặc do những nhân tố di truyền liên quan đến trầm cảm và lo lắng”.

Trần Minh Tứ (dịch và tổng hợp)

Tài liệu tham khảo

  1. Karolinska Institutet. (2016, March 7). Depression, anxiety may reduce chances of IVF pregnancy. ScienceDaily.
  2. Cesta, C. E., Viktorin, A., Olsson, H., Johansson, V., Sjölander, A., Bergh, C., … & Iliadou, A. N. (2016). Depression, anxiety, and antidepressant treatment in women: association with in vitro fertilization outcome. Fertility and sterility,105(6), 1594-1602.
  3. Carolyn E. Cesta, Alexander Viktorin, Henrik Olsson, Viktoria Johansson, Arvid Sjölander, Christina Bergh, Alikistis Skalkidou, Karl-Gösta Nygren, Sven Cnattingius, Anastasia N. Iliadou. Depression, anxiety, and antidepressant treatment in women: association with in vitro fertilization outcome. Fertility and Sterility, 2016; DOI: 10.1016/j.fertnstert.2016.01.036

Xin mời Quý Độc Giả bỏ ra 2-5 phút để làm một khảo sát mức độ hài lòng về bài viết của IBSG tại đây. IBSG chân thành cảm ơn Quý Độc Giả.

Ý Kiến Độc Giả:

Nhóm nghiên cứu: