Tăng cường hiệu quả hóa trị liệu trong điều trị ung thư buồng trứng bằng tế bào lympho T

  • Chi tiết bài viết
  • Bài viết liên quan
Rate this post

Một nghiên cứu mới được công bố đã làm sáng tỏ vai trò của tế bào lympho T trong việc nâng cao hiệu quả điều trị hóa trị liệu (chemotherapy) và mở ra một hướng đi mới trong điều trị căn bệnh ung thư buồng trứng (ovarian cancer).

Ung thư buồng trứng là một loại ung thư thường chỉ được phát hiện ở những giai đoạn muộn, vì thế trong hầu hết các trường hợp đều phải dùng hóa trị liệu sử dụng platinum trong thời gian dài. Tuy nhiên, sau một thời gian điều trị bằng hóa chất, hầu hết các bệnh nhân đều có hiện tượng kháng thuốc hóa trị (chemoresistance). Đây chính là nguyên nhân chính khiến căn bệnh trở nên nguy hiểm và “vô phương cứu chữa”.

Trước đây, nguyên nhân của hiện tượng kháng thuốc trong điều trị ung thư buồng trứng được nghi ngờ là do sự biến đổi di truyền ở các tế bào ung thư. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã nhận thấy điều đó không hoàn toàn chính xác. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell của phó giáo sư Rebecca Liu cùng cộng sự từ Đại Học Michigan, Ann Arbor, đã tìm ra loại nguyên bào sợi có mặt trong khối u có liên quan đến cơ chế kháng thuốc của các tế bào ung thư buồng trứng trong điều trị hóa trị liệu sử dụng platinum.

Tế bào T làm mất khả năng kháng platinum của các tế bào ung thư bằng cách thay đổi con đường chuyển hóa ở nguyên bào sợi trong khối u [1].
Tế bào T làm mất khả năng kháng platinum của các tế bào ung thư bằng cách thay đổi con đường chuyển hóa ở nguyên bào sợi trong khối u.

Rebecca Liu cùng cộng sự đã phát hiện ra rằng, các nguyên bào sợi (fibroblast) có khả năng ngăn cản sự tích tụ của platinum ở các tế bào ung thư thông qua việc giải phóng ra các phân tử glutathione và cysteine và kiểm soát sự phản ứng của thuốc hóa trị ở các tế bào ung thư. Cơ chế kháng thuốc không liên quan tới sự biến đổi di truyền ở các tế bào ung thư này được xem là một phát hiện đầy bất ngờ trong nỗ lực tăng cường hiệu quả điều trị hóa trị liệu sử dụng platinum.

Trong khi đó, tế bào lympho T CD8+ có mặt trong khối u sản xuất 1 loại protein interferon (IFN)ᵞ. Loại protein này làm thay đổi con đường chuyển hóa của glutathione và cysteine ở nguyên bào sợi, qua đó làm mất khả năng kiểm soát nồng độ platinum, cuối cùng làm mất khả năng kháng thuốc của các tế bào ung thư buồng trứng. Bằng cách sử dụng interferon mô phỏng lại con đường kiểm soát của tế bào lympho T, tình trạng kháng thuốc đã được giải quyết trên mô hình chuột. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các bệnh nhân ung thư buồng trứng với nồng độ tế bào lympho T CD8+ cao hơn trong khối u có phản ứng tốt hơn với điều trị hóa trị liệu sử dụng platinum.

Những kết quả từ nghiên cứu của Rebecca Liu cùng cộng sự cho thấy sự kết hợp của hóa trị liệu và các liệu pháp tăng cường hoạt động của tế bào lympho T trong khối u sẽ tạo hiệu quả tốt hơn trong việc điều trị căn bệnh ung thư buồng trứng.

Vũ Hồng Ái, Trương Linh Huyền (lược dịch)

Tài liệu tham khảo:

  1. Wang, W., I. Kryczek, L. Dostal, H. Lin, L. Tan, L. Zhao, F. Lu, S. Wei, T. Maj, D. Peng, G. He, L. Vatan, W. Szeliga, R. Kuick, J. Kotarski, R. Tarkowski, Y. Dou, R. Rattan, A. Munkarah, J. R. Liu and W. Zou (2016). “Effector T Cells Abrogate Stroma-Mediated Chemoresistance in Ovarian Cancer.” Cell 165(5): 1092-1105.
  2. Nicole Fawcett (May 2016). “Immune Cells Help Reverse Chemo Resistance in Ovarian Cancer.” M Health Lab.

Xin mời Quý Độc Giả bỏ ra 2-5 phút để làm một khảo sát mức độ hài lòng về bài viết của IBSG tại đây. IBSG chân thành cảm ơn Quý Độc Giả.

Ý Kiến Độc Giả:

Nhóm nghiên cứu: